Những ngày đặc biệt của thành phố

17/04/2025 - 08:26

PNO - 30/4 năm nay, gia đình tôi chọn ở lại thành phố nghỉ lễ để chứng kiến những hoạt động chào mừng hoành tráng và ý nghĩa, để cảm nhận rõ hơn về một thành phố đầy bản lĩnh, vững vàng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Là một phụ nữ bước vào tuổi 50, tôi làm quen với mạng xã hội đã nhiều năm. Xét về mặt tiêu cực, mạng xã hội đúng là cái… chợ. Ồn ào kinh khủng. Thịt cá và đủ loại hàng hóa, những thông tin nóng hổi, sốt dẻo có, vớ vẩn cũng có.

Tôi như bị lạc vào ma trận. Giữa rừng tin tức, giữa bao nhiêu xu hướng mới xuất hiện mỗi ngày trên mạng xã hội, thông tin về ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước nổi lên như một ngọn hải đăng giữa biển thông tin mênh mông. Nhìn lượt xem, lượt chia sẻ rất cao những thông tin trên, lòng tôi chợt ấm áp khi thấy nhiều bạn trẻ quan tâm đến sự kiện trọng đại này của đất nước.

30/4 năm nay, tròn 50 năm non sông thu về một mối, đi đâu, làm gì… cũng nghe mọi người háo hức, đợi mong. Những ai ở lại thành phố thì hẹn nhau xem lễ diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa, các chương trình nghệ thuật đặc sắc được dàn dựng công phu. Những ai ngại ra đường nắng nôi, mệt nhọc thì ở nhà xem ti vi, lên mạng tìm kiếm phim lịch sử. Xem lại Cánh đồng hoang, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa… dịp này thật ý nghĩa. Xem để thấy sự khốc liệt của chiến tranh; để tự hào về quá khứ hào hùng, oanh liệt; để thấu cảm về khát vọng hòa bình, về tình yêu quê hương, đất nước…

Bạn bè tôi phần lớn sinh năm 1975. Trong số đó, có tới 5 đứa được ba mẹ đặt tên Hòa Bình. Hòa Bình không chỉ là một cái tên mà còn là thông điệp mạnh mẽ về một khát vọng. Chiến tranh qua đi, biết bao mất mát, đau thương không gì bù đắp nổi, 2 tiếng hòa bình là khát khao của tất cả người dân Việt Nam, của những người yêu chuộng hòa bình khắp thế giới. Với tôi, Hòa Bình là tên gọi đẹp nhất trong vô vàn những tên gọi khác.

Trong tủ sách nhà tôi, sách về lịch sử, về chiến tranh… chiếm tỉ lệ không nhỏ. Những bài hát yêu thích của tôi cũng là “nhạc đỏ”. Lúc nhỏ, các con tôi lười đọc sách, tôi thường tóm tắt những quyển sách văn học cách mạng cho con nghe. Tôi thầm nghĩ, các con chịu nghe và biết đặt câu hỏi là quý rồi.

Riêng những quyển như Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Mãi mãi tuổi 20 thì nhất định các con phải đọc để thấy sự khát khao cống hiến, ý chí mãnh liệt của người trẻ thời chiến mà trân trọng những đóng góp máu xương của họ, trân trọng sự hy sinh của cha ông cho chúng ta có hòa bình hôm nay. Tôi vui khi các con biết hát “nhạc đỏ”. Tôi và các con còn lên kế hoạch dịp lễ năm nay, cả nhà sẽ tới rạp xem phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

30/4 năm nay, gia đình tôi chọn ở lại thành phố nghỉ lễ để chứng kiến những hoạt động chào mừng hoành tráng và ý nghĩa, để cảm nhận rõ hơn về một thành phố đầy bản lĩnh, vững vàng. Bạn bè khắp nơi, trong và ngoài nước còn tới thành phố dịp này, mình là “chủ nhà”, cớ gì lại bỏ đi

50 mùa xuân hoà bình, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là thời khắc đặc biệt đáng để chúng tôi chờ đón.

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI