"Tết rồi, ba ơi tết rồi!", tôi nhớ mình đã reo như vậy hình như vào năm 6 hay 7 tuổi gì đó, của một buổi sáng mùng Một. Chèn ơi, tết nghĩa là mặc đồ mới đó!
Đó là bộ đồ mà tối Ba mươi, anh em chúng tôi tò tò đi theo mẹ từ nhà ra hè rồi ra sân rồi quẹo chuồng heo tạt ngang chuồng gà, chèo chẹo đòi mẹ phải ủi đồ. Là bộ đồ dì Mười trong xóm mới giao vài ngày trước đó, sau khi dì đo đo đạc đạc cái "bo đì" tụi tôi, miệng liếng thoắng "sao tụi mày lớn nhanh thế, mới năm ngoái chỉ chút éc mà bây giờ đã thế này...". Ngày nào nhà dì tiếng máy may cũng rèn rẹt chạy từ sáng đến tối, và ngày nào tôi cũng quẹo vô cổng nhà dì hỏi đồ của tôi xong chưa... Sáng đi học cũng quẹo, chiều tan trường về cũng quẹo, có lần dì cáu quá, tôi suýt ăn cây thước may của dì vào mông.
Có lẽ "hãi" quá, mẹ dừng tay quét dọn, vô ủi cho xong mấy bộ đồ hầu mong được yên với lũ giặc. Chúng tôi máng đồ lên, vuốt thẳng thớm lần nữa rồi mới đi ngủ. Trong giấc ngủ đó, tôi thấy mình trong bộ đồ mới như nàng công chúa, thằng Tí nhìn tới lác mắt, con Tũn thì bật khóc vì ganh tị.
Sáng mùng Một, đánh răng vừa xong là nhất định phải tới màn thay đồ. Bộ đồ thơm mùi vải mới, mùi năm mới, mùi của cái gì đó hân hoan lắm, không thể ngồi yên ăn cho xong bữa sáng được, dù đó là cháo gà thơm phức mẹ đã cất công nấu và không dễ gì có nhiều dịp để ăn. Có lẽ nếu mẹ không yêu cầu tôi ăn sáng với tông giọng dịu dàng nhưng ẩn chứa mấy chục lằn roi mây, thì tôi cũng chẳng màng đến bữa sáng hay bữa trưa. Cứ như nếu không đi ngay, sẽ chẳng ai thấy được tôi mặc bộ đồ này ra sao, nhan sắc mình bị hoài phí đến mức nào.
Xỏ đôi dép (dĩ nhiên cũng mới), tôi tót xuống cổng đình. Đó là địa điểm tập kết của chúng tôi mỗi dịp trọng đại. Thường thì khi tôi đến nơi, đã có vài đứa ở đó. Chúng tôi sẽ giả vờ hỏi nhau được ba mẹ lì xì chưa, tí nữa tới nhà ai chơi đầu tiên (chuyện, đâu phải chỉ người lớn mới xông đất và chúc xuân. Chúng tôi cũng có phiên bản xông đất và chúc xuân nhí đấy)... nhưng chả đứa nào đứng yên mà cứ ẹo qua ẹo lại, tay cầm vạt áo vân vân vê vê. Con Tũn còn bày đặt kiến cắn bàn chân, khom xuống gãi gãi mà thật ra là muốn khoe đôi dép màu đỏ chói có đính cái bông nhựa vàng rực trên mũi.
Rồi chúng tôi rủ nhau đi bộ trên đường làng. Tôi không thể nhớ được cả đám đã nói chuyện gì trên suốt đoạn đường đó, chỉ nhớ quãng ấy vui lắm. Câu chuyện rôm rả, giòn tan và cười hớn hở. Chốc chốc lại chóc mỏ ra chào cặp vợ chồng nào đấy đèo nhau đi chúc tết, trên xe lủng lẳng túi bánh kẹo. Làng này, ai cũng biết nhau, từ già đến trẻ. Trong vô số "người qua đường", ắt hẳn sẽ có người hỏi cái áo này ai may đấy mà vừa vặn thế, đôi dép kia hàng nào bán ấy nhỉ, cái mũ trông thế mà xinh ghê...
Chơi chán, đến giờ trưa thì ai về nhà nấy để ăn cơm, rồi lăn ra ngủ. Rồi thì cũng hết một ngày. Bộ đồ mới được thay ra cho vào thau chờ mẹ giặt trong nỗi luyến tiếc. Đến mùng Hai thì vòng quần áo quay về với những bộ đồ cũ, chỉ nhà đứa nào khá giả lắm mới được may đến 2 bộ để mặc tiếp vào ngày này, còn lại thì chỉ vậy thôi.
Chỉ vậy thôi, nhưng cứ mùng Một tết thì nhất định phải mặc bộ đồ mới, xỏ dôi dép mới và tìm cớ xuống đường làng hoặc tìm cớ để gặp ai đó, đến những chỗ có nhiều người một chút, mắt thường xuyên tìm mắt người xung quanh như để hỏi "bộ đồ này xinh chứ?".
Hơn 30 năm đã qua, mùi áo mới vẫn như quyện đâu trong gió vào mỗi cái mùng Một. Chẳng hiểu sao đêm qua, khi ủi đồ cho cả nhà, tôi cố tình để riêng ra chiếc đầm mới. Mùng Một rồi, mặc đồ mới thôi, tống cựu nghinh tân. U40 thì đã sao, tết vẫn là tết dù ta bao nhiêu tuổi cơ mà!
Hoàng Di