Mùng Một nhớ má

10/02/2024 - 16:37

PNO - Hồi má tôi còn khỏe, sáng mùng Một tết nào bà cũng qua nhà tôi rồi hai mẹ con đi bộ ra biển.

Sau khi đi lễ về, tôi mở hết các cửa cho ánh nắng tràn vào nhà và chờ má. Má luôn ngồi lại một chút, nói câu chúc tết rôm rả. Rồi má nhắc đi nhắc lại, bình an, sức khỏe là trên hết.

Rồi má không còn, những sáng mùng Một người tôi nghĩ đến đầu tiên luôn là má. Ôn lại những chuyện xưa, thấy như mọi muộn phiền bỏ qua hết. Những lời của má luôn là cảm hứng sống mang đến cho tôi những suy nghĩ tích cực.

Hình chụp ngày mùng một tết năm 2008 khi hai mẹ con đi bộ ra biển về. Tôi lùi lại và chụp hình má sau lưng
Hình chụp ngày mùng Một tết năm 2008 khi hai mẹ con đi bộ ra biển về, tôi lùi lại và chụp hình má sau lưng

Má tôi được nhận xét là người khó tính và hơi cực đoan. Cả đời làm công việc nội trợ, bà biết rất rõ... tầm quan trọng khi trong gia đình có một người ở nhà lo toan cơm nước, con cái... thế nhưng, bà lại có cái nhìn không thiện cảm với người đàn ông làm công việc nội trợ.

Hàng xóm nhà tôi hồi ấy quanh quẩn mấy gia đình, nhìn qua lại có đến 3 ông nội trợ.

Sát cạnh nhà tôi là nhà ông Năm. Bà Năm có sạp hàng vải ngoài chợ. Một tay bà quán xuyến kinh tế, lo toan nuôi bầy con 8 người còn ông chỉ quanh quẩn nhà trước, nhà sau và cái bếp. Sáng bà Năm ra chợ thì ở nhà ông dọn dẹp. Tầm 10g, bà Năm gửi thịt, cá, rau... về. Trưa, ông nấu xong cho thức ăn vào cà mên để con mang ra chợ cho mẹ. Con cái ông bà Năm hồi đó đều đi học nên họ cũng chỉ phụ vài việc lặt vặt.

Sau này con cái lớn lên, tự lo được và chu cấp cho cha mẹ, bà Năm không ra chợ nữa, hàng ngày ở nhà bà hay la ông vì những chuyện cỏn con lặt vặt như: sao cứ quét sân hoài, sao cứ giành vào bếp nấu ăn với bà... 

Nhà ông Chín phía trước nhà tôi. Bà Chín có cửa hàng tạp hóa ở huyện vùng núi. Sáng sớm bà đi, đến tối khuya mới về, có khi đi 2, 3 ngày hay cả tuần. Việc nhà một tay ông Chín lo liệu. Sau này bà không buôn bán nữa mà ở nhà hẳn, buổi chiều bà đi “ngồi sòng”, mọi việc đã có ông Chín. Thỉnh thoảng má tôi lại nói: “Bà Chín số sướng, ăn đánh bài gãy tay có người lo nhà cửa, cơm nước!”. Trong câu nói của má tôi có 2 hàm ý, một là bà Chín số sướng thiệt, hai là còn có ý chê ông Chín làm ông... nội trợ.

Sau lưng nhà tôi là nhà ông Sáu. Buổi sáng, bà Sáu bán thịt ngoài chợ; buổi chiều hai vợ chồng chở nhau đi biển. Tôi chưa bao giờ thấy họ cãi nhau. Má tôi nói ngày xưa ông Sáu làm chức gì đó lớn lắm, một lần cãi nhau với sếp lớn hơn, ông tức mình bỏ về không đi làm nữa. Từ ngày ông Sáu lui về làm việc nhà, bà Sáu rảnh tay buôn bán, đi chùa...

Hồi ấy, lũ chúng tôi chẳng bao giờ quan tâm việc ông bố hay bà mẹ ở nhà nội trợ. Chỉ biết, qua những nhà ấy chơi luôn vui vẻ. Bạn bè tôi thỉnh thoảng phát biểu rằng, đến chơi nhà ông Tám, ông Chín hay ông Sáu còn thích hơn nhà tôi vì các ông ấy không có cái nhìn dò xét, tò mò, chấp nhặt hay khó chịu như má tôi. Đặc biệt nữa, con cái trong những gia đình ấy rất chan hòa mà sau này tôi nghĩ là do bố của họ vui vẻ, thoải mái nên họ ảnh hưởng.

Còn nữa, với cái nhìn trong trẻo của chúng tôi, các ông ấy mới là chủ gia đình, còn vợ họ, chúng tôi ít quan tâm.

Tôi lấy chồng. Có giai đoạn khá dài chồng tôi thất nghiệp, anh nói vui với bạn bè: “Thà về rửa chén, đuổi gà cho vợ còn hơn làm việc cho hắn ta”. Thú thật, có chồng ở nhà làm nội trợ cũng... sướng, tôi rảnh tay đi làm mà không lo con ăn gì, ai đưa đón đi học... Tuy kinh tế gia đình có khó khăn đôi chút nhưng tôi biết "co" nên cũng "ấm". Chỉ có điều tôi hơi áy náy là không biết má nghĩ gì khi thấy con rể “thất thế”.

Một lần giận chồng, tôi qua nhà má kể xấu chồng ý muốn tìm đồng minh, má nói: “Má thấy nó được quá đi chớ. Thất nghiệp ở nhà chăm sóc con cái, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa cho mày còn muốn gì nữa. Bữa má đi ngang thấy nó đứng nấu ăn, có bữa thấy nó quét sân hay rửa chén má thương quá chừng. Có thằng không chịu vậy đâu, đã không phụ vợ còn bày đặt nhậu nhẹt, hành vợ phải cơm bưng nước rót. Chồng vậy là có phước rồi đó con!”. 

Ngày xưa má luôn có cái nhìn không thiện cảm với "ông nội trợ", không biết có phải thời gian làm thay đổi quan niệm, suy nghĩ của má hay không.

 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI