Mùng 7 hạ nêu là hết tết

16/02/2024 - 07:36

PNO - Cây nêu được dựng ở sân nhà suốt mấy ngày tết. Mỗi lần có gió lại phát ra âm thanh lanh canh rộn ràng. Mùng 7 tết, nội hạ cây nêu xuống.

 

Hình ảnh dựng cây nêu trong phong tục xưa được phục dựng trong các lễ hội (ảnh sưu tầm)
Hình ảnh dựng cây nêu trong phong tục xưa được phục dựng trong các lễ hội ngày tết (ảnh sưu tầm)

Suốt mấy ngày tết, sáng nào tôi cũng thức dậy trong tiếng lanh canh như reo vui của chùm chuông gió nội tôi treo trên cây nêu ở trước sân. Âm thanh quen thuộc và thân thương ấy theo tôi suốt thời ấu thơ tới ngày khôn lớn. Mỗi lần nghe tiếng lanh canh tươi vui ấy, tôi như trôi trong cảm xúc ngọt ngào của mùa xuân rộn ràng.

Chiều 30 tết năm nào nội tôi cũng ra vườn, chọn cây tre già để chặt về làm cây nêu. Nội chặt bớt cành nhánh, chừa đọt tre thật dài. Nội chuẩn bị sẵn tờ giấy đỏ, ghi câu đối cầu nguyện năm mới an lành, mùa màng tốt tươi, ma quỷ không quấy phá. Rồi nội kể về sự tích cây nêu.

Ngày xưa loài người phải sống chung với ma quỷ, bị ma quỷ thu hết sản vật mùa màng, khiến dân làng đói khổ. Có ông Tiên hiện ra, dạy người dân cách chống lại ma quỷ. Quỷ đòi thu phần ngọn của sản vật thì Tiên ông dạy dân trồng khoai. Quỷ thu phần gốc thì Tiên ông dạy dân trồng lúa. Quỷ thu phần giữa thì dân trồng bắp… Sau cùng Tiên ông bày kế, xin ma quỷ cho dân làng mảnh đất bằng bóng chiếc áo treo trên cành tre. Quỷ đồng ý. Tiên ông liền biến cho bóng chiếc áo lớn mãi lên, đuổi ma quỷ ra tận biển Đông. Mỗi năm vào mấy ngày tết, ma quỷ xin về làng để cúng tổ tiên và kiếm cái ăn. Dân làng phải dựng cây nêu, có tấm vải giả làm áo của Tiên ông để ma quỷ khỏi quấy phá. Sau này thành lệ, ngày tết là dân làng lại dựng cây nêu.

Tấm vải trên cây nêu sau này được thay bằng tờ giấy đỏ trừ tà ma. Trên cây nêu có treo chiếc khánh bằng đất nung để khi rung lên, phát ra âm thanh để xua đuổi ma quỷ. Nội tôi thay chiếc khánh bằng xâu vỏ ốc, cũng kêu lanh canh rất rộn ràng. Bây giờ nhiều nhà còn thêm xâu trầu cau, bó lá dứa hoặc nhánh xương rồng… những thứ được cho là vật kỵ của ma quỷ.

Cây nêu được dựng ở sân nhà suốt mấy ngày tết. Mỗi lần có gió, lại phát ra âm thanh rộn ràng. Rồi mùng 7 tết, sau khi cúng tiễn ông bà về trời, nội hạ cây nêu xuống, tháo chùm trầu cau và vỏ ốc treo bên hiên nhà.

Hồi nhỏ, mỗi lần thấy nội hạ cây nêu là tôi dẫm chân khóc lóc vì sợ hết tết. Nội cười hiền, dỗ tôi: “Để cây nêu tết cũng đâu còn hoài được con”. Lớn khôn rồi tôi mới hiểu, có những thứ đến và đi, được và mất không phải mình muốn mà được. Tất cả phải thuận theo tự nhiên.

Nhớ tết năm đó nội bệnh, không dậy được. Nội nhắc ba nhớ dựng cây nêu. Nhớ kiếm cho được chùm trầu cau. Vỏ ốc bể, nhớ thay vỏ mới… Tới chiều, nội hỏi tôi cây nêu có thẳng không? Có treo đủ giấy đỏ, nhánh xương rồng? Nằm nghe tiếng lanh canh reo vui, nội mỉm cười. Có lẽ nội yên lòng vì ba tôi đã kế thừa từ nội, biết chăm chút cho cây nêu nhà mình theo đúng tục lệ ông bà.

Cây nêu thời nay thành vật trang trí vui mắt trong mấy ngày tết (ảnh minh hoạ)
Cây nêu thời nay thành vật trang trí vui mắt trong mấy ngày tết (ảnh minh hoạ)

Mấy năm sau này nội thành mây trắng. Nhà mái lá ngày xưa ba tôi thay bằng nhà tường. Khoảnh sân đất được ba tôi lót gạch tàu. Tết đến, ba dựng cây nêu bên cột cổng. Cây nêu của ba ngoài chùm vỏ ốc và trầu cau, còn có lá cờ tổ quốc. Mấy đứa cháu nội của ba khi biết dựng cây nêu để trừ tà ma, tụi nhỏ cười khì, nhìn quanh quất, hỏi: “Ủa, ma quỷ ở đâu vậy ông nội?”.  Ba tôi bật cười. Ba nói với tôi, sang năm thôi không dựng cây nêu, nói chuyện tà ma mắc công tụi nhỏ sợ. Nhưng rồi tết đến thiếu bóng cây nêu lả lướt trong gió, thiếu tiếng lanh canh reo vui quen thuộc, dường như thấy tết chưa trọn vẹn. Ba tôi lại lọ mọ ra vườn, chặt tre về dựng cây nêu.

Mùng 7 hết tết, ba hạ cây nêu xuống, dọn tết. Anh Hai tôi khiêng mấy chậu mai để ở trước sân. Má tôi bọc lại mấy bình bông giả, mang cất vô tủ. Tôi lo gói ghém quần áo vào va li, chuẩn bị cho chuyến rời nhà. Cả nhà xúm xít ăn bữa cơm chia tay.

Cu Bo nhà tôi mỗi lần thấy ông ngoại hạ cây nêu là Bo biết sắp rời nhà ngoại, về lại thành phố để đi học. Bo phụng phịu hỏi ngoại: “Sao tết hết mau vậy ngoại?”. Nhìn con dỗi hờn, tôi nhớ mình lúc nhỏ, cũng tiếc nuối khi hết tết. Chợt hiểu trẻ nhỏ nào cũng vậy, ham vui, ham tết. Những niềm vui hồn nhiên của trẻ thơ để khi khôn lớn, thành hồi ức đẹp đẽ khi nhớ về.

Như tôi bây giờ, mỗi lần nhìn cây nêu ba dựng ở góc sân, lại bâng khuâng nhớ dáng lom khom của nội trong những chiều cuối năm, ân cần chăm chút cho cây nêu nhà mình. Tôi cũng hiểu ra, tà ma gì đó chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng. Dẹp yên những sân si, đố kỵ trong lòng mình để cuộc sống nhẹ nhàng mới là quan trọng nhất. Hết tết rồi, năng lượng lành nạp đã đủ, hạ "cây nêu" nhỏ mọn, đố kỵ trong lòng mình xuống để nhẹ nhõm bước vào năm mới với niềm tin mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn năm qua.

                                                                                                                                                                                                                                                         Phương Quỳnh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI