Mùng 5/5, má lại nấu chè, nhắc con cháu tắm sớm

09/06/2024 - 20:48

PNO - Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch), má tôi lại nấu một nồi chè, và bữa tối là lúc cả gia đình quây quần bên nhau.

Sáng nay đi chợ sớm, tôi đã thấy nhộn nhịp kẻ bán người mua các thức để chuẩn bị mâm cúng cho ngày tết Đoan ngọ. Tôi nhớ ngày tháng cũ, những năm 1990.

Ngày xưa ở quê tôi, vào mùng 5/5, các gia đình đều nấu chè, làm bánh để con cháu tụ về. Lúc đó tôi còn nhỏ, không biết ngày này còn được gọi là ngày diệt sâu bọ. Chỉ biết, qua lời má dạy, đây như một ngày báo hiếu, để con cháu tập trung ở nhà ông bà cha mẹ, cùng ăn bữa cơm thịnh soạn.

Bữa cơm thịnh soạn ngày ấy chỉ là những thứ tự làm. Món truyền thống của gia đình tôi, ngoài nồi cháo gà, thì không thể thiếu nồi chè đậu xanh đánh.

Nhà ngoại tôi thì "sang" hơn một chút. Vì ngoại làm cho cả đàn cháu nên sẽ có bánh ít lá gai, chè đậu xanh đánh, có năm thì thay chè đậu xanh đánh bằng xôi chè. Ngoại cũng không quên làm bánh gói. Bánh gói của ngoại gần giống như bánh giò, nhưng chỉ lớn hơn cái bánh nậm một chút. Bánh được làm bằng bột gạo, nhân là thịt heo bằm rồi ướp với gia vị, hạt tiêu, trộn với nấm mèo bằm nhuyễn.

Sáng sớm tinh mơ ngày mùng Năm, má tôi gọi đàn con dậy, biểu đi tắm. Dù chúng tôi đang ngái ngủ và cũng lười, nhưng ba má nói, sáng sớm mùng 5/5 mà tắm là cả năm đó không bệnh hoạn gì. Vậy là đứa nào cũng răm rắp làm theo. Không biết có phải nhờ vậy hay không mà chị em tôi đứa nào cũng khỏe mạnh, cứng cáp (như lời ba má khoe với họ hàng).

Trong ngày mùng 5/5, chị em tôi có thể chơi thỏa thích. Cứ như là tết vậy đó. Chúng tôi sẽ đến nhà ngoại ăn uống vào buổi trưa, buổi chiều, đến tối sẽ là "đại tiệc" của gia đình tôi. Má bưng ra nồi cháo gà nghi ngút khói, cả nhà quây quần ăn uống. Món tráng miệng năm nào cũng là chè đậu xanh đánh. Nói là tráng miệng, nghe có vẻ chỉ là món phụ, nhưng thực ra đây mới là món chính. Từ lúc tôi nhỏ xíu cho đến lúc rời quê đi học đại học, chưa năm nào mùng 5/5 mà gia đình lại thiếu món chè.

Có những năm, má nói làm ăn thất bát, cũng không ăn uống gì nhiều, nhưng nồi chè thì phải có. Đêm khuya, má ngâm đậu, sáng ra vỏ đậu đã tróc. Từ tinh mơ, má kêu đàn con dậy đi tắm, rồi đãi sạch vỏ đậu, bắc lên bếp nấu. Trong lúc nấu chè thì má nạo dừa, vắt nước cốt, nấu nước cốt. Mặt trời mọc thì má đã nấu nướng xong xuôi.

Rồi tôi đi học, cũng nhớ nếp nhà, cứ mỗi mùng 5/5, lại dậy sớm tắm, rồi đi mua đậu nấu một nồi chè. Thời đó chỉ có điện thoại bàn, và việc điện hay nghe điện thoại cũng nhiều khó khăn phiền toái, nên má thường viết thư tay cho tôi.

Sau này, khi có điện thoại di động và mạng internet, sáng sớm mùng Năm má gọi cho tôi, nhắc lũ trẻ đi tắm khi mặt trời chưa mọc, để "cả năm khỏe mạnh không bệnh tật". Rồi má hỏi, có nấu nướng gì. Ở Sài Gòn, tôi thấy người ta soạn mâm cúng rất nhiều thứ, có cơm rượu, có xôi lá cẩm, bánh ú lá tro, trái vải, trái mận Bắc, có đài sen, xôi chè. Vậy nhưng gia đình nhỏ của tôi vẫn quen nếp cũ, thiếu gì cũng được, mà nhất định phải có nồi chè đậu xanh đánh.

Thu Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI