Từ Mỹ- em Phạm Lan Phương- sinh viên cũ của tôi khoa Báo chí trường Đại học KHXH &NV TPHCM- nhắn về để “ăn tết trên Inbox với cô giáo". Mùng 3 Tết thày –giờ phải tự tìm cách biểu hiện phù hợp trong bận rộn lo toan của đại dịch vẫn hoành hành với nhân loại đang cố “sống chung".
Các sinh viên không đợi “Mùng 3” mà cứ có dịp là thăm hỏi. Niềm vui lớn nhất với tôi là được thấy họ trưởng thành và giữ mối liên lạc- như một sự giữ gìn tình Thày trò bền lâu hóa thành “Tình bạn" cổ xưa.
Em nay đang theo học một khóa đặc biệt về nghề… viết văn ở San Jose University và có cái hình đại diện trên trang của mình là em đang… leo núi.
Lan Phương đã in một số tác phẩm tại Việt nam trước khi đi học - em viết về môi trường và con người khá độc đáo. Để làm thủ tục nhập học theo yêu cầu của trường, khi làm hồ sơ, tôi với tư cách “một Giáo sư” đã phải làm bảng trả lời câu hỏi và nhận xét em.
Tôi nhớ khi đó mình viết phần Applycant’s outstanding talent: "Phương không luôn đứng đầu về điểm số và không quá chú tâm việc vươn lên đứng đầu” (lúc đó tôi cười thầm: không lẽ viết em hay…trốn học ?).
“Cô là người viết những gì mình thích, những gì chạm đến tâm hồn cô hơn là các quy cách. Do vậy cô không xuất chúng kiểu đúng khuôn phép nổi bật, mà có tài năng tiềm ẩn chỉ lóe sáng trong lao động cá nhân. Ưa tự do sáng tạo và độc lập tính cao.”(Khi nhận xét thế, tôi nghĩ đến các con của mình, con các bạn bè và những em xuất sắc trong lứa).
Tôi giới thiệu: “Cô ấy đã có 5 tác phẩm thu hút giới trẻ Việt Nam vào mối quan tâm thế giới với cảm xúc riêng và có trách nhiệm, dám bước khỏi vùng an toàn để chạm vào những gì chưa chạm, để hiểu và yêu, có trách nhiệm với thế giới mình đang sống
Tôi dẫn ra cuốn sách của em Mekong, phù sa phiêu bạt viết về các khu vực hạ lưu sông Mekong- không phải sách trải nghiệm du lịch đơn thuần mà là khám phá những thay đổi cực đoan của đời sống do hệ sinh thái bị phá vỡ... "Để viết cuốn sách, cô đã bỏ cả công việc có thu nhập khá".
Bộ “hồ sơ “ ấy đã lâu rồi. Nay thì tôi theo dõi cô lúc đang lướt con sóng nguy hiểm ở Chile, khi thì đi chợ ở Mexico. Cuộc đời lý thú cần cho người viết văn trải nghiệm.
Xuân Nhâm Dần 2022 này, “Tết thày mùng 3" - em viết về một ký ức tình thày trò như sau: “Nhớ những ngày đầu, tôi học viết cả bằng cách… đến nhà cô giáo ăn phở do cô nấu. Có lẽ cô không nhớ đã nấu món Phở Hải như thế bao nhiêu lần đãi bạn bè và học trò yêu…
Tôi đến Mỹ học viết để biết cách bày tỏ thế giới mình nhìn thấy dưới những lăng kính mới mẻ qua những phóng chiếu về con người, về nhân tính và cả về sự thất bại của nhân tính. Những bài học nhiều thêm và phức tạp thêm như chính thế giới nơi tôi đang trải qua - nơi sự chia rẽ và tấn công đang trở thành một phần cuộc sống của cư dân toàn cầu. Và tôi thường nhớ đến phở nhà cô giáo nấu, nơi có những học trò được đến để cùng vui, được thương và biết sự nghiệp mình theo đuổi là đúng đắn trong đời".
Đọc những dòng này của học trò cũ, em nói mong được về để “lại đi café với cô cùng các bạn" tôi cảm động lắm và vội trả lời: "Bao giờ được vậy em ơi. Sài Gòn vừa trải qua một năm khủng khiếp và giờ đây vẫn còn bạn bè nhiều nơi đang chống chọi vì nhiễm COVID-19. Thấy em vùng vẫy và trưởng thành, cô rất mừng".
Em dặn tôi giữ sức khỏe – dịch bệnh COVID-19 dù có khỏi cũng nguy hiểm - nhất là những người lớn tuổi, để di chứng như tàn phế cho người bệnh cả năm sau đó. Biết em cá tính mạnh, và đọc thấy nước ngoài rất phức tạp, tôi nhắc em “Đừng có antivaccine nhé”. Em đáp: "Đã tiêm mũi Booster rồi ạ. Cô yên tâm. Em tuy có nổi loạn nhưng không chơi dại đâu ạ".
Tết đến với nhiều người xa quê- Tôi nhớ thương con cháu và học trò đang vật lộn để đứng vững lập nghiệp xứ người không hề dễ dàng. …
Nguyễn Thị Ngọc Hải