Mùng 3 liệu đã hết tết?

24/01/2023 - 21:55

PNO - Trưởng thành rồi, nhiều người cứ nói qua ba mùng là hết tết. Nhưng với trẻ con, người già thì tết râm ran lâu lắm.

 

Ngày mùng 3, gia đình nào ở quê tôi cũng thực hiện mâm cúng hoá vàng (ảnh minh họa)
Ngày mùng 3, gia đình nào ở quê tôi cũng thực hiện mâm cúng hoá vàng (ảnh minh họa)

Ngày Mùng 3, theo phong tục của quê tôi, là ngày hóa vàng. Đây là ngày mà chúng tôi sẽ cùng bố sắp xếp lại bàn thờ, thứ gì cần mang xuống bảo quản thì mang xuống, giấy tiền vàng đem đốt cho các cụ, trái cây nào tươi thì để lại, nếu có dấu hiệu héo thì cũng dọn xuống. Lần lượt bánh mứt, hoa, trái được cân nhắc dọn vào. Thế là coi như một cái tết đã hết.

Tôi thấy mình nhiều cảm xúc vào những ngày Mùng 3 tết, bởi cảm giác mọi thứ chóng vánh, nhanh lẹ, dẫu cho mới đón giao thừa đây thôi. Dù rằng sau khi hóa vàng, họ hàng, người thân cũng tề tựu ăn bữa cơm chung cùng nhau, không khí vui vẻ rộn ràng, nhưng câu chuyện để nói với nhau cũng đã có phần đổi khác.

Nếu là hôm 30, Mùng một, chủ đề cuộc nói chuyện là chúc tết, thăm hỏi, là nói chuyện năm qua, thì sang ngày Mùng ba, mọi người đã tính đến chuyện đi làm.

Mẹ tôi mấy ngày ấy hay được hỏi khi nào thì động thổ, khi nào thì trồng mớ cây đang ươm ngoài gốc mít sau nhà, năm nay gieo giống lúa nào cho vụ mùa tới…

Ngày hóa vàng khiến tôi chênh chao, vì cảm giác tết đã gần hết (Ảnh minh họa)

Ngày hóa vàng thường khiến tôi chênh chao, vì cảm giác tết gần hết (ảnh minh họa)

Dường như mọi người đều phải chuẩn bị tinh thần đi làm lại từ ngày Mùng ba, cho dù thực tế thì có thể họ nghỉ cho trọn tuần. Bởi vậy nên hồi nhỏ tôi không thích ngày tết tan, cũng chẳng thích những chủ đề mà người lớn nói với nhau trong ngày hôm ấy.

Tôi chỉ thích khung cảnh hóa vàng, bố tôi cầm từng thếp tiền giấy, bỏ vào cái lò, rồi có một que tre tươi, bố cứ gẩy từng lá tiền, từng bìa vàng người ta làm lấp lánh. Bố đốt rất kỹ, bởi quan niệm nếu đốt không hết, làm tiền bị rách thì người âm nhận cũng không trọn vẹn.

Tôi thường ngồi sát bên, cũng cầm một que tre, vừa lật những tờ tiền, vừa lấy từng xấp bỏ vào trong lò đốt một cách kính cẩn. Khi làm hóa vàng, không được bỡn cợt, không nói những lời không hay, đó là bố tôi dặn thế.

Đốt xong xuôi hết thì bố sẽ tưới vào lò một cốc rượu, thế là hoàn thành việc hóa vàng. Tôi ngồi ngẩn ngơ nhìn những tờ tiền đã hóa tro, bay vài chập tứ tán, vừa tiếc vì đã hết "3 mùng".

Thế nhưng với trẻ con và người già thì tết chưa hết, mà còn râm ran lâu lắm. Bọn trẻ vẫn mê chơi, vẫn xúng xính váy áo đẹp, vẫn chưa vội đến trường vùi mình vào sách vở.

Còn với bà tôi, bà vẫn móm mém mỉm cười nhìn con cháu náo nức ăn chung bữa cơm ngày hóa vàng. Bà vẫn tận hưởng nốt mấy ngày tết còn kéo dài theo ý bà tưởng tượng. Rằng mai bà đem xấp bánh cho con của chú, gửi cho con gái lấy chồng xa ít măng khô, ra mộ ông đem chai rượu ngoại cúng từ hôm 30 cho con cháu khui ra mà uống…

Với người già, trẻ nhỏ, tết còn râm ran kéo dài lắm (Ảnh minh họa)

Với người già, trẻ nhỏ, tết còn râm ran kéo dài lắm (ảnh minh họa)

Tôi thấy được tết trong tâm tưởng của bà còn kéo dài, là bởi cách mà bà hỏi từng người: Khi nào thì đi làm lại? Và chỉ cần nghe nói hai ba hôm nữa mới trở lại cơ quan, là bà cũng vui lắm. Tết của người già đâu chỉ có giao thừa và ba ngày mùng là kết thúc, tết của họ là con cháu sum vầy, ở ngay cạnh bên. Chừng nào chúng còn ở, là họ còn tết.

Sau những ngày ăn uống thỏa thuê, tiếp khách với rượu thịt ngày đủ ba bữa, thì tết thật sự của chúng tôi là sau ngày hóa vàng: ăn một mớ rau bà hái, là cắt trái dưa hấu đỏ au ăn cho mát ruột, là tâm tình sau những ngày tết bận bịu cỗ bàn.

Tôi hiểu vì sao với người già, trẻ nhỏ, tết thật sự dễ chịu vào những ngày thảnh thơi thế này. Tôi có dịp trèo lên giường bà, áp mặt vào gối của bà, nghe mùi dầu gió xanh thoang thoảng, nghe bà kể chuyện tết xưa thuở ông còn sống. Tôi cũng hiểu tết thật sự là tụi trẻ được phá cỗ, vui mừng reo lên khi lấy từng tờ giấy bọc oản mà đưa vào mắt để soi, tôi cũng thèm những bữa cơm sau tết, dẫu là tận dụng đồ ăn của ba mùng sót lại, thì vẫn rất ngon lành.

Mùng 3 hóa vàng, nhưng với tôi chưa bao giờ là hết tết. Năm nào cũng thế, không khí mùa xuân còn kéo dài qua tận rằm tháng Giêng. Dù ai nấy đều phải quay trở lại với công việc của mình thì tết vẫn còn vương vấn. Chúng tôi cũng khăn gói đem theo bánh mứt, hạt dưa lên tận thành phố, tí tách cắn mỗi ngày cho đến khi hết mớ quà ấy.

Thế nên tết đâu chỉ vài ngày. Tết là dài hơn thế.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI