Mùi tử khí khắp nơi, những lò thiêu không tắt ở Myanmar

01/04/2025 - 11:23

PNO - Động đất làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo của Myanmar khi số người chết vượt quá 2.056 và gần 4.000 người bị thương.

Một công nhân vận chuyển thi thể nạn nhân động đất để hỏa táng tại một cơ sở ở ngoại ô Mandalay, Myanmar vào ngày 31 tháng 3 năm 2025
Một công nhân vận chuyển thi thể nạn nhân động đất đi hỏa táng tại một cơ sở ở ngoại ô Mandalay, Myanmar vào ngày 31/3 - Ảnh: AFP

Tình hình quá thảm khốc

Chiều tối ngày 31/3, truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin, số người chết trong trận động đất đã vượt quá 2.056. Các nhóm cứu trợ và Liên hiệp quốc cảnh báo thảm họa này có thể làm trầm trọng thêm nạn đói và dịch bệnh bùng phát ở quốc gia vốn đang phải vật lộn với nội chiến kéo dài và hạn chế tiếp cận nhân đạo.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hậu quả từ trận động đất ở Myanmar đã làm quá tải một số bộ phận của hệ thống chăm sóc sức khỏe, khi số người chết tăng lên ngày càng nhiều và nhiều người còn mất tích, mùi tử khí ở khắp nơi.

"Các hoạt động cứu hộ phải đối mặt với "những trở ngại đáng kể bao gồm đường sá hư hỏng, cầu sập, thông tin liên lạc không ổn định và sự phức tạp liên quan đến xung đột dân sự. Sự tàn phá của trận động đất đã làm quá tải các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại các khu vực bị ảnh hưởng. Nhu cầu cấp thiết về chăm sóc chấn thương và phẫu thuật, vật tư truyền máu, thuốc gây mê, thuốc thiết yếu và hỗ trợ sức khỏe tâm thần" - cơ quan y tế của Liên hiệp quốc cho biết thêm.

Mặc dù cho đến hiện tại, số người thiệt mạng là hơn 2.056 người nhưng theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, số tử vong cuối cùng có thể lên tới hơn 10.000 người.

“Tình hình tồi tệ đến mức khó có thể diễn tả được những gì đang xảy ra” - Aung Myint Hussein - người quản lý chính của nhà thờ Hồi giáo Sajja North ở Mandalay - cho biết.

Những lò thiêu không tắt

3 ngày sau trận động đất mạnh 7,7 độ Richter xảy ra ở miền trung Myanmar, số người chết đã lên tới 2.056, và vẫn còn nhiều người bị chôn vùi trong đống đổ nát của các tòa nhà tại thành phố lớn thứ hai của quốc gia này.

Kể từ khi trận động đất xảy ra, hàng trăm xe cứu thương chạy liên tục ngoài đường phố. Những chiếc xe chở bệnh nhân nặng đến bệnh viện, số còn lại đưa thi thể đến các nghĩa trang, nhà hỏa táng ở ngoại ô Mandalay.

Các nhân viên cứu hộ được nhìn thấy trong xe của họ sau khi vận chuyển thi thể nạn nhân để hỏa táng gần Mandalay, Myanmar
Các nhân viên cứu hộ đang vận chuyển thi thể nạn nhân đi hỏa táng gần Mandalay, Myanmar - Ảnh: AFP

Trong lễ hỏa táng chiều ngày 31/3, có 1 thi thể của em bé mới chào đời và chưa kịp đặt tên. Bà Khin Myo Swe là bà ngoại của đứa trẻ cho biết, con gái bà đang mang thai đứa trẻ xấu số này thì đã bị động đất hất ngã khi đang làm việc trên ruộng lúa và đã sinh con vào ngày hôm sau.

Em bé được đưa đến bệnh viện ở Mandalay để nằm lồng ấp, nhưng đã tử vong sau 2 ngày.

“Tất cả chúng tôi đều đang sống trong khó khăn. Tôi đã phải nói dối con gái mình rằng tôi đã để đứa bé ở bệnh viện. Nếu tôi nói đứa bé mất, tôi lo cú sốc sẽ giết chết nó luôn” - Khin Myo Swe khóc khi một nhân viên cứu thương nhẹ nhàng bế thi thể nhỏ bé đưa đi hỏa táng.

Cảnh tượng chưa từng thấy

Tại một lò hỏa táng trong thành phố Mandalay, những ngày qua các nhân viên làm việc không ngừng nghỉ. Đã có hàng trăm thi thể được chuyển đến, riêng ngày 30/3 có hơn 100 thi thể.

Một số xe đưa thi thể nạn nhân vào lò thiêu sau đó lại vội vã chạy đi.

Một công nhân được nhìn thấy tại lò hỏa táng bên ngoài Mandalay, nơi xe cứu thương đang đưa thi thể của những người thiệt mạng trong trận động đất lớn ở Myanmar
Một công nhân hỏa táng đang chờ xe cứu thương đưa thi thể của những người thiệt mạng trong trận động đất ở Myanmar - Ảnh: AFP

Nay Htet Lin, người đứng đầu 1 nhóm 4 người khác đã đưa khoảng 80 người vào viện kể từ sau trận động đất, cho biết: "Vào ngày đầu tiên của trận động đất, chúng tôi đã giúp những người bị thương đưa đến bệnh viện. Ngày thứ hai, chúng tôi mang theo cả xác chết".

Là nhân viên hỏa táng, Nay Htet Lin chia sẻ ngày thường anh làm việc theo ca và công việc khá nhẹ nhàng. Có những ngày, không có người mất, lò thiêu không phải nổi lửa. Nhưng những ngày qua, anh và những nhân viên khác thay phiên làm việc không nghỉ. "Mọi người đều đến đây với tâm trạng buồn bã, đau khổ. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng như thế này trước đây" - nhân viên hỏa táng kỳ cựu 15 năm không hề hối hận về lựa chọn nơi làm việc của mình, ngay cả khi chứng kiến ​​cảnh đau thương.

Myanmar sẽ dành một phút mặc niệm vào trưa ngày 1/4 để tưởng nhớ các nạn nhân của trận động đất thảm khốc.

4 ngày sau trận động đất nông có cường độ 7,7 độ Richter xảy ra, nhiều người Myanmar vẫn phải ngủ ngoài trời, hoặc không thể trở về nhà hoặc lo sợ các dư chấn tiếp theo.

Chính quyền đã yêu cầu cả nước Myanmar sẽ dừng hoạt động vào lúc 12:51:02 - thời điểm chính xác trận động đất xảy ra vào ngày 28/3 - để tưởng nhớ những người đã mất.

Phút mặc niệm này là một phần của tuần lễ quốc tang do chính quyền quân sự tuyên bố, với việc treo cờ rủ tại các tòa nhà chính thức từ ngày 31/3 đến ngày 6/4 tưởng nhớ nạn nhân, để chia buồn với những mất mát về sinh mạng và thiệt hại của đất nước.

Thảo Nguyễn (theo AFP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI