Mũi tiêm bổ sung là cơ hội cho nước giàu và mối đe dọa cho nước nghèo

31/07/2021 - 05:30

PNO - Nhiều nước giàu đang xem xét việc tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 cho dân. Ngược lại, những nước nghèo khốn đốn vì tình hình dịch bệnh và kinh tế suy thoái...

Nhiều quốc gia giàu có đang xem xét việc tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 cho người dân vốn đã được tiêm chủng đầy đủ, cũng như đảm bảo các đơn hàng vắc xin trong tương lai. Ngược lại, những nước nghèo đang khốn đốn vì tình hình dịch bệnh và kinh tế suy thoái do không thể tiếp cận vắc xin.

Người phụ nữ lớn tuổi được tiêm nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19 tại một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt ở Netanya, Israel - ẢNH: REUTERS
Người phụ nữ lớn tuổi được tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 tại một cơ sở hỗ trợ sinh hoạt ở Netanya, Israel - Ảnh: Pfizer Reuters

Hôm 28/7, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành Công ty , tiết lộ, hiệu quả của vắc xin COVID-19 do hãng này sản xuất giảm dần theo thời gian, xuống còn khoảng 84% ở những người được tiêm chủng vào khoảng 4 - 6 tháng sau khi tiêm liều thứ hai. “Nhưng tin tốt là chúng tôi rất tin tưởng rằng liều bổ sung sẽ đáp ứng miễn dịch ở mức đủ để bảo vệ chống lại các biến thể như chủng Delta”, ông Bourla nói.

Đầu tháng Bảy, khi Pfizer đề xuất kế hoạch tiêm mũi vắc xin thứ ba, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã lên tiếng phản đối. Tuy nhiên, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho rằng mũi tiêm tăng cường “có thể cần thiết”. Giám đốc điều hành của Johnson & Johnson - Alex Gorsky - cũng nói rằng mọi người có thể cần tiêm liều bổ sung mỗi năm, tương tự như tiêm phòng cúm mùa.

Trên thực tế, các quốc gia giàu có đã chạy đua “giành phần” liều vắc xin bổ sung và điều này khiến vắc xin cho nước nghèo càng thiếu. Đó là lý do cả CDC và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều không khuyến nghị tiêm bổ sung vắc xin COVID-19 vào lúc này. Trước đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh: “Nhiều nước giàu đặt hàng hàng triệu liều bổ sung, trước khi các quốc gia khác chưa có đủ liều để tiêm chủng cho nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương nhất”. 

Dữ liệu do Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, WHO và Đại học Oxford công bố hôm 22/7 chỉ ra rằng, sự bất bình đẳng về vắc xin đang làm suy yếu “sự phục hồi kinh tế toàn cầu”, và sẽ có “tác động lâu dài, sâu sắc” đến các quốc gia có thu nhập từ trung bình trở xuống. Mặt khác, nếu các quốc gia tăng cường sản xuất vắc xin, chia sẻ đủ liều lượng cho các nước nghèo hơn, thì 38 tỷ USD có thể được bổ sung vào dự báo GDP toàn cầu năm 2021.

Đồng thời, theo báo cáo công bố trên tạp chí Nature Medicine, người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình sẵn sàng tiêm vắc xin COVID-19 (80%), so với những người sống ở các nước giàu như Mỹ (65%), Nga (30%). Điều đó nghĩa là tốc độ tiêm chủng của họ có thể cao hơn nếu nhận được đầy đủ liều vắc xin. 

Tấn Vĩ (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI