Hồi đám bạn bày trò đo chuẩn bàn tay đẹp, tôi đã giấu vội đôi bàn tay mình xuống gầm bàn. Đôi tay xương xẩu và đen đúa của tôi giống một nhánh cây khô giữa những cành tươi tốt. Tay đã xấu mà còn thêm những nốt tàn nhang, những chấm đồi mồi và dưới làn da dọc ngang những đường gân xanh. Bàn tay quen cái cày, cái cuốc khiến đứa từ quê lên tỉnh như tôi cảm thấy mình thật quê mùa và đầy vất vả.
Nhưng tay tôi như vậy nào đã thấm gì so với tay của má tôi.
|
"Đôi bàn tay đó dẫu khổ hạnh nhưng luôn chỉ cách để tôi tinh tươm và vén khéo trong mọi cảnh sống" - Ảnh: Nguyễn Tuấn Khoa |
Tay má tôi nhìn rất thô, ngón ngắn đều nhau với các khớp ngón tay u nần. Bàn tay ấy chưa bao giờ hợp với chuyện đeo một chiếc nhẫn vì sẽ khá vất vả để vượt qua đốt tay. Ở bàn tay phải của má, ngón cái còn bị tật “đầu trun” kỳ dị do ngày nhỏ bị nhiễm trùng gì đó. Má nói, nhìn nó như con rắn trun thụt đầu nên người ta gọi vậy.
Vậy mà, đôi bàn tay “cù lần” của má lại là bàn tay kỳ diệu nhất đối với anh em tôi. Chúng đã chèo chống đủ đường để anh em tôi có thể lớn lên như bây giờ.
Thịt da tôi vẫn còn nhớ cảm giác của những nốt chai ở lòng bàn tay má hay những mảnh da khô sần sùi trên các đầu ngón chạm vào, lộm cộm như cành củi khô quét qua, làm dịu cơn ngứa ở chiếc lưng mọc đầy nốt sảy.
Đôi bàn tay đó trở nên mát rượi khi đặt trên cái trán nóng hổi của tôi để thăm chừng cơn sốt.
Lòng bàn tay má lúc nào cũng tỏa mùi, không phải mùi thơm, mà là mùi của đồng cỏ, của nước ruộng, của đàn heo, bầy gà. Thế nhưng chúng đã nắm tay tôi, dắt tôi qua nhiều cơn khó sống, giành lấy tôi từ nhiều phen thập tử nhất sinh.
Bàn tay đó gần gũi và thật đến nỗi trong cơn mê man của trận sốt xuất huyết năm tôi chín tuổi, lúc sắp chìm đi, tôi đã với nắm và chạm vào những cần cù thương mến mà tỉnh dậy.
Cũng đôi bàn tay thô đó, má cắt từng mảnh vải từ mớ quần áo cũ người ta cho còn dùng được, may cho tôi tấm áo ấm hay chiếc quần, mà để bớt đi phần cứng quèo của vải, má đã tỉ mẩn viền lai quần bằng mớ vải bông vụn “đầu thừa đuôi thẹo” xin được ở một nhà may nào đó.
Cũng từ mấy cái ống quần vải thô, tôi sẽ có chiếc túi đeo chéo để đựng sách vở đi học, túi đựng bút và cả chiếc giẻ lau bảng.
Tất cả các món may vá đều được má làm bằng tay vì nhà tôi không có máy may. Có những trưa mệt nhoài hay khi nửa đêm giật mình thức giấc, tôi vẫn thấy má ngồi cặm cụi.
Nhiều mùa mưa lụt, tôi luôn thấy kẽ tay, kẽ chân của má bị nước ăn lở loét. Nhiều buổi tối, má ngồi hơ tay trên bếp than hồng cho đỡ ngứa. Đôi tay dầm lâu trong nước ruộng, móp hết da, nhăn nheo và buồn bã như cái cây giữa trời nắng đã héo rủ.
Bàn tay xấu xí đó của má khiến chúng tôi bớt sợ hãi khi mấy má con về ở trong căn nhà hiu quạnh giữa đồng vắng. Nơi ở lạ, xung quanh toàn vườn cây rậm rạp mà không có người, giữa đêm hết đứa này khóc thét đến đứa kia giật mình, ba tôi lại vắng nhà.
Nhà không có đàn ông, chỉ toàn con nít với người phụ nữ nhỏ thó như má nhưng má sẽ luôn thức dậy, quờ tay bật quẹt đốt đèn rồi dẫn từng đứa con đi tiểu để giấc ngủ sau sẽ lại sâu hơn.
Vùng tôi ở có cây gáo lớn thật lớn, rỗng ruột, nằm trên một doi đất. Con rạch nhỏ dắt từ sông vào nhà tôi ngang qua doi đất này. Tôi không biết má có sợ không nhưng tôi thì sợ quíu, nhất là những lúc ngồi trước mũi xuồng chèo với má những bữa hai má con bơi xuồng về nội ngoại, mà về tới đầu rạch thì trời sụp tối nhanh.
Xuồng rẽ vào con rạch giống như chui vào hang vì hai bên mé trồng nhiều cây nên cành nhánh đan xen qua lại tạo thành vòm trên đầu. Lúc đó, má sẽ bỏ luôn phía sau lái mà lên đằng mũi xuồng với tôi. Má kêu tôi xuống ngồi phía dưới khoang xuồng, sát vào má, rồi má quạt nước thật mạnh để mau về.
Bàn tay ngón ngắn thô dày đó còn dạy tôi biết chia sẻ, biết nắm lấy tay ai đó khi họ khổ sở và buồn bã. Như dù nhà thiếu ăn, má cũng bưng cho người lỡ đường tô cơm nóng.
Bàn tay đó cũng rửa cái mặt đầm đìa mũi dãi của một đứa trẻ đi lạc mà má gặp giữa chợ, nắm tay nó đứng với má để nó không đi lung tung, người nhà dễ tìm thấy. Chờ mãi không thấy người thân nào của nó đến đón, má dắt nó đi mua cho ổ bánh mì dù bữa chợ đó, má chỉ đủ tiền mua vài lon gạo.
Đôi bàn tay đó dẫu khổ hạnh nhưng luôn chỉ cách để tôi tinh tươm và vén khéo trong mọi cảnh sống.
Sau này, có hơi nhiều tuổi và đi qua nhiều phần cuộc sống, tôi hiểu rằng đôi bàn tay mà ta thương sẽ là bất cứ đôi bàn tay nào mà ta thấy ấm áp, đôi bàn tay luôn chìa ra nắm lấy nhau trong hoạn nạn, đôi bàn tay làm những việc tốt tươi đẹp đẽ cho người và cho cuộc đời.
Minh Phúc