Mùi tết trong gió

05/02/2021 - 06:03

PNO - Tết, là quê, là phải quay về dù cố hương đã bao xa.

Cứ đến ngày đầu tiên của tháng Chạp, kể từ giây phút xé tờ lịch đó, mẹ như người khác. Có điều gì đó trong mắt mẹ, vừa xa xăm, vừa reo vui và thật nhiều chờ đợi. Sự chờ đợi hân hoan. Tháng Chạp, với mẹ là cột mốc cho thời điểm hoàn toàn khác biệt trong năm. Là tết mấp mé, là mẹ sắp về quê.

Con đường đẹp nhất là con đường về nhà - Ảnh minh họa
Con đường đẹp nhất là con đường về nhà - Ảnh minh họa

Câu chuyện của mẹ kể từ đó, dù là với đề tài gì, cũng đều mang dấu của tết, của quê, của căn nhà nhỏ xíu lọt thỏm dưới chân gò xanh mướt. Trong các bữa cơm, khi đưa tay gắp miếng rau lang luộc, mẹ sẽ bảo “vườn nhà mình ngoài đó chắc lang cũng bò ngổn ngang rồi, mùa này ngọn tươi ngon lắm”.

Lúc đứng bếp đảo chảo gà kho sả, mẹ sẽ nhớ ra “mấy bụi sả sau hè, nghe thằng Năm nói hàng xóm qua xin hết trơn, không biết về còn không”. Bưng tô canh khổ qua, mẹ vừa đưa vá múc vừa đùa “miền Nam có món này vậy mà hay, mùng Một mẹ sẽ nấu một nồi cho tụi con, ăn cho cái khổ nó qua”… 

Giáp tết, khi “bọn trẻ” đã U40 của mẹ nô nức sắm sửa, mỗi ngày tha về nhà một ít quần áo mới, bày biện và í ới nhau thì mẹ ngược lại, lấy quần áo máng trong tủ xếp vào giỏ.

Mẹ bảo, còn có bao nhiêu ngày nữa đâu, mẹ xếp sẵn để vài bữa khỏi lu bu. Mà nào có nhiều nhặn gì, chỉ vài bộ đồ, chai dầu gió để phòng say xe, chiếc khăn quấn cổ vì “trên tàu lạnh lắm”… mẹ cứ lôi ra, xếp vô, chộn rộn như những ngày tháng Chạp của nhiều năm trước, với tước lá mai, quét vôi nhà cửa, chà rửa lư đồng, đổ bánh thuẫn… chộn rộn từng góc nhà. 

Cũng kể từ ngày đầu tiên của tháng Chạp, động tác xé tờ lịch của mẹ chậm rãi hẳn đi. Mỗi ngày, mẹ thường đứng đó giở tờ lịch lên, bấm đốt ngón tay lẩm nhẩm đếm, ngày nào cũng đếm, như thể “bọn ngày” cũng có chân mà chạy lộn xộn khắp nơi, hôm nay mang trật tự khác với hôm qua.

Rồi mẹ hỏi, những câu hỏi không phải để nhớ mà cũng không phải để nhắc, lặp đi lặp lại như lời tự sự. Mẹ hỏi chuyến tàu đó mấy giờ, mẹ thắc mắc thời gian từ nhà đến sân ga bao lâu, mẹ muốn biết cần đến ga trước giờ khởi hành mấy tiếng… Rồi mẹ lại sực nhớ điều gì đó, hớt hải đi kiếm túi xách, mở mở tìm tìm, rồi thở phào: “Đi tàu khác đi xe khách, phải có giấy chứng minh nhân dân…”.

Tháng Chạp ở Sài Gòn, mùi tết cũng nồng trong không khí hay ít nhất với mẹ là vậy. Sáng sớm nào ngủ dậy, mở cửa sổ để gió lùa vào, mẹ cũng nói cơn gió sáng nay giống gió tết quê nhà. Nó lành lạnh và reo vui, không gây hấn như những trận gió mùa đông trước đó không lâu. 

Khi mẹ nói “gió tết ở quê” là trong cơn gió đó có tiếng gọi nhau í ới của hàng xóm đứng bên kia rào mời nhau bữa cơm tất niên; tiếng khua của cối giã hành tỏi, của tiếng chén dĩa va nhau trong chậu nước, tiếng xì xèo của miếng thịt đang trong chảo dầu sôi; là âm thanh của đám con tự phân nhau đứa rửa chén, đứa “phụ trách” món chả ram, đứa trang trí hoa trái bàn thờ…

Mùi tết trong gió là mùi cố hương - Ảnh minh họa
Mùi tết trong gió nhắc ta xa cố hương đã lâu... - Ảnh minh họa

Với những kẻ xa nhà, mùi tết trong gió là thứ dễ nhắc nhớ nhất về việc mình đang ở đâu, cố hương đã tận bao xa…

Và khi một người mẹ già tha hương, chỉ tháng Chạp thôi, là tết quê đã vào giấc ngủ mỗi đêm. 

Lương Hàn

 

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI