Mùi tết nơi phố thị

05/01/2025 - 07:12

PNO - Từ ngày trong nhà có mấy hũ dưa kiệu, gian bếp có mùi vị tết. Mùi tết nơi phố thị được nhen nhóm từ bàn tay tảo tần vun vén của mẹ.

Kiệu phơi ở sân chung cư nơi phố thị - Ảnh do nhân vật cung cấp
Kiệu phơi ở sân chung cư nơi phố thị - Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ ngày lên sống ở chung cư, gia đình tôi mất luôn niềm vui quây quần bên nồi bánh chưng, bánh tét ngày giáp tết. Chung cư tôi sống là chung cư bình dân. Có lẽ vì vậy mà chủ đầu tư cũng tranh thủ mọi khoảng trống để tăng diện tích xây dựng nhà ở. Các căn hộ đều không có ban công. Do vậy, cái khoản phơi phóng, làm mứt, làm dưa ngày tết cũng khó thực hiện.

Đầu tháng Chạp, mẹ ở quê lên chơi. Không giống như tôi chỉ tranh thủ cuối tuần chạy ào ra siêu thị mua cả xe đẩy đầy hàng, đem về cất tủ lạnh ăn nguyên tuần, sáng nào mẹ cũng chịu khó lội bộ ra khu chợ chồm hổm gần đó. Mới vài ngày dạo chợ, mẹ đã phát hiện ra những người đàn bà ở quê đem củ hành, củ kiệu lên bán ở những mảnh ni lông trải vội bên lề đường. Biết nhà con gái không có chỗ phơi, mẹ vẫn ráng mua 2 ký củ kiệu, 3 cái bắp cải rồi tìm cách làm dưa tết.

Không chịu mua kiệu người ta cắt sẵn, mẹ mua loại còn nguyên rễ đem về tỉ mẩn cắt từng củ, rửa sạch, ngâm với nước vo gạo. Mẹ nói cũng có thể ngâm trong tro bếp, ngặt cái ở thành phố nấu toàn bếp gas, lấy đâu tro bếp.

Vừa đi làm về, tôi đã ngửi thấy mùi kiệu nồng nồng tỏa khắp nhà - cái mùi mà hồi chưa lấy chồng, còn ở quê với mẹ, chị em tôi chỉ được ngửi khi tết sắp đến. Nghe mùi kiệu là thấy tết. Chồng tôi và con trai, con gái bịt mũi “ui mùi gì hôi thế” (anh là dân miền Bắc, từ nhỏ không biết ăn kiệu. Các con tôi còn nhỏ cũng không quen mùi kiệu này), chỉ có tôi là hít thật sâu vào lồng ngực, nghe tuổi thơ ùa về.

Không hiểu bằng cách tài tình nào đó, mẹ thương lượng được với bác bảo vệ chung cư cho mẹ đem mấy mâm củ kiệu xuống tầng trệt, phơi ở khoảng sân trước sảnh chờ. Lựa lúc vắng vẻ - khi người lớn đi làm, trẻ con đi học, mẹ tôi lui cui bưng từng rổ, từng khay củ kiệu sắp thẳng hàng, đi thang máy xuống tầng trệt.

Suốt mấy tiếng đồng hồ có nắng, mẹ đi bộ quanh đó, vừa như tập thể dục, vừa để… canh chừng đám củ kiệu, sợ có người trong ban quản lý bắt dẹp thì còn kịp mà di tản lên nhà. Kiệu cần có nắng, nhưng không phải là thứ nắng quá gay gắt, sẽ khiến kiệu “chín” mất. Muốn kiệu ngon, phải thường xuyên trở, dời qua chỗ nắng vừa phải. May sao, công cuộc phơi nắng của mẹ và mớ kiệu đã thành công trót lọt.

Kiệu hơi héo, mẹ đem lên nhà, trộn với muối, đường cho thấm rồi lại đem phơi tiếp ngoài nắng thêm 1-2 tiếng nữa. Sau 1 ngày tắm nắng, củ kiệu đủ chuẩn để xếp vào keo. Mẹ khéo léo xắt ớt sừng thành sợi dài trộn vào cho có thêm màu sắc.

Giấm để làm dưa kiệu cũng là giấm mẹ tôi tự nuôi bằng chuối chín vườn nhà. Giấm nuôi có màu trắng ngà, vị chua thanh chứ không gắt như giấm công nghiệp mua ở tiệm. Kiệu ngâm chừng 10 bữa là có thể ăn được. Khi đủ độ giòn, chua vừa phải, mẹ dặn tôi nhớ vớt kiệu ra khỏi nước giấm, cất vô tủ lạnh rồi ăn dần.

Ảnh mang tính minh họa
Ảnh mang tính minh họa

Từ ngày trong nhà có mấy hũ dưa kiệu, gian bếp có mùi vị tết. Mùi tết nơi phố thị được nhen nhóm từ bàn tay tảo tần vun vén của mẹ khiến tôi nghe lòng rưng rưng. Bài tập làm văn “kể về món ăn ngày tết” của con gái đã có thêm chất liệu thực tế, sinh động hơn hẳn so với việc con chỉ biết kể chuyện theo mẹ đi mua sắm tết ở siêu thị.

Đúng rồi, dù sống ở thôn quê hay phố thị, dù giàu sang hay nghèo khó thì những món ngon mẹ làm, mẹ nấu sẽ vẫn là những ký ức đẹp đẽ trong lòng mỗi người. Chắc tôi cũng phải học mẹ thêm nhiều món tết, để các con còn có tết trong trí nhớ, tết trong tim.

Nguyễn Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI