Mùi phố

22/01/2022 - 07:08

PNO - “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa” - Trịnh đã viết vậy. Phải chăng yêu là khi đã bén hơi, quen mùi nên không cần mắt cũng tìm thấy nhau? Có lẽ thế, như khi đã yêu Hà Nội, dù nhắm mắt ta vẫn có thể nhận ra rất nhiều con phố nhờ mùi của phố.

Nếu không có những biển tên phố, Hàng Đào chẳng khác mấy Hàng Ngang mà Hàng Ngang cũng y chang Hàng Giấy. Cũng màu vôi đó, cũng mái nhà đó, cây bàng đó… Song với những kẻ du hành đường phố, chuyện phân biệt chỉ là chuyện nhỏ, bởi họ mê phố, yêu phố, nghe được tiếng phố và ngửi được mùi của phố để nhận diện. 

Với những kẻ du hành đường phố, “nhắm mắt” họ cũng biết được mình đang ở phố nào
Với những kẻ du hành đường phố, “nhắm mắt” họ cũng biết được mình đang ở phố nào

Đa phần các con phố của Hà Nội đều có mùi hương riêng và dễ định vị nhất là hương thơm của loài hoa được trồng nhiều trên con phố đó. Mùi long não thơm hăng hắc ở phố Lê Văn Hưu.

Mùi thơm dịu ngọt và hơi hắc của hoa sao đen đích thị của phố Lò Đúc. Mùi chua chua dễ chịu trong không khí cho ta biết đó là phố Trần Phú hoặc Phan Đình Phùng với bạt ngàn sấu, tạo nên trăm ngàn “con mắt nhìn chua cả gió”. Thế nhưng, vị chua chua kia không phải từ trái sấu mà từ những chiếc lá bị gió cuốn xa cành, nát dưới gót chân du khách. 

Có những mùi hương của phố đã được đưa vào thơ ca như hương hoa sữa trên đường Nguyễn Du. Tuy nhiên, nếu hương hoa sữa thoang thoảng hơi nước thì đích thị là đoạn phố Nguyễn Du chạy ngang hồ Thiền Quang chứ không ngọt hắc như đoạn đầu và cuối phố. Cuối Chạp, đầu Giêng, mùi hoa bưởi tinh khôi ngây ngất dọc phố Hàng Điếu và cuối phố Lò Đúc, khiến ai đi qua đều không thể không dừng chân mang đôi lạng về thắp hương dâng các cụ. 

Còn một mùi hương hoa tinh tế mà chỉ khứu giác của những kẻ rong chơi sành sỏi mới nhận biết được là mùi hoàng lan của phố Quán Thánh đã đi vào Hà Nội - phố của Phan Vũ: “Ta còn em mùi hoàng lan”. Phải lang thang ở đây vào những đêm trời trở gió cuối tháng Mười, khi thành phố đã bắt đầu tĩnh lặng, hương hoàng lan mới tỏa bay thết đãi kẻ tri kỷ.

Bên cạnh hương hoa, cây cối, mùi phố hiện diện ở chính đời sống thường nhật của phố. Đặc biệt ở vùng lõi phố cổ, những mùi này đã tạo nên một bản tổng phổ hương vị tuyệt vời. Cho dù có những mùi đã không còn như phố thời khởi thủy hoặc bị thay bằng những mùi khác, bản tổng phổ này vẫn cứ là bảng chỉ đường chính xác nhất.

Từ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bước vào phố Hàng Đào, bạn sẽ cảm được mùi vải vóc từ hàng chục cửa hàng bán quần áo quanh năm nhộn nhịp. Đi xuyên qua một ngõ nhỏ sực mùi vải của tất, găng tay, đồ lót trên phố Gia Ngư sẽ đến mùi len trên phố Đinh Liệt. 

Lại một con ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt nồng nàn mùi phở bò, mùi nước mắm gừng chấm ngan dé, mùi rau cần trong bát bún cá… Chỉ cần những thứ mùi ấy sượt qua mũi, ta lập tức nhận ra ngõ ăn uống Trung Yên. Cuối con ngõ này là đến chợ Hàng Bè - vương quốc của cá kho, thịt kho. Trời rét đậm, đứng nơi đầu chợ mà mùi cá kho, thịt kho theo gió thơm lừng làm bụng bất chợt quặn lại vì thèm một bát cơm gạo mới với khúc cá kho thơm nức mùi riềng, mùi gừng hay miếng thịt kho tàu mềm nhừ béo ngậy.

Phố Lãn Ông thơm lừng mùi cam thảo, quế, hồi... Phố Hàng Bồ thơm mùi mực nướng, bên cạnh là mùi ngan chấy tỏi thơm điếc mũi của Hàng Thiếc, Hàng Lược. Phố Nguyễn Thiện Thuật thơm nồng mùi ngũ vị hương, bò khô, gà khô, lợn khô xếp ngồn ngộn trên các sạp hàng khiến tì vị ướt đẫm nước thèm. Mùi chim quay, bít tết thơm lừng phố Hàng Buồm. Mùi cơm đảo gà rang vang rền phố Mã Mây. Mùi bún chả nao nức cuối góc phố Cửa Đông hay cột đèn Lương Ngọc Quyến - Phất Lộc.

Mùi bún chả là một câu chuyện thú vị. Như Thạch Lam có nhắc trong danh tác Hà Nội băm sáu số phường giai thoại một ông đồ nhà quê lên Hà Nội vào một ngày đông lạnh, ngửi thấy mùi bún chả thơm quặn người bèn làm câu thơ: 

Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long

Bún chả là đây có phải không?

Chỉ mùi bún chả cũng đủ khiến một ông đồ lạc bước lên kinh thành nhận diện được cả Hà Nội kể cũng kỳ tài, song có lẽ chưa bằng chuyện tôi chứng kiến. Hôm ấy, tôi đang ngồi uống chè trên phố Lương Ngọc Quyến, bà cụ bán nước bảo thằng cháu lên đầu Phất Lộc mua bún chả. Tự dưng bà thèm ăn bún chả. Thằng cháu nói: “Hôm nay hàng bún chả nghỉ rồi bà ơi”.

Bà cụ mắng thằng cháu mải chơi không đi mua cho bà. Thằng cháu cười khì khì bảo: “Cháu không cần đi cũng biết hôm nay hàng ấy nghỉ. Bà thử ngửi xem có thấy mùi bún chả không. Mọi hôm giờ này cả phố có mà thơm điếc mũi, khói quạt chả có mà như sương giăng. Bà không tin bà thử ra đấy xem có không”.

Bà cụ nghe thằng cháu nói thế như sực tỉnh, chun mũi hít hà rồi bảo: “Đúng thật, không thấy mùi khói chả đâu cả, thôi cháu ra Đào Duy Từ mua cho bà bát cháo đậu vậy”.

Cái mùi bún chả hay thế! Nó không chỉ thông báo tên phố mà còn báo cho kẻ sành sỏi biết đã đến giờ đi ăn bún chả hay chưa vì bún chả Hà Nội đa phần chỉ bán tầm 11 giờ đến 14 giờ. Quá giờ trưa mà không thấy mùi chả nướng, hai bà cháu bà cụ bán nước biết ngay là hàng bún chả nghỉ.

Lại nhớ hôm chở cháu nội đi chơi phố, vừa đi một đoạn, cháu đã chun mũi hít lấy hít để qua khẩu trang rồi bảo: “Bà nội ơi, mùi thịt xiên nướng thơm quá”. Tôi nhìn quanh không thấy hàng nào nhưng quả thật trong gió có mùi thịt nướng thơm lừng. Đi dấn thêm tí thì thấy ngay giữa Lò Đúc có đến ba hàng thịt xiên nướng. Những viên than củi đỏ hồng, mỡ trên thịt rơi xuống kêu xèo xèo, mùi thịt nướng thơm lừng dọc con phố.

Đa phần các con phố của Hà Nội đều có mùi hương riêng
Đa phần các con phố của Hà Nội đều có mùi hương riêng

Đặc điểm chung của các con phố ở Hà Nội là rất hẹp và ngắn, có những phố chỉ đi hơn chục bước chân là hết như phố Hồ Hoàn Kiếm - “hang ổ” của món nộm đu đủ bò khô lừng lẫy. Chính vì ngắn như thế nên tầm lan tỏa của mùi nằm trong khả năng nhận biết của các giác quan con người và cái mùi của phố mới trở thành dấu hiệu nhận diện phố phường vô cùng đáng tin cậy cho những kẻ lang thang.

Thế nên nếu ngửi thấy mùi cà phê thơm nồng thì dứt khoát đấy là phố Lê Văn Hưu với chuỗi rang xay cà phê nổi tiếng. Thấy mùi tỏi phi, hành phi lồng lộng có thể đoán đấy là cuối phố Hàng Điếu với món bún bò Nam bộ lừng danh. Chả rươi béo ngậy, thơm váng cả đầu thì không Ô Quan Chưởng cũng cuối phố Lò Đúc với hai hàng chả rươi ai ai cũng biết.

Mùi đường mật nấu với gừng, với nếp chắc chắn tỏa ra từ hàng bánh trôi tàu nổi tiếng Hàng Giầy của cụ Phạm Bằng ngày xưa. Mùi vằn thắn, sủi cảo, tôm tươi ninh nước dùng nhất định là cuối Hàng Chiếu. Còn mùi phở ư? Chắc chắn Bát Đàn, Lò Đúc, Hàng Đồng, Hàng Vải, Ấu Triệu… đấy. Nếu không muốn dạ dày sôi ùng ục, tốt nhất sáng sớm đừng đi qua mấy con phố đó. 

Lại nhớ những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, hàng quán đóng cửa, phố xá vắng lặng, chập tối có những con đường không một bóng người. Có việc phải ra đường, vẫn thấy trong gió thoảng mùi hoa sữa, hoàng lan nhưng sao thiêu thiếu một thứ gì đó mà ngay lúc ấy không thể nhớ ra. Đi nửa thành phố mới sực nhớ cái thiêu thiếu ấy chính là mùi của phố. Một cảm giác buồn bã bóp nghẹt trái tim. Không còn mùi phố, Hà Nội không còn là Hà Nội. 

Sau những ngày giãn cách, hàng quán được mở lại, nhiều nơi đưa hình ảnh người Hà Nội xếp hàng dài chờ ăn phở. Có lẽ không chỉ đơn giản à thèm phở mà bởi họ muốn được chìm ngập trong mùi của phở, mùi của phố, mùi của sự hồi sinh, mùi của sự sống.

Sớm nay, từ Ô Quan Chưởng đi bộ thong dong lên Hàng Chiếu, ngang qua đoạn cắt với Nguyễn Thiện Thuật, tự dưng bước chân tôi bỗng khựng lại bởi hương mùi già vừa thoảng qua trong gió. 

Chả cần nhìn lịch, ngửi thấy hương mùi già là biết ngay tết đã thập thò bên thềm nhà. 

Vĩnh Quyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI