Mùi nhớ - Cay cay mứt gừng

08/02/2020 - 07:23

PNO - Mình thích cái cảm giác ngồi nơi góc bếp cùng mạ chờ những mẻ gừng vừa tới. Trên bếp lửa, chảo mứt sôi lăn tăn. Mùi đường ngọt lịm. Hương gừng thơm lừng...

Hết tết, thịt cá vơi đi, nhưng trên bàn mứt gừng vẫn còn đầy. Trước tết mạ nói: “Tết nhất ăn lung tung, chỉ cần có lát mứt gừng là ấm bụng liền”. Cho nên, khi mấy nhà trong xóm lạo xạo nhổ gừng, mạ cũng nhóm lửa, làm mẻ gừng đầu tiên chống cái lạnh cuối mùa.

Những ngày này, trong buổi trà sớm của ba, bao giờ cũng có thêm dĩa mứt gừng đi kèm. Ba hay xuýt xoa: “Trời lạnh ri, uống tách trà nóng, nhai thêm lát mứt gừng thì nhứt hạng”.

Chảo mứt gừng đầu tiên, mạ làm từ đầu tháng Chạp. Đến những ngày cuối cùng của năm cũ, nếu thấy hũ mứt đã vơi, mạ lại làm thêm một chảo nữa để dọn tết. Lúc này, mấy nhà trong xóm mới chộn rộn ngào mứt. Mùi mứt gừng theo gió từ những căn bếp cũ tỏa đi khắp xóm thơm lừng. 

Ngày xưa nhà mình cũng trồng gừng. Mùa thu hoạch, trong bội gừng mạ gánh về từ rẫy luôn có một bó nhỏ thân gừng làm quà cho mấy đứa con đang ngồi nơi bậu cửa ngóng trông. Đó là những cây gừng mập mạp, non mơn mởn. Mạ đã bỏ hết lá, bỏ luôn phần thân già, phần gộc mập ú khi lột hết vỏ sẽ lộ ra phần lõi phía trong, ăn vừa giòn vừa ngọt lại thơm vô cùng. Món quà quê một thời xưa cũ ấy, giờ chỉ còn trong ký ức. Trẻ con bây giờ quà bánh nhiều lắm, nên chẳng cần mong đợi bó gừng mạ mang về từ rẫy trong những buổi chiều chập choạng cuối ngày. 

Cây gừng quê mình nổi tiếng lắm nghe. Người ta hay gọi bằng cái tên chung chung là gừng Tuần, để phân biệt với gừng vùng khác. Gừng Tuần trồng ở vùng đất thuộc khu vực ngã ba Tuần ở phía thượng nguồn sông Hương, nơi có hai nhánh tả hữu của con sông hợp làm một trước khi chảy vào lòng thành phố.

Mạ mình nói, đất ở đây là đất đồi pha sỏi, đặc biệt thích hợp với cây gừng, nên khắp tỉnh, chỉ có gừng trồng ở đây là ngon nhất. Gừng có mùi thơm mạnh mẽ, vị cay nồng nàn, không gắt không nhạt như các vùng khác. 

Mỗi lần mạ làm mứt, gừng sau khi cạo sạch vỏ sẽ được bào thành lát thật mỏng, sau đó mạ phải luộc thật kỹ, rồi xả mấy lần với nước lạnh. Mạ nói luộc kỹ cho gừng bớt cay. Xả kỹ thì giúp miếng gừng trắng hơn khi thành phẩm. Làm mứt gừng không khó. Mạ chỉ cần đong một chén gừng, một chén đường cho vào chiếc chảo gang, xóc xóc cho đường thấm vào gừng, nấu trên lửa liu riu cho đường tan hết.

Sau đó mạ sẽ cho lửa to hơn một chút. Lâu lâu lại dùng đũa tre đảo nhẹ mấy lát gừng sang trái, rồi đẩy về lại sang phải. Mạ nói đảo cho gừng khỏi dính chảo, không thôi sẽ bị khét. Khi nước đường cạn dần, mạ sẽ bớt lửa. Lúc này phải đảo đều tay, đảo liên tục, đến khi đường gần chuyển sang màu trắng là mứt tới, mạ sẽ đổ mứt ra chiếc mâm thiếc đã chuẩn bị sẵn để trăn gừng. 

Mình thích cái cảm giác ngồi nơi góc bếp cùng mạ chờ những mẻ gừng vừa tới. Trên bếp lửa, chảo mứt sôi lăn tăn. Mùi đường ngọt lịm. Hương gừng thơm lừng. Trong tiếng lửa nổ tí tách, mình còn nghe được cả tiếng mưa rớt lộp độp trên mấy ngọn lá ngoài vườn. Mùi đất đai ngai ngái nồng nồng theo con gió nhẹ hắt vào chái bếp, hòa lẫn trong mùi mứt nồng nàn đang trăn dở trên mâm.

Để miếng mứt gừng thẳng tinh tươm, bên ngoài phủ lớp đường trắng mỏng óng ánh, phải nói là nhờ hết vào công đoạn trăn gừng. Mình ngồi bên mâm, cùng mạ cắm cúi gỡ từng lát mứt vẫn còn ướt dính xoắn vào nhau, rồi chặm vào bột đường thừa sao cho đường bám hết lên hai mặt lát gừng, sau đó cứ xếp chồng lên nhau. Tỉ mẩn như thế, nên mứt gừng mạ làm, bao giờ cũng thẳng thớm, trắng bóc. Mạ nói ăn nhiều đường không tốt, nên mứt gừng mạ làm, cũng chỉ phủ một lớp đường mỏng lấy lệ. 

Mứt gừng của mạ có vị cay nhẹ, vị ngọt thanh, còn mùi thơm thì nồng nàn khỏi nói. Trời lành lạnh, buổi sáng pha ấm trà, rồi ngồi nhâm nhi cùng mấy lát mứt gừng ngọt ngọt cay cay của mạ, đợi mặt trời bên kia sông nhô lên báo ngày mới. Nói thiệt, chẳng có chi bằng! 

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI