Mùi nhớ: Bánh canh bột gạo nước dừa

26/05/2019 - 07:32

PNO - Trong bữa cơm tối cậu bé hớn hở: “Hè mình về ngoại ăn món bánh canh bột gạo nhé mẹ. Hôm nay con mới nói về món đó, khi cô lịch sử cho chơi trò giới thiệu về món ăn đặc sản của quê em”.

Những ngày tháng Năm - tháng cuối cùng của năm học, ở lớp của con tôi, thầy cô tổ chức nhiều trò chơi thật thú vị. Con hay kể về những buổi cô giáo dạy văn cho các con viết thư gửi chính mình; thầy công dân cho các con đóng vai bất cứ ai mà con thích rồi giao lưu, phỏng vấn; cô dạy sinh đem một bịch to tướng hoa phượng hướng dẫn cả lớp làm bướm ép vào trang sách.

Trong bữa cơm tối cậu bé hớn hở: “Hè mình về ngoại ăn món bánh canh bột gạo nhé mẹ. Hôm nay con mới nói về món đó, khi cô lịch sử cho chơi trò giới thiệu về món ăn đặc sản của quê em”.

Tự nhiên con làm tôi nhớ món ăn quen thuộc ngày còn nhỏ và giật mình không biết bao lâu rồi mình chưa được ăn, kể từ ngày chân mẹ đau không còn đi lại được như xưa. Không về quê, không về nhà, rồi nếu một ngày nào đó không còn mẹ thì liệu có còn món ăn nào mang hương vị đúng nghĩa của nó nữa hay không? Tự nhiên nhớ đến xót lòng tô bánh canh những chiều quê lúc mẹ rảnh rỗi.

Mui nho: Banh canh bot gao nuoc dua

Gọi là bánh canh bột gạo vì bánh canh ấy phải làm từ bột gạo tươi, không phải bột gạo khô, hay như Sài Gòn bây giờ người ta xắt sẵn tựa bún, phở. Muốn làm bánh canh này, mẹ phải ngâm gạo từ đêm hôm trước cho mềm. Sáng hôm sau chị em tôi thay phiên nhau xay bột bằng cối đá. Những cái cối đá quen thuộc trong góc bếp mỗi nhà, giờ thi thoảng chỉ để trang trí trong các quán ăn mang phong cách dân dã, hoài cổ.

Nhiều năm đã trôi qua nhưng cảm giác tê rần, nặng trịch ở cánh tay phải khi quay vòng cái cối xay gạo như vẫn còn nguyên vẹn mỗi khi nhớ về. Xay bột phải kiên nhẫn, từng vòng quay thong thả, cho gạo “ăn” nước từ từ thì bột mới mịn. Xay xong bỏ tất cả vào một túi vải, quê tôi gọi là cái “bòng bột”, cột túm hai đầu thật chặt và lấy nửa cối đá đè lên để phần nước từ từ rỉ ra, chỉ còn lại thứ bột hơi khô vừa đủ để nắn thành bánh.

Đến công đoạn cán rồi xắt bánh. Mẹ sẽ nhào bột cho đều và mịn rồi dùng một cái chai tròn cán bột thành một lớp mỏng, sau đó sẽ dùng dao xắt từng con bánh canh thả xuống nồi nước dùng đang sôi. Phải là nước đang sôi, bánh mới không gãy vụn. Tôi còn nhớ mình ngồi cạnh mẹ nhìn khói bốc lên nghi ngút, nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán mẹ, nhìn đôi bàn tay thoăn thoắt nắn cắt bánh, xoay lưng canh lửa của mẹ mà tự nhủ không biết chừng nào mình mới làm được như vậy. Đến giờ tóc trên đầu đã nhen nhóm sợi bạc mà cũng có làm được như mẹ đâu!

Nước dùng thường mẹ nấu bằng thịt vịt hoặc gà chặt nhỏ. Thi thoảng nấu bằng tép hay tôm. Nhưng có lẽ nấu bằng vịt hay gà là ngon nhất. Sau khi xắt hết phần bột thì chỉ để lửa riu riu tầm năm bảy phút là bánh chín. Lửa cao có thể làm khét bánh, vì bột gạo tươi nên nước dùng sánh lại sềnh sệt như ta bỏ bột năng vào vậy.

Cái tạo hương vị đặc biệt cho nồi bánh canh có lẽ chỉ có mỗi quê tôi - xứ dừa -  chính là tô nước cốt dừa tươi vắt sẵn, sẽ được cho vào nồi bánh canh sau khi nêm nếm vừa ăn. Đợi sôi lên là nhấc nồi ra khỏi bếp.

Cái vị ngọt dai dai của thịt gà vườn, cái mềm mềm của bánh canh bột gạo quyện với cái béo ngậy của nước dừa, thêm mùi thơm thơm cay cay của hành lá và chút tiêu có lẽ sẽ là một trong những món ăn còn mãi trong ký ức của những người con xứ dừa Bến Tre quê tôi, cũng như của những ai đã một lần thưởng thức.

Những món ăn từ chái bếp ấm sực của mẹ, đâu cần sơn hào hải vị, cầu kỳ lộng lẫy. Giản dị bình thường thôi, nhưng có lẽ sẽ vĩnh viễn là những món ăn ngon nhất và thiết tha được ăn nhất của bất kỳ ai trên đời này! 

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI