Mùi nhớ - Ai... tàu hũ non hông...

06/10/2019 - 15:12

PNO - Ai đã một lần được thưởng thức tàu hũ non ủ trong nồi trấu, sẽ nghe rõ ràng hương vị khác biệt khó quên...

Chẳng biết chính xác mẹ tôi đã gắn cuộc đời với nồi tàu hũ non bao nhiêu năm. Chỉ biết mười tuổi, tôi đã thấy mẹ gánh tàu hũ đi bán. Công việc của tôi lúc đó là đi tới nhà máy chà lúa hốt vỏ trấu mang về ém vào lò cho mẹ nấu tàu hũ mỗi ngày. 

Bước đầu tiên để có một nồi tàu hũ non là đậu nành mua về phải lựa sạch hạt lép, đá sạn rồi đem phơi nắng cho giòn. Nếu nắng tốt thì hai nắng đã đạt, vào mùa mưa thì phơi đậu cực hơn. Sau đó thì cho vào cối đá, loại cối quay tay, để “kháp vỏ đậu”, tức ép cho hạt đậu nành bể ra làm hai làm ba. Rồi dùng cái nia nhỏ, sảy cho hết vỏ, chỉ còn lại ruột. Mẹ tôi dùng lon sữa bò đong đậu, cứ hai lon đậu tương ứng với năm lít nước. 

Mui nho - Ai... tau hu non hong...
 

Muốn có một nồi tàu hũ non bán giấc hai giờ trưa, thì tám giờ sáng mẹ đã phải ngâm đậu. Ngâm đến mười giờ thì đem vo và lược sạch sạn cát. Sau đó lại cho vào cối đá xay. Cứ múc một vá đậu là quay bốn vòng, chỗ ruột đậu sẽ biến thành dòng sữa trắng chảy từ thành cối đá xuống rãnh cối, rồi đổ ra miệng cối xuống chiếc thau hứng sẵn. Số nước dùng cho hai lon đậu sẽ tính từ lúc xay đậu cho tới khi lược xong. Nếu nhiều hơn số nước ấy thì chén tàu hũ sẽ mềm oặt, nát bể, còn ít hơn thì tàu hũ sẽ khá cứng và bán không có lời.

Đậu nành xay xong thì lược và cho lên bếp nấu, mẹ nói dùng vỏ trấu hoặc nan bổi hay củi cao su mới dễ cháy và đậu nành mới nhanh sôi. Còn nếu nấu bằng củi chắc, lửa chỉ liu riu, thì nồi đậu sẽ cho ra mùi tàu hũ non khen khét. Trong khi nấu nước đậu nành, mẹ tôi dùng hai trăm gam bột gạo với hai trăm năm mươi mi-li-lít nước khuấy cho bột gạo tan đều, bao giờ nồi nước đậu nành sôi lên thì chế nước bột gạo đó vô. 

Trong khi chờ nước sôi, mẹ dùng cái nồi nhỏ hơn cái thúng cho vào bên trong thúng, còn khe hở giữa nồi và thúng mẹ chèn vỏ trấu vào. Mẹ nói chiếc nồi này chỉ dùng để đựng tàu hũ non thôi, không được nấu nướng gì cả, nếu dùng nấu thứ khác rồi đem đựng tàu hũ thì nó sẽ không đông lại đâu. 

Nồi sữa ấy sau khi cho vào nồi trấu thì nhấc vào một góc nào đó cho yên chừng ba mươi phút để nó đặc lại. Trong thời gian chờ tàu hũ non đặc, mẹ tôi sẽ cạo gừng xắt sợi, rồi cho vào lon gô lược nước đường vào. Màu đường thốt nốt chan lên bề mặt trắng mịn của chén tàu hũ sẽ bắt mắt lắm, thêm vài sợi gừng thơm thơm cay cay sẽ giảm cảm giác ngán vị ngọt. Để đậm đà hơn, chén tàu hũ non còn có thêm nước cốt dừa. Hai vị béo ngọt của cốt dừa và nước đường hòa cùng vị thanh đạm của chén tàu hũ, khiến cái nắng ban trưa dường như không còn gay gắt.

Mui nho - Ai... tau hu non hong...
Ảnh: Internet

Bây giờ, hầu như không còn ai đựng tàu hũ non trong nồi ủ trấu nữa rồi, vì vỏ trấu khó tìm, khi vận chuyển vỏ trấu sẽ bay lả tả vào nồi tàu hũ. Người bán tàu hũ non giờ dùng bình đựng nước đá để đựng, vừa giữ ấm vừa tiện lợi. Nhưng ai đã một lần được thưởng thức tàu hũ non ủ trong nồi trấu, sẽ nghe rõ ràng hương vị khác biệt khó quên. 

Mẹ tôi nay đã bảy mươi, tay chân bắt đầu yếu, nhưng lâu lâu nhớ món quà quê một thời nuôi sống gia đình, bà bảo chị em tôi tìm mua cho bà một chén tàu hũ non “ăn đỡ thèm”. Vậy mà múc chừng vài muỗng, bà lại buông xuống và bảo: “Thấy sao sao á”. Chén tàu hũ thì không sao cả, nhưng vì mẹ nhớ mùi bếp ngày đó, âm âm mùi khói tro củi lửa kèm mùi mồ hôi nên vẫn thấy ngon hơn. Tàu hũ non bây giờ nấu bằng bếp ga sạch bóng, sáng choang, nên mùi bếp đã thành xa lạ với mẹ. 

Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI