Hai mẹ con tôi đi trên đường, chợt nghe dậy mùi thơm ngọt của đường thắng chín thơm lừng bay khắp một vùng. Thằng con 9 tuổi giật áo tôi reo lên: “Mẹ ơi…mùi gì thơm quá”. “Mùi đường làm bánh kẹo đó con, sắp tết rồi”. “Ồ dze sắp tết hèn chi mùi mứt thơm”
Ừ nhỉ, hễ sắp tết là có mùi mứt thơm. Trong muôn hồng nghìn tía của thế trận bánh mứt tết, sang trọng từ vỏ hộp đến cách sắp xếp, cả chiếc nơ cột cũng rực rỡ. Nhưng tôi chỉ chìm vào ký ức mùi mứt chuối của mẹ tôi.
|
Trong muôn hồng nghìn tía của mứt tết, tôi chỉ ưng mứt chuối của mẹ. Ảnh minh họa |
Chuối vườn rất nhiều, chuối xiêm mon, chuối xiêm, chuối già…Phần nào bán thì bán, phần còn lại mẹ cứ giú cho chín rồi ép ra phơi khô để làm mứt tết. Có lẽ hồi đó cuộc sống còn nghèo khổ nên ăn cái gì cũng ngon, có thứ gì hay ho tốt đẹp đều “để dành tết ăn” nên mứt chuối thành ký ức ngọt ngào là vậy.
Nắng tháng chạp vàng rộm mái đầu, nên chuối ép ra phơi bốn nắng là đủ độ khô dẻo. Mẹ tôi kỹ lắm, không để mâm chuối nghênh nghênh phơi nắng đâu, vì sẽ bị bụi bám. Mà mẹ sẽ lấy miếng vải mùng đậy lên mâm chuối, tránh được cả ruồi và bụi.
Rồi từng miếng chuối khô sẽ được xắt sợi bằng đầu đũa ăn, chuẩn bị sẵn dậu phộng rang và một ít gừng tươi. Vì chuối ngọt sẵn rồi nên 1kg chuối khô chỉ cần 300gr đường thôi nhé. Số đường đó cho vào chảo cùng nửa chén nước bắt lên bếp thắng cho đường chảy ra, keo lại. Than củi chỉ còn hơi nóng, đừng đốt lửa khi thắng đường nha, đến khi đường tan hết, dùng chiếc đũa ăn cho vào chảo đường, thử xem nó “chín” chưa bằng cách kéo lên xem đường kéo một sợi chỉ dài từ chảo lên đũa chưa.
Rồi thì trút mớ chuối đã xắt sẵn vô, nhanh tay trộn qua trộn lại, chừng nghe mùi đường quyện cùng mùi chuối thơm lừng thì cho gừng tươi xắt sợi và đậu phộng rang vào. Trộn trong ba phút sẽ nghe cả mùi gừng thơm lừng với mùi đường ngọt lịm.
Ôi…cái mùi mứt chuối thần thánh của tuổi thơ tôi đó, nó sẽ khiến cho mấy đứa trẻ thập thò chờ mẹ đổ mứt ra mâm hong gió mà lén lén “bốc lủm” một miệng thật to. Mẹ biết bầy con háu ăn đang lăm le mâm mứt nhưng chỉ quát khẽ ‘để dành tết ăn nè”. Rồi lại cười hiền từ khi thấy con cứ nhom nhem trong khuôn miệng nhỏ.
Sở dĩ mẹ không cho con nít ăn bốc ăn hốt là vì mứt chuối này sẽ được cúng trên ban thờ ngày ba mươi rước ông bà, sau đó thì con cái mới được “hợp thức hóa” chuyện ăn. Năm nào làm nhiều một chút thì số mứt chuối này sẽ được cho vào mấy cái keo chao thủy tinh to đùng để đem biếu bà nội, ông ngoại ăn lấy thảo. Trẻ con háu ăn, cứ thấy keo này, lọ kia biếu người này người nọ, chị em tôi mếu máo “Rồi có cho hết không mẹ? Chừa tụi con ăn với”.
|
Mẹ tôi cả đời tần tảo. Ảnh minh họa |
Chợ tết bây giờ muôn hồng nghìn tía nhưng tôi cam đoan không có ai làm mứt chuối thơm ngon đậm dấu ấn trẻ thơ như mẹ tôi làm. Bởi cả đời tần tảo ấy, vuông bếp nhỏ của mẹ ngày đó ngập tràn bồ hóng, chiếc chảo đen xỉn màu “lọ nghẹ” nhưng tiếng reo cười háo hức của con trẻ đã làm cho mùi mứt chuối thơm lừng ngày giáp tết.
Thùy Trang