Mùi cuối năm

08/02/2015 - 07:10

PNO - PNCN - Tôi gọi mùi khói ấy là mùi cuối năm. Cái mùi quen thuộc đã theo tôi suốt những năm tháng tha hương. Mùi đốt rơm rạ - thứ mùi đặc trưng thường gặp sau vụ mùa

edf40wrjww2tblPage:Content

 1.

Chiều cuối năm tê lạnh. Tôi co người trong áo khoác, hối hả chạy xe máy qua cầu. Gió ù ù ào ào, gió như nhấc mình lên cao rồi ném vào dòng xoáy những đám mây màu xám đang di chuyển chậm chạp ở góc trời.

Người và xe qua lại chóng mặt. Ai cũng muốn nhanh chóng vượt qua quãng đường rét buốt để được về nơi trú chân, được hơ tay bên bếp lửa rực than hồng hay ủ người trong chăn ấm; hoặc tao nhã sang trọng hơn, được nhấm nháp từng giọt cà phê trong căn phòng thơm mùi nến.

Dưới chân cầu là sông Hồng mùa cạn nước. Tưởng như sau bao ngày dâng tặng phù sa ngọt mát, sông Hồng khô lại như một người già đã qua thời tuổi trẻ. Cả một vùng đất bãi trải rộng, mênh mang. Đất được nghỉ ngơi, nằm thảnh thơi trong chiều đông vắng mà sao trông buồn đến lạ. Có phải đất đang đợi mùa xuân đến để sinh sôi? Một mùi gì khen khét, thơm thơm từ đâu len nhẹ về theo gió, lúc đầu còn dè dặt, sau đậm dần, đậm dần, tỏa khắp không gian vùng đất bãi. Xa xa, thấp thoáng khói bay lên. Những dải khói màu xám tro, phơ phất.

Tôi thấy lòng dịu lại, từ tốn hít thật sâu mùi thơm nhọc nhằn ấy. Mùi khói đốt đồng.

Mui cuoi nam

Tôi gọi mùi khói ấy là mùi cuối năm. Cái mùi quen thuộc đã theo tôi suốt những năm tháng tha hương. Mùi đốt rơm rạ - thứ mùi đặc trưng thường gặp sau vụ mùa, nơi những cánh đồng quê hoang hoải chỉ còn trơ gốc rạ và đất nâu bạc màu. Không phải ai cũng thích ngửi mùi khói khen khét ấy, nhất là khi nó đậm đặc từ ngoại thành phả vào các con đường thủ đô như những buổi chiều hè năm nào.

Nhưng đây lại sắp cuối năm, trong cái lạnh buốt của chiều đông mờ sương, khi lòng người khắc khoải mong tìm nơi ấm áp, khi nỗi nhớ quê dâng ngập hồn người xa xứ. Đó là mùi của tần tảo, khó nhọc, mùi của đất đai, của nắng gió quê hương. Mùi khói rạ rơm lan tỏa khắp vùng đất bãi như báo hiệu một thời điểm vừa kết thúc, như chuẩn bị đón chờ một điều gì sắp sinh sôi.

Mùi khói đốt đồng đưa tôi trở về những ngày cuối năm sum họp, với không gian đầy ắp sắc hương. Mùi thơm tỏa ra từ chậu quất, từ những nụ bích đào còn ngập ngừng e ấp. Mùi thơm của rất nhiều loài hoa đang xôn xao trời đất. Mùi lá dong tươi quyện với gạo nếp cái hoa vàng và nhân đỗ xanh béo ngậy. Mùi nước lá mẹ đun cho cả nhà tắm gội. Mùi giò lụa, bánh chưng trong nồng nàn bếp lửa. Mùi thơm từ mâm ngũ quả được bày trang trọng trên bàn thờ…

Trong những thứ cần chuẩn bị cho lễ cúng giao thừa, cha chưa bao giờ quên bát nước thơm (gồm nước nóng ngâm với quế, hồi, cam thảo và một vài vị khác). Bát nước thơm được đặt cùng đồ lễ cúng ngoài trời. Thắp hương và khấn vái xong, cha cầm một cành lá nhỏ nhúng vào bát nước, rảy nhè nhẹ quanh nhà, ra sân, ra vườn, ra đầu ngõ. Mùi hương ấm, dịu và thanh thoát lan tỏa. Người quê tôi quan niệm rằng, rảy nước thơm vào đêm giao thừa sẽ tẩy sạch bụi bặm, ô uế và những điều xui xẻo để năm mới được an lành, hạnh phúc.

Mui cuoi nam

Năm tháng tha hương, nhớ lại những kỷ niệm, những phút giây sum họp gia đình, những mùi thơm lưu luyến tuổi thơ vẫn là tài sản quý giá của cuộc đời. Cha mẹ già như chuối chín cây, tôi thì cứ mãi chông chênh nơi đất lạ. Mỗi năm đi rồi đến, mái đầu cha không còn chỗ nào để bạc thêm vẫn cúi xuống nhẫn nại và tỉ mỉ chăm chút từng chi tiết nhỏ cho lễ cúng giao thừa.

Thắp hương xong, cha lại đi quanh nhà, ra ngoài sân, ngoài ngõ, cẩn trọng, lặng lẽ rảy từng chút nước thơm, để không gian sực lên mùi năm mới. Bàn tay cha sẽ run hơn một chút. Ánh mắt cha sẽ dừng lâu hơn ở cửa, nhìn sâu vào bóng đêm thinh lặng để tìm kiếm dáng hình quen thuộc của những đứa con chưa kịp trở về nhà. 

 ANH THƯ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI