Người sáng lập trung tâm là ông Francis Văn Hội, một đầu bếp từng làm việc ở nhiều nhà hàng lớn tại Đức. Bốn năm trước, ở tuổi thất thập cổ lai hy, ông trở về Việt Nam mở trường dạy nghề với hy vọng tạo ra cơ hội nghề nghiệp mới cho sinh viên nghèo.
|
Ông Francis Văn Hội (giữa) đang truyền nghề nhà hàng chuyên nghiệp cho các học trò nghèo |
Mở con đường mới cho những sinh viên “nghèo đỡ”
Sáu giờ tối, Mai Sen Bistro phía trước Trung tâm Anrê Mai Sen đã rất đông khách. Từ phía cổng xa, chúng tôi đã “nghe” mùi bánh mì thơm phức. Vài vị khách nước ngoài có vẻ là “khách ruột” của quán, gọi món không cần xem thực đơn. Những nhân viên mặc đồng phục với tác phong nhanh nhẹn, chuyên nghiệp phục vụ thực khách với nụ cười thường trực trên môi.
Chị Thanh Nhàn, một khách hàng thường xuyên tại đây, cho biết: “Tôi và bạn bè rất thích không gian ở đây, các món Âu lạ miệng nhưng rất phù hợp với khẩu vị người Việt. Phần trình bày nhẹ nhàng, tinh tế, đẹp mắt mà giá cả lại rất phải chăng”. Còn anh Herbert, người Đức, vui vẻ nói: “Món ăn Đức ở đây rất ngon. Đến đây, tôi có cảm giác như đang sống ở quê nhà”.
Quán nhỏ Mai Sen Bistro này là nơi học viên được thực hành, cũng là một nguồn thu nhập khá ổn định của trung tâm. Phía sau là khu nhà tập thể để học viên nội trú, chi phí mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng/học viên. “Tôi cũng phải nhờ sự hỗ trợ từ các nơi, đặc biệt là các tổ chức ở Đức và các nước. Năm rồi, Anrê Mai Sen đã có 30 học viên ra trường và các em đã được nhiều nơi tuyển dụng trước khi tốt nghiệp” - ông Francis Văn Hội chia sẻ.
Từ những ngày sống và làm việc ở Đức, ông đã mơ ước một ngày được trở về Việt Nam giúp đỡ người trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại quê hương. Đến năm 1990, trong một dịp về nước, thấy Việt Nam còn nghèo khó và chất lượng dịch vụ nhà hàng còn quá thấp, ông đã quyết tâm sẽ trở về để đào tạo, huấn luyện ngành này cho lớp trẻ tại Việt Nam.
Vậy là, sau 30 năm ấp ủ, nay ông đã thực hiện được mong ước khi xây dựng hoàn chỉnh Trung tâm Đào tạo nghề nhà hàng - khách sạn Anrê Mai Sen, đào tạo miễn phí nghề đầu bếp và quản lý nhà hàng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Tên ngôi trường này gắn với Linh mục Anrê Mai Sen, một người thầy mà ông Francis Văn Hội vô cùng kính phục, chuyên quyên góp tiền của người no ấm chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Linh mục Anrê Mai Sen đến Việt Nam từ những ngày đất nước còn nhiều khó khăn, luôn yêu thương và đồng hành cùng những người nghèo khó, trong đó có ông Francis Văn Hội.
Tại Anrê Mai Sen, học viên được học và thực hành theo hệ thống Dual của Đức. Mỗi tuần, học viên có hai ngày học lý thuyết - thực hành, bốn ngày thực tập trong các nhà hàng khách sạn có hưởng lương. Hai năm đầu, học viên được học về 500 món Âu và tất cả kỹ thuật nấu nướng; năm thứ ba mới chuyển sang món Á.
Ngoài học về ẩm thực, dịch vụ, học viên còn được học về quản lý chi tiêu, cách điều hành hệ thống để khi ra trường, có thể mở nhà hàng hay tiệm ăn nhỏ. Hầu hết sinh viên khi mới được nhận vào học cũng phải trải qua hai tuần thử việc, từ rửa chén, quét nhà đến dọn nhà vệ sinh…
Hiện nay, các giáo viên của trung tâm là người nước ngoài. Theo ông Francis Văn Hội, đây không phải là điều đáng tự hào. Ông nói: “Khi nào còn người nước ngoài dạy thì chúng ta vẫn phải cảm thấy xấu hổ vì chưa giỏi. Phải làm sao để người Việt đủ giỏi để dạy người Việt. Nếu cứ mãi phụ thuộc vào người nước ngoài thì đất nước chúng ta sẽ đi về đâu?”. Câu hỏi của ông thật sự là điều đáng suy ngẫm cho những người làm giáo dục, đào tạo nói chung.
Ông chia sẻ thêm: “Dạy nghề không quá khó vì các em có trí thông minh, nhưng dạy để các em có tương lai thì không dễ. Khó khăn lớn nhất của các em là mặc cảm xuất thân nghèo nàn và không có chí tiến thủ. Tôi nói với các em là trời sinh ra mọi người công bằng, các con chỉ “nghèo đỡ”, mai mốt các con sẽ thay đổi; thầy cho con con đường vượt lên số phận bằng cách nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn”.
Nói rồi, ông chỉ cho tôi một cô nhân viên khá xinh đẹp đang niềm nở đón khách ở khu vực bên ngoài Mai Sen Bistro: “Cách đây ba năm, cô sinh viên nhỏ kia từ quê lên với mái tóc khô cháy và đôi chân dính phèn. Em từng có suy nghĩ là đến tuổi sẽ lấy một người nào đó ở quê nghèo. Nhưng nay, em đã trở thành một cô gái xinh đẹp, có nghề nghiệp ổn định và một tương lai tươi sáng. Em cũng nhận thức được giá trị của mình và em đã có đủ tự tin để chủ động lựa chọn một người chồng xứng đáng”.
Là một người thầy khó tính và nghiêm khắc, từng khiến cho các học trò sợ đến rơi nước mắt, nhưng ông Francis Văn Hội được học trò rất thương. Trong số 30 sinh viên mới tốt nghiệp khóa đầu tiên, 10 em đã quyết định chọn ở lại với thầy Hội để cùng phát triển Trung tâm Anrê Mai Sen và hỗ trợ đào tạo học viên mới.
Ngô Thảo Ngân, một học viên vừa tốt nghiệp, chia sẻ: “Em có cảm giác đây như một gia đình và thầy thương học trò như con của mình. Chính vì vậy, dù có điều kiện để đi nhưng em cùng chín bạn khác vẫn muốn ở lại để viết tiếp ước mơ của thầy”.
Cần sự chung tay của doanh nghiệp
Phan Công Vinh, một sinh viên nghèo đến từ Khánh Hòa, chia sẻ: “Nếu không có trường Anrê Mai Sen, em đã theo quyết định của ba mẹ, học ngành cơ khí. Trước đây, ba mẹ em thường nghĩ học về nhà hàng - khách sạn chỉ đơn giản là học nghề bưng bê, phục vụ. Nay được học để trở thành một nhân viên chuyên nghiệp qua những lớp đào tạo chuẩn mực, những kỳ thực tập và thi cử bài bản, em mới tìm thấy nghề thật sự hợp với năng lực và sở thích của mình”.
Thảo Ngân, Công Vinh và các sinh viên của trường đều được thực tập ở các khách sạn 5 sao ở TP.HCM như Park Hyatt, Caravelle, Le Méridien Saigon.... Mặt khác, học viên luôn được trả lương trong quá trình thực tập. Đây là một sự đấu tranh rất lớn của ông Francis Văn Hội. Ông kể: “Tôi phải đến các buổi hội thảo trong ngành, tìm cách tiếp cận với các chủ doanh nghiệp, tìm cách kết nối doanh nghiệp với nhà trường để không chỉ có những nơi thực tập chất lượng cho sinh viên mà còn đảm bảo cho các em được trả lương”.
Theo ông Francis Văn Hội, tiềm năng của ngành du lịch - nhà hàng - khách sạn tại Việt Nam là vô cùng lớn, vì các tập đoàn quốc tế bắt đầu chuyển hướng đầu tư từ Thái Lan qua Việt Nam. Tuy nhiên, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành này rất cần sự chung tay của doanh nghiệp.
“Nhà trường chỉ là nơi cung cấp lý thuyết cơ bản, còn trách nhiệm đào tạo chính thuộc về doanh nghiệp và Nhà nước phải tạo hành lang pháp lý một cách cụ thể. Rõ ràng, chúng tôi đang đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường, và người sử dụng nguồn nhân lực ấy không ai khác chính là doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp nhà hàng - khách sạn không thể không chung tay với chúng tôi trong việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cho ngành này.
Doanh nghiệp cần mở cửa đón sinh viên đến thực tập, trả lương cho sinh viên, đồng thời phải đóng góp ý kiến một cách tích cực vào các chương trình, giáo trình đào tạo của nhà trường. Cũng như tại nước Đức, doanh nghiệp phải đón nhận học viên hoặc đóng góp chi phí cho việc đào tạo nhân lực mà doanh nghiệp đang cần” - ông Francis Văn Hội trăn trở.
Nói đến đây, tôi thấy ông không cầm được nước mắt. Dường như ông vẫn còn ấp ủ rất nhiều niềm mong mỏi cho cả trăm “đứa con” của mình. Qua cơn xúc động, ông chia sẻ thêm rằng mình vẫn còn một ước mơ lớn, đó là xây dựng một ngôi trường lớn hơn ở Việt Nam, nuôi dưỡng và đào tạo nghề cho hàng trăm em nhỏ thiệt thòi ở các vùng quê nghèo.
Theo ông, chỉ có giáo dục mới có thể thay đổi cuộc đời của những người kém may mắn trong xã hội, giúp họ có một tương lai tươi sáng hơn. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt là ông phải tìm một ngôi nhà mới cho Anrê Mai Sen, vì không bao lâu nữa, ngôi trường này sẽ phải nhường chỗ cho một chiếc cầu vượt của thành phố và thầy trò vẫn chưa biết sẽ đi về đâu…
Xuân Lộc