Mức trần nào cho học phí đại học?

09/04/2025 - 06:20

PNO - Hơn 150 trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025 với mức học phí tăng so với năm ngoái. Mức học phí được “phân loại” theo chương trình đào tạo, từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm, khiến áp lực vào đại học đối với các thí sinh không chỉ ở điểm đầu vào mà còn ở hóa đơn học phí.

Nhiều trường đại học tăng học phí

Theo thông tin học phí khóa tuyển sinh 2025 của Đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM, học phí tăng hơn 200.000 đồng/tín chỉ. Cụ thể, học phí chương trình tiên tiến quốc tế và chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế học bằng tiếng Việt là 1,3 triệu đồng/tín chỉ, tăng 235.000 đồng/tín chỉ so với năm trước.

Chương trình tích hợp chứng chỉ nghề nghiệp quốc tế học bằng tiếng Anh là 1,9 triệu đồng/tín chỉ, tăng 215.000 đồng/tín chỉ. Chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng, Asean Coop… tăng 125.000-225.000 đồng.

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh vào đại học tại Trường đại học Bách khoa  (Đại học Quốc gia TPHCM) tháng 3/2025 - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh vào đại học tại Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) tháng 3/2025 - Ảnh: Nguyễn Loan

Mức học phí của Trường ĐH Luật TPHCM cũng tăng mạnh. Theo đề án học phí của trường, năm nay, học phí chương trình đại trà dao động từ 39,75-47,17 triệu đồng/năm, tăng 4,5-5,34 triệu đồng so với năm trước. Chương trình chất lượng cao, học phí dao động từ 79,5-199,7 triệu đồng/năm, tăng từ 9-18,2 triệu đồng. Đến năm học 2026-2027, học phí của trường ở các hệ đào tạo sẽ tiếp tục tăng lên và dao động từ 44,75-219,7 triệu đồng/năm.

Trường ĐH Sài Gòn cũng có mức tăng học phí mạnh do trường đã xây dựng đề án tự chủ và trình UBND TPHCM. Nếu được duyệt, từ khóa tuyển sinh năm 2025, học phí nhiều ngành tăng 1,5 lần so với khóa tuyển sinh năm 2024. Các ngành đào tạo 4 năm của khóa tuyển sinh 2024 là 65,8-70,1 triệu đồng/khóa học, chất lượng cao từ 109-114 triệu đồng/khóa 4 năm sẽ tăng lên 92-129 triệu đồng/khóa năm 2025. Các ngành đào tạo 4,5 năm có học phí 87-147 triệu đồng/khóa dự kiến tăng lên 150-167 triệu đồng/khóa.

Trường ĐH Mở TPHCM dự kiến thu học phí chương trình chuẩn từ 24-28,5 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao là 46,5 triệu đồng/năm. Riêng các ngành khoa học máy tính, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, hệ thống thông tin quản lý, công nghệ thông tin, học phí là 49,5 triệu đồng. Mức thu này tăng 1,5-2 triệu đồng (tùy ngành) so với năm ngoái.

Ở phía Bắc, học phí dự kiến của Học viện Ngân hàng là 26,5-28 triệu đồng/năm đối với chương trình đại trà (năm học 2024-2025 là 25-26,5 triệu đồng/năm) và 40-50 triệu đồng/năm đối với chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế.

Học phí chương trình chuẩn của Trường ĐH Thương mại dự kiến 24-27,9 triệu đồng/năm (tăng 1,9 triệu đồng/năm) và 38,5-65 triệu đồng/năm đối với chương trình tiên tiến, song bằng quốc tế. Học phí năm học 2025-2026 của hệ chính quy tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội là 46 triệu đồng/năm (tăng 2 triệu đồng/năm).

Học phí cần nằm trong ngưỡng hợp lý

Học phí hiện nay của ĐH công lập dao động từ 10,6-250 triệu đồng/năm, phổ biến ở mức 20-40 triệu đồng. Học phí tăng mạnh trong những năm gần đây nằm trong lộ trình được quy định từ các Nghị định 49/2010/NĐ-CP, 86/2015/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm (2013-2023) thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về giáo dục ĐH, đầu tư cho giáo dục ĐH từ ngân sách nhà nước còn rất thấp và có xu hướng tiếp tục bị cắt giảm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, đổi mới hoạt động đào tạo. Nhiều cơ sở giáo dục ĐH công lập không có đủ nguồn tài chính cần thiết để bù đắp chi phí đào tạo và tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo; chưa thu hút được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho phát triển giáo dục, xã hội hóa chưa thực sự gắn với công bằng xã hội trong giáo dục. Cần thiết phải tăng cường ngân sách đầu tư cho giáo dục ĐH và đổi mới mạnh mẽ các cơ chế và chính sách tài chính đối với giáo dục ĐH.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - nguồn cơn sâu xa hơn đến từ Nghị định 60/2021/NĐ-CP, khi lần đầu tiên giáo dục ĐH được phân loại rõ ràng giữa dịch vụ công sử dụng và không sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, phần lớn cơ sở giáo dục ĐH sẽ không còn được nhà nước cấp ngân sách thường xuyên mà phải vận hành theo hướng xã hội hóa - tức học phí được định giá theo cơ chế thị trường, nhà trường có quyền tự quyết thu chi. Dẫu vậy, nhiều trường đang lâm vào tình trạng không còn nhận ngân sách, nhưng cũng chưa đủ nguồn lực và cơ chế minh bạch để tự vận hành hiệu quả.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh: “Không thể để tình trạng cùng là trường công nhưng có sinh viên học chương trình như ở trường tư thục, trong khi sinh viên khác lại bị thiệt thòi. Người dân đóng thuế, con em họ phải được thụ hưởng một nền giáo dục công lập công bằng - chứ không thể chịu gánh nặng học phí ngày càng lớn”.

Ông cho rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, trường công đều phải giữ nguyên tắc: học phí phải nằm trong ngưỡng hợp lý, được tính toán dựa trên mức sống thực tế. Trong đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT đặt vấn đề tính học phí ĐH công lập dựa trên tỉ lệ phần trăm thu nhập bình quân đầu người. Đây là hướng đi đúng, nếu được áp dụng đồng bộ và có cơ chế giám sát minh bạch. Tuy nhiên, trước khi chốt “ngưỡng trần”, cần đánh giá kỹ: liệu mức thu nhập bình quân hiện nay đã đủ sống hay chưa?

Theo giáo sư Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội - nếu dồn chi phí lên vai người học thì rất khó khăn. Ông mong muốn Chính phủ có nhiều đầu tư cho các trường công, đặc biệt là xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành; chứ đừng để người học phải gánh tất cả.

Trong bối cảnh thu nhập của người dân chưa theo kịp đà tăng học phí như hiện nay, rất cần một cơ chế kiểm soát minh bạch và công bằng - để mỗi giấc mơ đến giảng đường không bị chững lại bởi hóa đơn học phí.

Đề xuất luật hóa chính sách học bổng, tín dụng sinh viên
Bộ GD-ĐT đang đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, trong đó tính học phí các trường ĐH công lập dựa trên tỉ lệ phần trăm thu nhập bình quân đầu người. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 là khoảng 120 triệu đồng/năm. Nếu áp dụng đề xuất mới, mức học phí của trường công lập sẽ không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người.

Theo bộ, học phí là một phần trong cơ chế tự chủ ĐH - nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có giới hạn phù hợp để tránh tạo gánh nặng tài chính lên người học. Đề xuất mới nhằm xây dựng cơ chế học phí thống nhất giữa trường công và tư, bảo đảm công bằng và khả năng chi trả.

Bộ GD-ĐT cũng đề xuất thiết lập chính sách học bổng, tín dụng học sinh - sinh viên; ưu tiên cho ngành nghề mũi nhọn, vùng khó khăn; bảo đảm công bằng và mở rộng tiếp cận cơ hội học ĐH cho mọi đối tượng. Theo bộ, cần luật hóa chính sách học bổng, tín dụng sinh viên nhằm bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục ĐH cho mọi đối tượng…

Cách xác định học phí để sinh viên “dễ thở”

Khi xây dựng khung học phí, cần tính toán đến tình hình kinh tế của đất nước và đối tượng người học của từng trường. Tại trường tôi, học phí được tính toán kỹ càng từ định mức kinh tế kỹ thuật của từng ngành, luôn cố gắng thu ở mức dưới chuẩn quy định để sinh viên có điều kiện theo học. Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định rõ mức trần học phí với từng khối ngành. Chúng tôi sẽ lấy khối có định mức kinh tế kỹ thuật thấp nhất để xây dựng mức học phí và áp dụng cho tất cả khối ngành, kể cả công nghệ kỹ thuật.

Để thu được mức này, chúng tôi phải tính toán rất kỹ, vừa có kinh phí chi trả lương cho giảng viên, chi phí vận hành, vừa có đầu tư để sinh viên được thí nghiệm, thực hành… Năm học 2024-2025, theo nghị định thì khối ngành công nghệ kỹ thuật được thu khoảng 35 triệu đồng/năm, nhưng trường chỉ thu 25-26 triệu đồng/năm.

Trường không chỉ áp dụng mức học phí chung giữa các ngành để sinh viên “dễ thở” mà còn tập trung vào đào tạo theo chương trình chuẩn chứ không phân biệt giữa chương trình đại trà và chất lượng cao. Chúng tôi mong muốn bất kỳ chương trình nào sinh viên cũng được học với chất lượng tốt nhất. Ngược lại, chúng tôi có chương trình chuẩn quốc tế được xem như là “lớp chọn” của từng ngành. Với chương trình này, trường cũng giữ mức học phí chung, nhưng sinh viên được học lớp 30 em. Đầu vào là sinh viên có điểm tuyển sinh cao, trình độ tiếng Anh tốt để đào tạo ra những sinh viên ưu tú.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường đại học Công Thương TPHCM

Uông Ngọc - Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI