Mục tiêu trong năm mới của bé

13/01/2016 - 07:49

PNO - Những mục tiêu nào phù hợp với các thành viên “nhí ” của gia đình và yêu cầu các bé phải quyết tâm thực hiện?

Năm mới mở ra với sự hào hứng mong đợi những gì sắp tới. Dịp này, nhiều người thường đặt ra các mục tiêu phấn đấu trong năm mới, với người lớn đó là làm thế nào để tăng thu nhập, hoặc đơn giản là phải ăn uống điều độ hơn, tập thể dục nhiều hơn hay giảm cân…

Còn con cái của bạn, những mục tiêu nào phù hợp với các thành viên “nhí ” của gia đình và yêu cầu các bé phải quyết tâm thực hiện? Chia sẻ dưới đây của nhiều bậc cha mẹ là những gợi ý.

Muc tieu trong nam moi cua be
Ảnh minh họa: Internet

Kỷ luật

Có lẽ mong con cái học được các thói quen kỷ luật và cách sống tốt là ước muốn phổ biến nhất của các bậc cha mẹ.

Chị Bích Tâm, một bà mẹ nội trợ chăm con chia sẻ: “Tôi muốn hai đứa con 9 và 10 tuổi của mình thực hiện các thói quen vệ sinh thường xuyên hơn trong năm mới, trong đó bao gồm việc giữ móng tay, móng chân sạch sẽ, đánh răng rửa mặt hàng ngày, tự giác tắm rửa ít nhất một lần một ngày. Cuối cùng, các con phải biết tự để đồ dơ của mình vào chậu để giúp mẹ giặt giũ dễ dàng hơn”.

Trong khi đó, vợ chồng anh Nhã và chị Ngân - đều là nhân viên văn phòng, lại có yêu cầu riêng: “Tôi chỉ muốn con mình đi ngủ đúng giờ. Sẽ thật tốt nếu chúng đi ngủ ngay, không quấy phá giấc ngủ của bố mẹ. Con tôi thường xuyên không chịu ngủ đúng giờ, bé nói chuyện huyên thuyên rồi chọc phá, đùa nghịch làm vợ chồng tôi mất ngủ, hôm sau không thể tỉnh táo làm việc được”.

“Mẹ mong con tự đi vệ sinh khi cảm thấy cần, chứ không cứ ham chơi rồi lại tè dầm” - là một đề nghị có vẻ buồn cười nhưng rất phổ biến của những bà mẹ có con ở tuổi nhi đồng.

Cô Ly, giáo viên tiểu học ở quận 9 lại có một ý tưởng khác cho con mình: “Mong con gái của mẹ trong năm mới này học được tính tự giác dọn dẹp cặp sách, tự đi tắm rửa, ăn cơm và tự ngồi vào bàn học, đừng để mẹ phải nhắc”.

Thói xấu

Ngược lại, trẻ con thường học được nhiều thói xấu mà bố mẹ mong bé phải bỏ. Đặt ra mục tiêu phấn đấu trong năm mới là một cách rất tốt để khuyến khích trẻ.

Anh Tuấn (Q.Bình Thạnh) muốn đưa ra một mục tiêu cho đứa con trai bảy tuổi của mình: “Con còn nhỏ nên rất thích hỏi bố mẹ về gần như tất cả mọi thứ xung quanh. Nhưng bố không thể nào vừa trả lời con vừa lái xe vì như vậy sẽ mất tập trung, dễ gây tai nạn. Vì thế, bố muốn trong năm mới con học cách đặt câu hỏi sao cho đúng nơi, đúng lúc, chẳng hạn khi bố con mình cùng đi taxi, cùng đi dạo... Con còn nhỏ thì tò mò về thế giới xung quanh là chuyện bình thường, bố và mẹ sẵn sàng trả lời các câu hỏi của con khi bố mẹ có thể ”.

“Thật tình, mua cái máy tính bảng về để cả nhà cùng dùng nhưng thằng bé nhà tôi suốt ngày cắm đầu vào chơi, không thèm ngẩng mặt lên. Năm mới, tôi sẽ cho con chơi với máy tính bảng đó ít hơn”, đây là mong muốn của chị Hạnh Thuần (Q.2) và cũng là của nhiều bậc cha mẹ thời hiện đại.

Trong khi đó, anh Dũng (Q.Tân Bình), bố của cặp sinh đôi 10 tuổi, phản ánh một nỗi niềm khác: “Biết là con trẻ thì hay hiếu động, nhưng nhiều khi tôi không thể nào chịu nổi sự quậy phá của hai đứa con. Chúng cứ như hai cơn lốc, chạy nhảy khắp nơi, táy máy đủ thứ. Chỉ cần mình lơ là không trông chúng một chút, quay qua là lại thấy có đứa nhảy vào chỗ nguy hiểm. Tôi muốn hai đứa nhỏ bớt quậy đi, 10 tuổi đầu rồi phải chín chắn hơn một chút”.

Yêu cầu con trẻ phải thay đổi, còn bạn thì sao? Dù điều đó là để bé học các thói quen tốt hay để bỏ đi tật xấu, nên nhớ rằng mục tiêu năm mới đóng vai trò là một cách thúc đẩy bé chứ không phải mục đích cuối cùng. Sự phấn đấu của trẻ quan trọng hơn là việc liệu bé có đạt được mục tiêu đặt ra hay không. Bố mẹ nhớ hỗ trợ, nhắc nhở và tiếp tục khuyến khích trẻ để bé hào hứng với đích đến của mình.

Hạ Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI