Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% là thách thức

15/02/2025 - 16:23

PNO - Bộ trưởng Bộ KHĐT đồng tình với ý kiến của ĐBQH: thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% năm 2025 không còn dài là thách thức.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 15/2
ĐBQH Nguyễn Anh Trí phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 15/2 - ảnh: Media Quốc hội

Mục tiêu rất khó, phải đồng lòng

Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội chiều 15/2, bàn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá, đây là mục tiêu “đúng, nên và hợp lý”, nhưng rất khó thực hiện và phải đồng lòng.

Ông phân tích, khoảng thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu này còn rất ngắn, chỉ còn 10 tháng, trong khi đất nước còn rất nhiều việc phải làm. Nhiều dự án vẫn đang làm, chưa hoàn thiện. Đất nước cũng còn nhiều công việc quan trọng trong năm 2025, như đại hội Đảng các cấp; chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ XIV... Ngoài ra, trên thế giới, chiến tranh thương mại biến động khó lường, ngày càng khốc liệt.

“Nêu ra như thế để thấy khó khăn còn rất nhiều. Muốn thực hiện được, toàn Đảng, toàn dân phải rất nỗ lực và cố gắng. Nên chăng, Nghị quyết này nêu ra các vấn đề đáng lưu ý đó để biết, thống nhất thực hiện”, ĐBQH đoàn Hà Nội nói.

ĐBQH cho rằng, sau khi Quốc hội thông qua mục tiêu này, phải có truyền thông, các hội nghị triển khai... để toàn dân vào cuộc và thực hiện ngay, không chờ đợi.

Đánh giá cao tinh thần của Chính phủ, ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) chia sẻ: mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên có thể là bài toán, là phép thử, “bài test” để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số. Nếu thành công lần này, Việt Nam sẽ tự tin đạt được mục tiêu tiếp theo.

Để hoàn thiện thêm vào dự thảo Đề án, ĐBQH Trịnh Xuân An nêu, trong dự thảo đã đặt ra nhiều nhiệm vụ tổng thể, nhiệm vụ tức thì. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trong năm 2025 thì phải quan tâm hơn tới nhiệm vụ tức thì; ưu tiên thực hiện ngay.

Đi vào triển khai, ĐBQH lưu ý phải đặt cao vai trò tổ chức thực hiện. Ông cũng quan tâm tới vấn đề nguồn lực.

Theo ĐBQH, muốn phát triển thì cần tiền, đầu tư. Trong đó, ông đồng tình với tăng cường về đầu tư công nhưng đề xuất có thêm chỉ tiêu về đầu tư tư. Thời gian qua, đầu tư tư có xu hướng giảm. Đầu tư tư đang tăng trưởng với mức độ 1 con số. Ông kiến nghị, phải đặt chỉ tiêu này tăng 2 con số trở lên.

“Đầu tư tăng dựa vào đâu?” – theo ĐBQH liên quan tới nguồn lực tín dụng. Nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng “bình bình” ở 15 – 16 % thì khó đạt, phải nâng lên 18%. Không có nguồn tín dụng, doanh nghiệp khó phát triển. Cùng với đó, ĐBQH mong muốn tiếp tục tháo gỡ về thể chế để phát triển doanh nghiệp tư nhân.

Trong kế hoạch Chính phủ đưa ra, có sự thay đổi trong quản trị, đó là giao KPI cho các tỉnh thành. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế giao cho Hà Nội và TPHCM là từ 8 – 8,5%. ĐBQH đề nghị nâng mục tiêu tăng trưởng ở 2 địa phương này lên 2 con số. Đây có thể là sức ép nhưng là động lực cho các địa phương đầu tàu.

ĐBQH cũng đề xuất có các gói hỗ trợ, nếu tăng trưởng mà không có gói hỗ trợ cụ thể thì sẽ khó triển khai.

Sẽ đề xuất ban hành Nghị quyết riêng cho khu vực kinh tế tư nhân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - ảnh: Media Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - ảnh: Media Quốc hội

Tiếp thu, giải trình ý kiến của ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, trong bối cảnh khó khăn, Chính phủ vẫn chủ động điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng và đã nhận được sự đánh giá cao của các ĐBQH.

Chính phủ đã đặt ra nguyên tắc, tăng trưởng phải nhanh nhưng đảm bảo đến bền vững, không ảnh hưởng tới môi trường, không đẩy cao lạm phát...

Bộ trưởng cũng đưa ra nhiều yếu tố thuận lợi để đạt được mục tiêu như có sự đồng thuận cao; có niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; nhiều chính sách mới được ban hành để tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc; nhiều dự án hạ tầng chiến lược được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào sử dụng; thay đổi trật tự đầu tư thương mại, dịch chuyển đầu tư, cung ứng trên toàn cầu...

Dù vậy, Việt Nam cũng đứng trước các thách thức như: tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đặc biệt là các chính sách của Mỹ. Bộ trưởng cho hay, Thủ tướng đang chỉ đạo các đơn vị có các giải pháp chủ động, ứng phó với các chính sách của Mỹ có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Ngoài ra, các vấn đề nội tại của Việt Nam như chất lượng lao động, đổi mới khoa học công nghệ; thiên tai, dịch bệnh... cũng là thách thức.

“Thời gian còn lại không nhiều cũng là thách thức của chúng ta” – Bộ trưởng đồng tình với ý kiến của ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Về các giải pháp ngắn hạn, Bộ trưởng cho hay, Chính phủ sẽ triển khai ngay, tức thời, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, đáp ứng nhu cầu mới; hoàn thành sớm và nhanh việc sắp xếp bộ máy Nhà nước, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, người dân.

Chính phủ tiếp tục theo dõi chặt tình hình của thế giới, nhất là Mỹ; tận dụng sự dịch chuyển trong đầu tư thương mại, chuỗi cung ứng hiện nay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh vào việc tạo thuận lợi phát triển kinh tế tư nhân. Theo ông, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, sau khi Quốc hội thông qua Đề án, sẽ có hội nghị với các địa phương, rà soát các biện pháp để các địa phương đạt được chỉ tiêu. Tổ công tác của Chính phủ cũng sẽ được đẩy mạnh hoạt động, gỡ ngay các vướng mắc.

Chính phủ cũng sẽ tập trung xây dựng và đề xuất Trung ương ban hành Nghị quyết riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó có cả các doanh nghiệp tư nhân lớn - có khả năng dẫn dắt, làm "đầu tàu" trên các lĩnh vực.

Các nhiệm vụ dài hạn tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, phân cấp phân quyền triệt để hơn, phát huy sự chủ động, sáng tạo của địa phương; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI