Mục tiêu phân phối vắc xin năm 2021 của COVAX bị cắt giảm gần 30%

09/09/2021 - 06:48

PNO - Các tổ chức quốc tế điều hành chương trình cung cấp vắc xin COVID-19 cho các nước nghèo COVAX cho biết, mục tiêu 2 tỷ mũi tiêm trong năm nay đang giảm gần 30%.

COVAX cắt giảm 30% mục tiêu phân phối vắc xin năm 2021

Người đứng đầu Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), tổ chức tài trợ cho chương trình COVAX cùng với Tổ chức Y tế Thế giới, UNICEF và Liên minh Đổi mới Sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), đã kêu gọi các nước giàu có chia sẻ vắc xin COVID-19 nhiều hơn.

Trong một tuyên bố chung, các tổ chức đổ lỗi cho quyết định cắt giảm mục tiêu của COVAX xuống còn 1,425 tỷ liều trong năm 2021 do một loạt các yếu tố, bao gồm các hạn chế xuất khẩu đối với Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà cung cấp chính của chương trình.

COVAX cắt giảm 30% mục tiêu phân phối vắc xin COVID-19 năm 2021.
COVAX cắt giảm 30% mục tiêu phân phối vắc xin COVID-19 năm 2021

Các vấn đề sản xuất tại Johnson & Johnson và AstraZeneca cũng như sự chậm trễ trong việc xem xét quy định đối với các mũi tiêm được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Mỹ Novavax và Clover Biopharmaceuticals của Trung Quốc cũng nằm trong số những nguyên do khiến COVAX cắt giảm 30% mục tiêu phân phối vắc xin.

Tiến sĩ Seth Berkley, Giám đốc điều hành của GAVI nói trong cuộc họp báo: cắt giảm mục tiêu phân phối là điều tồi tệ cho toàn thế giới vì chúng ta đã thấy những hậu quả đáng sợ khi SARS-CoV-2 lây lan mất kiểm soát ở nhiều quốc gia. Đồng thời, nhấn mạnh các nhóm đối tượng như nhân viên chăm sóc sức khỏe và người cao tuổi ở các quốc gia có thu nhập thấp cần được bảo vệ hơn nữa.

Tuyên bố chung cho biết cột mốc 2 tỷ liều vắc xin được COVAX phân phối dự kiến sẽ đạt được vào quý đầu tiên của năm 2022.

Theo thống kê của Reuters, tính đến nay toàn cầu đã ghi nhận hơn 221 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2 và 4.76 triệu người đã chết.

WHO kêu gọi các nước ngừng tiêm mũi nhắc lại đến hết năm

Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cho biết các nước thu nhập cao, có nguồn cung vắc xin COVID-19 lớn nên hạn chế cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho đến hết năm 2021, để cung ứng liều lượng mũi tiêm nhiều hơn cho các nước nghèo.

WHO kêu các các nước thu nhập cao trì hoãn tiêm mũi tăng cường đến hết năm 2021.
WHO kêu gọi các nước thu nhập cao trì hoãn tiêm mũi tăng cường đến hết năm 2021

Người đứng đầu WHO nói thêm, ông "kinh hoàng" sau khi nghe bình luận từ một hiệp hội hàng đầu của các nhà sản xuất dược phẩm cho rằng nguồn cung cấp vắc xin đủ lớn để cho phép tiêm cả mũi nhắc lại cho người dân ở các nước giàu có, đồng thời đáp ứng kế hoạch bao phủ mũi tiêm đầu tiên ở các nước nghèo hơn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt.

“Tôi sẽ không im lặng khi các công ty và quốc gia kiểm soát nguồn cung vắc xin toàn cầu cho rằng người nghèo trên thế giới nên hài lòng với thức ăn thừa. Bởi vì các nhà sản xuất đã ưu tiên hoặc có nghĩa vụ pháp lý thực hiện các giao dịch song phương với các nước giàu sẵn sàng trả nhiều đô la, trong khi các nước thu nhập thấp đã bị tước mất các công cụ để bảo vệ người dân của họ".

Trước đó, ông Tedros cũng đã kêu gọi tạm hoãn mũi tiêm tăng cường cho đến cuối tháng 9, nhưng các quốc gia thu nhập cao, bao gồm Mỹ, Anh, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Đức, Tây Ban Nha... đã bắt đầu hoặc đang xem xét kế hoạch cung cấp mũi tiêm thứ ba cho những người dễ bị tổn thương hoặc những người có hệ miễn dịch kém.

Ông Tedros thừa nhận, liều thứ ba có thể cần thiết cho các nhóm đối tượng có nguy cơ, nhưng nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn thấy tình trạng mũi tiêm tăng cường được sử dụng rộng rãi cho những người khỏe mạnh đã được tiêm chủng đầy đủ".

WHO cho biết, đến nay đã có 5,5 tỷ liều vắc xin COVID-19 được sử dụng, nhưng 80% trong số đó là ở các quốc gia có thu nhập trung bình và cao. Các nước giàu cũng đã đề nghị tặng 1 tỷ liều vắc xin cho các nước có thu nhập thấp, nhưng đến nay con số này vẫn chưa đến 15%.

Minh Hương (theo Reuters AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI