Chúng tôi ghé thăm cửa hàng tạp hóa N. trên đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè, TP.HCM vào một buổi chiều cuối ngày. Anh N. T. T., chủ cửa hàng đang luôn tay tính tiền cho khách.
Tuy là cửa hàng tạp hóa truyền thống, nhưng cách bày trí các gian hàng ở đây cũng tương tự như các cửa hàng tiện lợi, hoặc siêu thị mini. Các quầy kệ được sắp xếp khá gọn gàng và thông minh. Điểm khác biệt duy nhất là cửa hàng này không có hệ thống điều hòa.
Khách vào tự lựa chọn mặt hàng mình cần, rồi ghé quầy tính tiền. Việc thanh toán của anh T. cũng rất đơn giản với một cây viết, tờ giấy nhỏ và chiếc máy tính. Nhưng theo chủ cửa hàng, doanh số bán ra bình quân mỗi ngày xấp xỉ 40 triệu đồng, tương đương 14,6 tỷ đồng/năm.
Con số làm khó địa phương
Cũng giống như nhiều cửa hàng khác trên cùng con đường này, cửa hàng tạp hóa N. tồn tại dưới hình thức kinh doanh cá thể, chỉ cần đăng ký với UBND huyện Nhà Bè và đóng thuế khoán hàng tháng. Mức thuế khoán mà cửa hàng này đang đóng là 1,6 triệu đồng/tháng.
Khi được hỏi có muốn chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, để có nhiều cơ hội phát triển hơn không, anh T. trả lời nhanh, là không.
“Nếu đóng theo cái kia (theo doanh nghiệp –PV) thì mình phải có hóa đơn đầu vào, hóa đơn đầu ra và phải thuê người nữa. Thuế khoán thì khỏe hơn, tiện hơn cho mình. Với chuyển qua doanh nghiệp nhiều chi phí lắm, lợi nhuận không bằng bây giờ”, anh N.T.T cho biết.
|
TP.HCM đang có gần 297.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó gần 1.200 hộ đang sử dụng từ 10 lao động trở lên, nhưng mới 7 hồ sơ đăng ký chuyển đổi sang doanh nghiệp. Ảnh minh họa. |
Cuối năm 2016, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầy tham vọng là phát triển một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi so với con số cuối năm 2015.
Theo phân tích, tại các quốc gia phát triển, cứ 15-20 dân là có một doanh nghiệp. Nên với một quốc gia có 90 triệu dân như Việt Nam, con số một triệu doanh nghiệp không phải quá xa vời.
Để hiện thực mục tiêu đó, Hà Nội đã cam kết có 400.000 doanh nghiệp; TP.HCM cam kết có 500.000 doanh nghiệp trong vòng 4 năm tới. Như vậy 61 tỉnh thành còn lại chỉ cần cố gắng phấn đấu đạt con số 100.000 doanh nghiệp nữa là đạt mục tiêu.
Dù ít dù nhiều, những con số này đang tạo nên một áp lực cho cơ quan quản lý các địa phương. Riêng TP.HCM, trong năm nay tự đặt cho mình mục tiêu có thêm 50.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Áp lực dồn lên quận 1
Trong một cuộc họp duyệt kế hoạch năm 2017 của UBND quận 1 mới đây, khi quận này trình bày mục tiêu vận động khoảng 300 hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp, đại diện nhiều sở ngành đã tỏ ra không đồng tình.
Theo ông Võ Văn Hoan, chánh văn phòng UBND TP.HCM, trong năm 2016, thành phố có 36.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Con số này tăng khoảng 15% so với năm ngoái.
Và nếu vẫn giữ tốc độ tăng trưởng này, đến hết 2017 cũng chỉ thêm 40.000 doanh nghiệp; nghĩa là thiếu 10.000 nữa mới đạt được mục tiêu.
“10.000 doanh nghiệp mà quận 1- quận trung tâm, có nhiều doanh nghiệp - đăng ký có 300. Nếu các quận khác đều đăng ký 300 như vậy, thì 24 quận huyện cũng chỉ được hơn 7.000 doanh nghiệp, còn thiếu 3.000 nữa mới đạt chỉ tiêu. Mà mình nói thì nói theo quận 1, chứ nhiều nơi không thể phát triển được doanh nghiệp”, ông Hoan phân tích.
Ông Hoan đề nghị quận 1 phải hướng đến mục tiêu có ít nhất 1.000 doanh nghiệp mới trong năm 2017. Con số này, theo ông có thể tìm ra từ 3 nguồn: khởi nghiệp; chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể và nuôi dưỡng doanh nghiệp hiện hữu.
Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh nhóm đối tượng doanh nghiệp được chuyển đổi từ các hộ kinh doanh cá thể, nhất là các tiểu thương tại hai chợ Bến Thành và Tân Định.
|
Hộ kinh doanh cá thể tại các chợ lớn như Bến Thành và Tân Định (quận 1) là nhóm được lưu ý chuyển đổi mô hình lên doanh nghiệp. |
Theo ông, dù kinh doanh với diện tích nhỏ, nhưng tiểu thương tại hai chợ này đều có quy mô không dưới 1 tỷ đồng. Ông yêu cầu quận 1 cần điều tra, khảo sát và đánh giá lại quy mô của các hộ kinh doanh tại các chợ lớn trên địa bàn. Đồng thời tìm hiểu lý do vì sao các hộ không muốn chuyển thành doanh nghiệp, để đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Còn theo tính toán của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, để đạt con số 50.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2017, thành phố cần tăng trưởng 38% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Trong đó theo ông, quận 1 phải đạt ít nhất là 4.400 doanh nghiệp thành lập mới trong năm nay. Đối tượng ưu tiên hàng đầu và có thể nói là có sẵn, cũng chính là các hộ kinh doanh cá thể.
Các chỉ đạo này đang tạo một áp lực lên chính quyền trong việc đôn đốc- thúc đẩy hộ kinh doanh cá thể "lớn lên" thành doanh nghiệp. Và áp lực ấy, chắc chắn sẽ chuyển đến những hộ kinh doanh có quy mô tương đối như cửa hàng tạp hóa N., mà chúng tôi đã đề cập.
Đừng để lên doanh nghiệp rồi xin giải thể
Theo ông Chu Tiến Dũng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, bên cạnh các vấn đề khó khăn trong thủ tục hành chính, hay mức thuế nộp ngân sách hàng tháng, điểm khác nhau lớn nhất giữa mô hình kinh doanh cá thể và doanh nghiệp là năng lực quản lý.
Nếu như mô hình kinh doanh cá thể chỉ mang hình thức tự quản trong gia đình, thì mô hình doanh nghiệp đòi hỏi nhiều ràng buột về pháp lý trong quản lý.
Thực tế không ít trường hợp hộ kinh doanh đang hoạt động tốt, nhưng khi chuyển đổi thành doanh nghiệp lại gặp vấn đề, và xin giải thể.
“Rõ ràng mô hình quản lý, điều hành của hai loại hình này hoàn toàn khác nhau. Nếu để nguyên hộ kinh doanh cá thể mà chuyển sang làm doanh nghiệp thì chi phí họ sẽ cao hơn, hiệu quả sẽ thấp đi. Thứ ba nữa là họ gặp khó khăn hơn là thuận lợi”, ông Chu Tiến Dũng nói.
Ông còn cho rằng cách phân tích của ông là chưa tính đến chuyện dù khuyến khích, nhưng hệ thống quản lý hiện nay dường như lại đặt ra tầng tầng lớp lớp hàng rào lên hộ kinh doanh muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thay vì được dùng một tờ giấy nhỏ ghi hóa đơn giao hàng cho khách, các cửa hàng kinh doanh sẽ cần phải mua hóa đơn đỏ. Hay trong việc đặt tên cửa hàng, thay vì rà roát trong phạm vi một quận, huyện, tên của doanh nghiệp phải qua rà soát hệ thống doanh nghiệp trên toàn quốc….
Theo đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản – Jetro tại TP.HCM, câu chuyện này là một nghịch lý tại Việt Nam.
Đại diện này cho biết, tại Nhật Bản, để khuyến khích quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh, chính phủ đã ban hành chế độ kê khai – nộp thuế tối giản, tức cắt giảm tối đa các thủ tục cho hộ kinh doanh muốn chuyển đổi.
Ngoài ra còn có nhiều chính sách thuế khác để khuyến khích – hỗ trợ nhóm đối tượng này.
|
Theo phân tích của giới kinh doanh, việc chuyển đổi mô hình từ hộ cá thể lên doanh nghiệp phải xuất phát từ gốc kinh doanh, chỉ hỗ trợ, khuyến khích khi người kinh doanh có nguyện vọng chuyển đổi. |
“Ví dụ, khi các hộ kinh doanh muốn để quyền thừa kế tài sản cho con cái của họ, thì phát sinh thuế thừa kế rất cao. Còn nếu đã chuyển đổi sang doanh nghiệp, thuế thừa kế lại thấp hơn nhiều. Cho nên người ta thấy rằng việc chuyển đổi sang doanh nghiệp sẽ có lợi thế hơn”, ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM nói.
Vận động bằng mệnh lệnh, hộ kinh doanh sẽ đối phó
Trong khi đó, chủ trương vận động các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tại Việt Nam có thể thấy rõ ràng nhất qua hai nội dung.
Thứ nhất là quy định: Các hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Thứ hai là việc không thừa nhận tư cách chủ hộ tại Luật dân sự sửa đổi năm 2015. Theo đó, tất cả các ký kết hợp đồng dân sự chỉ còn tư cách cá nhân và pháp nhân. Điều này mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước thể hiện trong Thông tư 39, và gây ra không ít hoang mang cho giới kinh doanh cá thể.
Giới kinh doanh cho rằng, đến cuối cùng hệ quả của quy định này sẽ là sự đối phó của hộ kinh doanh.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, thành phố đang có gần 297.000 hộ kinh doanh cá thể, trong đó gần 1.200 hộ đang sử dụng 10 lao động trở lên. Đến nay sở mới nhận được 7 hồ sơ đăng ký chuyển đổi mô hình từ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng cho rằng việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp không nên chạy theo số lượng, mà phải quan tâm đến chất lượng thật.
TP.HCM đang có 270.000 doanh nghiệp, thực chất trong số này chỉ 170.000 doanh nghiệp có hoạt động, kê khai và quyết toán thuế. Nếu chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp cho đủ số lượng, mà làm cho các hộ kinh doanh cá thể hiện tại trở nên èo uột, ốm yếu hơn thì lợi bất cập hại.
Hơn nữa, mỗi loại hình doanh nghiệp có sứ mạng và môi trường riêng để phát triển. Mô hình kinh doanh cá thể đặc biệt phù hợp với Việt Nam, do gắn với kinh tế gia đình, giải quyết lao động trong nhóm nhỏ.
Ông Dũng cho rằng chỉ nên khuyến khích, tạo điều kiện cho những hộ kinh doanh cá thể thật sự muốn chuyển đổi.
“Chúng ta phải bắt đầu bằng cái gốc của người kinh doanh, nghĩa là tự họ cảm thấy cần thiết phải chuyển. Nếu áp những biện pháp hành chính như giao chỉ tiêu, thì tôi thấy nó không khả thi.
Còn nếu chỉ vì lo ngại hình thức thuế khoán có thể bị làm dụng, làm thất thu ngân sách, thì cơ quan quản lý nên tăng cường giám sát, hoặc nâng tỷ lệ đóng thuế khoán", ông Dũng phân tích.
Bạch Hồng