Báo chí Mỹ mấy ngày nay nói rằng Tổng thống Trump dường như khoái trá tìm thấy một mục tiêu mới để công kích, đó là ông chủ cũ của Nhà Trắng Barack Obama. Tuy nhiên, ông Obama cho đến nay vẫn giữ im lặng và “bình thản” thực hiện các chương trình cá nhân của mình.
Tổng thống Trump tìm cách chuyển gánh nặng tấn công của báo giới và phe Dân chủ sang phía người tiền nhiệm của mình, khi đặt câu hỏi về động cơ của ông Obama trong vụ can thiệp của người Nga và “tận diệt” các di sản sau khi ông Obama rời Nhà Trắng.
Làm như vậy, ông Trump biết rằng cựu Tổng thống Obama không có nhiều khả năng phản công.
|
Sau khi đổ lỗi cho cựu Tổng thống Obama, ông Trump đòi hỏi chính giới Mỹ một lời xin lỗi và khẳng định “không có thông đồng với Nga” cũng như “cản trở điều tra” - Ảnh: The Hill/Getty Images |
Những di sản một thời được đánh giá là dấu ấn thành công của ông Obama, như sắc lệnh cải cách y tế Obamacare, đấu tranh chống biến đổi khí hậu và cải thiện quan hệ ngoại giao với Cuba và Iran, trở thành những mục tiêu để ông Trump lần lượt “phế bỏ”.
Tuy nhiên, những người thân cận với cựu Tổng thống Obama nói rằng ông không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu trực tiếp với người kế nhiệm, bất chấp sự tấn công mạnh mẽ từ phía ông Trump.
Từ sau khi rời khỏi Nhà Trắng tháng 1/2017, ông Obama đã kiên trì thực hiện kế hoạch “tránh xa chính trường”, cũng như những va chạm với người kế nhiệm của mình.
Mặc dù có một vài sự chỉ trích liên quan đến Obamacare và biến đổi khí hậu, cũng như một số bài diễn văn ngầm phê phán thế giới quan của Tổng thống Trump trên khắp thế giới, nhưng vị cựu Tổng thống đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp.
Về phần mình, ông Trump tất nhiên vui lòng lấp đầy khoảng trống đó và coi người tiền nhiệm là mục tiêu để khẳng định mình và chính quyền của mình.
Vừa qua, Tổng thống Trump cũng không bỏ lỡ cơ hội sau khi phát hiện một bài báo trên tờ Washington Post, trong đó một phụ tá của Obama thừa nhận chính quyền cũ “đã có thể đã làm nhiều hơn” để ngăn chặn sự can thiệp của Nga vào bầu cử tổng thống ở Mỹ.
|
Cựu Tổng thống Obama không muốn bị cuốn vào cuộc đối đầu trực tiếp với người kế nhiệm, bất chấp sự tấn công mạnh mẽ từ phía ông Trump - Ảnh: ABC News |
Trong khi miễn cưỡng thừa nhận rằng Moscow thực sự đóng một vai trò trong cuộc bầu cử giúp cho ông đắc cử Tổng thống, ông Trump dường như rất vui khi nhận thấy đây là cơ hội để trút tội sang người tiền nhiệm của mình.
Sau khi bài báo của Washington Post xuất hiện, Tổng thống Trump hôm 24/6 viết trên trang Twitter của mình: "Chính quyền Obama biết sự can thiệp của Nga trước ngày bầu cử 8/11. Nhưng không làm gì cả, VÌ SAO?”.
Tiếp theo, ông Trump viết trong một Twitter khác rằng “chính quyền Obama ‘mắc nghẹn’ khi biết Nga can thiệp vào bầu cử, phải chăng họ không muốn làm tổn thương Hillary?”.
Tổng thống Trump được đà “bắc cầu” sang cuộc điều tra quan hệ Trump-Moscow của FBI và Ủy ban Tình báo Thượng viện: "Chẳng có thông đồng, cũng không có cản trở công lý, và tôi là người đáng được xin lỗi!”
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer hôm 26/6 đã nêu lên nghi vấn về động cơ của cựu Tổng thống Obama, khi buộc tội chính quyền tiền nhiệm không làm vì để ngăn chặn sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử.
Ông Spicer nói: "Có một câu hỏi là họ có thực hiện hành động nào không, liệu như vậy có phải là đồng lõa hay không? Tôi nghĩ có nhiều câu hỏi cần được giải đáp về việc ai biết, biết cái gì và khi nào”.
Bài báo của Washington Post cho biết ông Obama đã bí mật thảo luận về hàng chục phương án trừng phạt Nga nhưng cuối cùng chỉ áp dụng “các biện pháp tượng trưng” - trục xuất 35 nhà ngoại giao và đóng cửa 2 khu nhà của người Nga ở Mỹ.
Đáng chú ý, việc này xảy ra cuối tháng 12/2016, tức là sau khi cuộc bầu cử đã ngã ngũ.
Theo một cựu quan chức chính quyền Obama, các biện pháp được vị Tổng thống này xem xét bao gồm việc “cấy” vũ khí không gian mạng vào cơ sở hạ tầng của Nga và tiết lộ thông tin cá nhân gây tổn hại cho ông Putin.
|
Một nhà báo Mỹ ví von, chỉ bằng cách làm cho nhiệm kỳ tổng thống của mình thành công vang dội, ông Trump mới có thể làm lu mờ “ngôi sao Obama” - Ảnh: Getty Images |
Ông Obama, hiện đang đi nghỉ mát ở Indonesia, quê hương thời thơ ấu của mình ở Đông Nam Á. Mặc dù theo dõi sát các tin tức và biết những đòn tấn công ông Trump tung về phía mình, ông vẫn quyết định không sa vào tranh cãi với Tổng thống Trump.
Cũng giống như cách ông trả lời trên Facebook khi Obamacare bị thay thế bằng dự luật chăm sóc sức khỏe Trumpcare: "Đơn giản như thế này, dự luật mới sẽ làm hại các bạn trong các trường hợp bạn bị bệnh, bạn già đi hay bắt đầu một gia đình mới”.
Các trợ lý thân cận của ông Obama tỏ thái độ coi thường năng lực của ông Trump trên cương vị tổng thống cũng như những cá tính của ông Trump.
Một số người cho rằng ông Trump tấn công người tiền nhiệm chỉ là một chiêu thức để che giấu những tai ương chính trị của mình, trong khi bản thân ông đang phá hỏng hình ảnh nước Mỹ ở nước ngoài.
Một nhà báo Mỹ ví von, chỉ bằng cách làm cho nhiệm kỳ tổng thống của mình thành công vang dội, ông Trump mới có thể làm lu mờ “ngôi sao Obama”. Nhưng xem ra việc này là “nhiệm vụ bất khả thi”, vì hiện tại tỷ lệ ủng hộ ông đang ở mức thấp thê thảm, chỉ quanh quẩn ngang mức 36-37%!
Thanh Hải (Theo CNN, Reuters)