PNO - Nhiều ĐBQH TPHCM chỉ ra, mục tiêu của chương trình phát triển văn hóa đang trình Quốc hội quá rộng, mông lung... khó có thể thực hiện sau 10 năm.
ĐBQH Nguyễn Tri Thức chỉ ra, mục tiêu của chương trình quá mông lung, khó thể thực hiện được sau 10 năm
Phải quản lý mạng xã hội vì nhiều nội dung “không thể xàm hơn”
Sáng 8/6, tại phiên thảo luận tổ của đoàn ĐBQH TPHCM về Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, ĐBQH Nguyễn Tri Thức chia sẻ, sau khi nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, ông nhận thấy, mục tiêu mà chương trình đề ra rất... mông lung. Trong đó, có những con số phấn đấu cụ thể về số lượng đề tài, giải thưởng, tỉ lệ % kết quả. “Đề nghị những mục tiêu này gom lại thành mục tiêu lớn và có cơ sở. Nếu không chúng ta không thể làm trong 10 năm được” - ĐBQH thẳng thắn nói.
Ông cũng lưu ý, trong chương trình có mục tiêu về chuyển đổi số nhưng không có các phương án ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trong khi các quốc gia trên thế giới đã sử dụng và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị có mục tiêu quản lý mạng xã hội. Bởi theo ông, mạng xã hội như TikTok, YouTube gần như phủ sóng với toàn bộ các đối tượng, trong đó ảnh hưởng rất lớn đến tư duy, phong cách, lối sống của giới trẻ. Trong khi đó, nội dung của nhiều trang mạng, theo ông “không thể xàm hơn”. Do đó, nếu không quản lý bài bản thì sẽ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ.
Đồng quan điểm với ông Nguyễn Tri Thức, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, việc xây dựng chương trình lần này mang tính cần thiết song đối tượng, phạm vi của chương trình quá rộng và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Hồ sơ xây dựng chương trình chưa đầy đủ và chi tiết. Theo ông, cần tránh việc đưa nội dung chung chung, đi cùng số liệu “cứng” và “kêu”. “Chương trình xây dựng đang tính trên mẫu số chung. Trong khi, các điều kiện, phát triển văn hóa ở đô thị khác, miền núi khác... Không thể lấy một số mẫu chung cho một số mục tiêu cụ thể” - ông nêu quan điểm.
Việc thực hiện các chỉ tiêu cần phải nghiên cứu tính khả thi, tránh việc hô hào hay vướng mắc khi triển khai thực hiện.
ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng cũng đề nghị ban soạn thảo rà soát để tránh trùng lắp với các chương trình mục tiêu quốc gia khác đang thực hiện, trong đó có lĩnh vực về văn hóa.
ĐBQH Trần Anh Tuấn cũng phân tích: “Các chỉ tiêu cụ thể đặt ra phải dựa trên hiện trạng thực tế mới phấn đấu được. Cụ thể như với chỉ tiêu 85% gia đình được cung cấp thông tin giáo dục, đạo đức, ứng xử..., hiện trạng ra sao, có nắm được mức độ thẩm thấu của các vấn đề này, cách ứng xử của người dân thay đổi ra sao khi thẩm thấu tài liệu đó? Mình đặt ra mục tiêu khi chưa biết đứng ở chỗ nào thì rất băn khoăn”.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cho hay, bà chưa an tâm với cách thức tiếp cận tại tờ trình Chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. Theo bà, với một chương trình mục tiêu quốc gia, một trong những mục tiêu quan trọng là làm sao cởi trói cho các công ty nhà nước để xã hội hóa một cách đúng đắn nhất và không để sau khi xã hội hóa “ai có tiền là người được phục vụ trước”.
Bà nhấn mạnh, muốn phát triển văn hóa, việc đầu tiên phải làm tốt hơn là ở lĩnh vực giáo dục, dù đây là ngành gián tiếp nhưng nếu giáo dục không bảo đảm, trẻ bị phân biệt đối xử khi đi học... thì không thể phát triển bền vững.
Lấy văn hóa dân tộc làm "cái lõi" phát triển
ĐBQH Phan Văn Mãi nhấn mạnh, trong phát triển văn hóa, phải lấy văn hóa dân tộc làm nền, lõi
ĐBQH Trần Hoàng Ngân quan tâm tới cách phân bổ nguồn lực hơn 122.000 tỉ đồng cho phát triển văn hóa. Ông đặt ra, số vốn này sẽ phân bổ cho địa phương nào, chương trình nào, nếu không tính toán kỹ có thể sẽ trùng lắp. Việc đầu tư phải đúng để phát huy được truyền thống lịch sử, nơi có khả năng bảo tồn, phát triển di tích văn hóa để biến văn hóa thành ngành công nghiệp có sức mạnh mềm.
Liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - chỉ ra, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa là một vấn đề lớn và khó.
Đồng quan điểm với nhiều ĐBQH cùng đoàn, ông Phan Văn Mãi cho rằng cần “khuôn” lại mục tiêu, hành động để có thể triển khai, thực hiện được trong 10 năm.
Ông cũng đưa ra góc nhìn: “cách tiếp cận của chương trình hơi ngược”. Theo ông, nguồn lực để phát triển văn hóa phải tập trung vào xã hội hóa. Trong khi đó, nội dung phát huy nguồn lực ngoài ngân sách của chương trình còn rất ít, phải làm sao tính toán để nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa chiếm 70%, 30% còn lại là ngân sách Nhà nước, trong đó chủ yếu là ngân sách từ địa phương.
Muốn vậy, chương trình phải đưa ra được các cơ chế để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia. Bên cạnh tài chính, cách làm này có thể huy động được nhiều ý tưởng sáng tạo, đổi mới.
Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi lưu ý, trong phát triển văn hóa phải bảo tồn văn hóa truyền thống, đây mới sức mạnh nội sinh để phát triển văn hóa. Bởi, nếu làm không khéo thì sẽ du nhập văn hóa một cách thiếu chọn lọc. Các cơ chế chính sách đề ra phải phát huy nguồn lực, tập trung ngân sách để phát triển văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc phải là nền, lõi của văn hóa Việt Nam.
Việt Nam thắng Singapore 2-0, giúp thầy trò HLV Kim Sang-sik nắm lợi thế rất lớn trước khi bước vào trận bán kết lượt về trên sân Việt Trì vào ngày 29/12.