Mục tiêu chính của giáo dục đại học là 'năng lực làm việc'

07/11/2018 - 06:27

PNO - Mục tiêu chính của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là “năng lực làm việc”. Có thể thấy, cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học đang khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến hiện tượng thiếu cả thầy và thợ.

Sáng 6/11, Quốc hội tiếp tục làm việc để thông qua dự án Luật Giáo dục đại học, tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng giao dục đại học một cách thực chất.

Muc tieu chinh cua giao duc dai hoc la 'nang luc lam viec'
 

“Dù đổi mới, sửa đổi thế nào thì mục tiêu của giáo dục đại học cũng hướng đến đào tạo một nguồn nhân lực chất lượng, để sinh viên không học hành làng nhàng, nhân viên không làm việc làng nhàng nữa; không thể để tình trạng 10 người Việt Nam làm không bằng 1 người Singapore, 5 người Việt chưa bằng 1 người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng 1 người Thái Lan; thậm chí năng suất lao động của chúng ta còn thấp hơn Lào” là nhận định của ông Trần Đức Cảnh - chuyên gia giáo dục Mỹ, Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia và Phát triển nguồn nhân lực (nhiệm kỳ 2016-2021).

Nguồn nhân lực kém năng suất

“Khi làm việc với các bạn trẻ, tôi thường phải rất kiên nhẫn, vì các bạn không chỉ thiếu tự tin mà còn thiếu cả tính kỷ luật, trách nhiệm và kỹ năng làm việc nhóm. Công ty quy định làm việc từ 7 giờ sáng nên những ai đến trễ sẽ bị tôi nhắc nhở. Không ít bạn trẻ nhăn nhó với lý do họ là sinh viên mới ra trường (!). Tôi không chấp nhận lý do không chính đáng này” - Lê Đình Hiếu, Giám đốc điều hành Học viện G.A.P, Giám đốc chương trình Tìm kiếm tài năng trẻ Talent Hub, nói.

Theo ông Lê Đình Hiếu, nhân lực Việt Nam làm việc chưa hết công suất là do chưa tập trung trong giờ làm việc. Các bạn trẻ thường có nhiều lý do để đi trễ, về sớm và mất nhiều thời gian cho mạng xã hội. “Phần lớn các công ty ở Đức đều không cấm sử dụng Facebook trong giờ làm việc, nhưng rất hiếm có người dùng Facebook trong giờ hành chính. Một người nào đó đăng tin, ảnh trong giờ làm việc sẽ bị cho là làm chuyện… không giống ai. Đó chính là văn hóa lao động mang tính chuyên nghiệp và kỷ luật cần có để nhân viên tập trung trong giờ làm việc”.

Muc tieu chinh cua giao duc dai hoc la 'nang luc lam viec'
Cải cách giáo dục thế nào để tạo được nguồn nhân lực có chất lượng

Cùng quan điểm, ông John Lê - Tổng giám đốc Propzy Việt Nam - nói, vấn đề của đa số nhân lực trẻ là thiếu sáng tạo và thiếu tinh thần trách nhiệm: “Các bạn trẻ thường suy nghĩ một chiều và thường chọn con đường quen thuộc để đến mục tiêu. Nếu chẳng may gặp bức tường ngăn đường, họ sẽ loay hoay tìm cách leo qua, trong khi chỉ cần lách qua phải hoặc trái, đường đi đến đích lại thênh thang. Khi có vấn đề xảy ra, các bạn thường tìm cách đổ lỗi cho người khác. Tôi cũng phải thường xuyên tạo động lực để nhân viên làm việc thay vì họ phải tự tìm động lực cho mình”. Ông John Lê là một nhà đầu tư thường xuyên cho các dự án khởi nghiệp. Nhưng theo ông đánh giá, các bạn khởi nghiệp vẫn chưa tạo được niềm tin đối với nhà đầu tư: “Họ có đam mê, có ước mơ, nhưng lại không cho thấy sự đồng lòng trong một nhóm hợp tác. Như thế là họ đã nắm chắc phần thất bại”.

Giáo sư Kenichi Ohno - người có gần 18 năm tham gia tư vấn chính sách kinh tế cho Việt Nam - cho rằng, nguồn lao động nước ta chưa thể cạnh tranh với các nước trong khu vực là do làm việc chưa hết năng suất. Ông cho biết, khi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam, ông nhận thấy một số lao động Việt Nam không thích phải làm việc với cường độ quá cao, vì họ có xu hướng thích nhàn tản. Nhưng để có thể làm cả hai việc một cách hiệu quả, nghĩa là vừa làm việc cật lực mà vẫn có thời gian cho gia đình thì cần có tư duy làm việc mới, thông qua quá trình giáo dục và đào tạo.

Muc tieu chinh cua giao duc dai hoc la 'nang luc lam viec'
 

Giáo dục chưa nhắm đến “năng lực làm người”

Có mặt tại diễn đàn Khai phá năng lực người trẻ vào tháng 9/2018, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giám đốc Tuyển dụng và Đào tạo thuộc Phòng Nhân sự Công ty Robert Bosch Engineering - cho biết, hầu hết nhân sự doanh nghiệp bà tuyển được đều phải đào tạo lại. Trong năm 2017, Robert Bosch Engineering đã tốn hơn 20 tỷ đồng để đào tạo kỹ năng cho nhân viên. Thậm chí, trong quá trình tham gia đào tạo lại, nhân viên vẫn đến trễ hoặc thiếu ý thức làm việc nhóm. “Vấn đề là các bạn trẻ cần thay đổi tư duy đã hình thành, ăn sâu từ khi tuổi còn nhỏ đến lớn. Đào tạo chưa làm tốt vai trò của mình trong cách “làm nghề” đã đành, giáo dục cũng chưa xây dựng được ý thức cho nhân lực trẻ” - bà Thu Hiền nói.

Việc các doanh nghiệp phải đào tạo lại hầu hết nhân viên mới tuyển dụng cả về nghề lẫn về tinh thần làm việc, cho thấy giáo dục và đào tạo của Việt Nam đang có vấn đề. Theo ông Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE - mục tiêu chính ở giáo dục phổ thông là “năng lực làm người” (nền tảng văn hóa). Mục tiêu chính của giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là “năng lực làm việc”. Có thể thấy, cả giáo dục phổ thông lẫn giáo dục đại học đang khủng hoảng trầm trọng, dẫn đến hiện tượng thiếu cả thầy và thợ. Người có bằng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ… không đếm xuể, nhưng ta vẫn thiếu cả chuyên gia lẫn thợ lành nghề.

“Quanh ta không thiếu những sinh viên học làng nhàng, nhân viên làm việc làng nhàng, con người sống thiếu động lực, vì họ chưa từng trả lời cho câu hỏi: sống để làm gì, học để làm gì, làm việc để làm gì. Quan trọng nhất là câu hỏi “thế nào là con người?” cũng không mấy ai trả lời được. Lẽ ra, bài học về lẽ sống chúng ta cần phải được học ở trường và được dạy ở nhà, để ta tư duy lại chính mình, định nghĩa lại các khái niệm cơ bản về thành công, hạnh phúc” - ông Giản Tư Trung nói.

Muc tieu chinh cua giao duc dai hoc la 'nang luc lam viec'

Nhà giáo dục nổi tiếng Thụy Sỹ Pestalozzi từng nói, mục đích của giáo dục không nhằm sản sinh ra các thợ may giỏi, những thợ giày, nhà buôn, hay binh sĩ giỏi, mà tạo ra các thợ may giỏi, những thợ giày, nhà buôn và binh sĩ giỏi - những người, trong nghĩa cao cả nhất, là con người. Cho nên mục đích của giáo dục không gì khác hơn là sự phát triển hài hòa của những năng lực và sức mạnh trong bản chất con người. Dù có cải cách thế nào, giáo dục đại học cũng không thể quên những môn học nhân văn; vì giáo dục nhân văn tạo ra sự thức tỉnh trong con người, hình thành một thế giới cảm xúc bên trong; đồng thời, nó cũng mở khóa kho tàng năng lực và cảm xúc nội tâm sâu thẳm, tạo động lực cho sự sáng tạo, tính trách nhiệm và ước mơ lớn. 

Giáo dục tại gia

Trong khi chờ đợi sự thay đổi từ Luật Giáo dục, có lẽ sự thay đổi dễ dàng và không kém phần hiệu quả là thay đổi từ gia đình; bởi giáo dục không chỉ đến từ nhà trường, xã hội mà còn từ “gia pháp”. Khi giáo dục nhà trường và xã hội còn nhiều bất cập như hiện nay, giáo dục gia đình lại càng quan trọng. 

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - đại diện dự án Design for Change Việt Nam, nhằm xây dựng một thế hệ tử tế - cho biết: “Dự án Design for Change khuyến khích các em nhỏ tham gia vào các dự án cho cộng đồng, nhằm xây dựng trong các em lòng trắc ẩn, ý thức về các vấn đề xung quanh mình, trách nhiệm cộng đồng và cách hợp tác làm việc hiệu quả với người khác. Để thực hiện các dự án, các em nhỏ phải hoàn thành bước đầu tiên là “cảm nhận” các vấn đề tự nhiên, xã hội. Ngay từ bước này, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn vì các em nhỏ Việt Nam mất gấp ba lần thời gian “cảm nhận” so với bạn bè thế giới. Các em quá thờ ơ với cuộc sống. Những phản ứng trước các vấn đề tự nhiên, xã hội vốn rất mạnh mẽ trong con trẻ dường như bị thui chột. Khi được hỏi về ước mơ, đa số các em chỉ muốn học ít hơn hoặc được chơi nhiều hơn. Khó khăn thứ hai là khi phỏng vấn cha mẹ “vì sao muốn con tham gia dự án”, họ đều trả lời vì muốn con mình tự tin hơn, dạn dĩ hơn chứ không phải muốn con sống tử tế, vì mọi người hơn”. 

Muốn con sống tử tế và trách nhiệm thì hiển nhiên cha mẹ không thể sống thờ ơ, vô trách nhiệm. Nếu muốn con trở thành công dân toàn cầu, cha mẹ không thể chỉ cho con học ngoại ngữ thật giỏi mà cần dạy con về lẽ sống và có trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI