Mục tiêu 2021: "Bảo vệ sức khỏe nhân dân và phục hồi kinh tế"

20/10/2020 - 12:10

PNO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nhìn nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động của COVID-19 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 20/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021-2025.

Thủ tướng nhận định, thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng ta đã tập trung phòng chống, kiểm soát tốt.

Thế giới, cộng đồng quốc tế đánh giá cao và cho rằng Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh, có cách làm đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch COVID-19 cho thấy một minh chứng điển hình về cách một quốc gia đang phát triển có thể chống lại đại dịch, đem đến một bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác”.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016-2020 không đạt mục tiêu đề ra.

Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh. Khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thật vững chắc, năng lực cạnh tranh và tính tự chủ còn hạn chế.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Đào tạo nguồn nhân lực còn bất cập cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh.

Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình trong nước và thế giới biến động nhanh, phức tạp, nhất là trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19… là chưa có tiền lệ. Qua đó, Việt Nam cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý.

Cụ thể, theo Thủ tướng, cần có sự thống nhất cao trong nhận thức và quyết liệt trong hành động, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc…

Ngoài ra, phải chú trọng các động lực phát triển, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường, lấy con người làm trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; tập trung phát triển nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ…

"Năm 2020, mặc dù chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, nhưng chúng ta đã thành công trong việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Như vậy, năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Minh Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI