Mức giảm trừ gia cảnh thấp, người nộp thuế nặng gánh

09/10/2024 - 06:27

PNO - Có thu nhập 40 triệu đồng/tháng nhưng anh Trần Văn Cường (quận 6, TPHCM) vẫn chưa thể mua nhà bởi sau khi đã giảm trừ gia cảnh, thu nhập của anh vẫn nằm trong khung chịu thuế thu nhập cá nhân 15%. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt lại quá cao.

Người tiêu dùng mua sắm tại Aeon Mall Bình Tân, TPHCM. Giá hàng hóa tăng theo mức lương cơ sở mới (áp dụng từ ngày 1/7/2024) nhưng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân vẫn không đổi - ẢNH: HOA LÀI
Người tiêu dùng mua sắm tại Aeon Mall Bình Tân, TPHCM. Giá hàng hóa tăng theo mức lương cơ sở mới (áp dụng từ ngày 1/7/2024) nhưng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân vẫn không đổi - Ảnh: Hoa Lài

Không dư đồng nào do chi phí cao, thuế nặng

Anh Trần Văn Cường kể, sau đợt dịch COVID-19 năm 2021 đến nay, vợ anh thất nghiệp. Anh có thu nhập 40 triệu đồng/tháng nhưng sau khi lo chi phí sinh hoạt trong gia đình, số tiền dư ra hằng tháng không đủ để anh mua căn hộ chung cư trả góp.

Cụ thể, sau khi trừ bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%, số thu nhập trước thuế còn 35,8 triệu đồng. Sau khi giảm trừ gia cảnh cho bản thân 11 triệu đồng/tháng, giảm trừ gia cảnh cho 2 người phụ thuộc là vợ và con 8,8 triệu đồng/tháng, anh Cường có 16 triệu đồng chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Mức tiền này nằm trong bậc 3 (từ 10-18 triệu đồng), phải chịu mức thuế 15%. Do thuế TNCN được tính lũy tiến nên tổng tiền thuế TNCN mà anh phải nộp là 1.650.000 đồng/tháng.

Như vậy, tổng số tiền còn lại để gia đình anh Cường trang trải chỉ khoảng 34,15 triệu đồng. Trong khi đó, tổng chi tiêu của cả gia đình gồm tiền ăn uống, sinh hoạt, chi phí học tập cho con trai học THCS, tiền phụng dưỡng cha mẹ 2 bên hết khoảng 25-27 triệu đồng/tháng nên số tiền còn dư chỉ khoảng 7-9 triệu đồng/tháng.

Anh nhẩm tính: “Nếu mua trả góp căn hộ chung cư có giá khoảng 1,5 tỉ đồng/căn, tôi chỉ vay được 1 tỉ đồng (70% trị giá căn hộ). Với mức lãi suất hiện tại là 9%/năm, kỳ hạn vay 15 năm thì tổng tiền gốc và lãi mà tôi phải trả là 13 triệu đồng/tháng. Còn nếu mua căn hộ có giá 2 tỉ đồng thì tiền gốc và lãi phải trả là 18 triệu đồng/tháng”.

Có tổng thu nhập 50 triệu đồng/tháng nhưng vợ chồng anh Trần Văn Nguyên - chị Nguyễn Bích Toàn (huyện Hóc Môn, TPHCM) phải sống chật vật, không để dành được đồng nào. Anh Nguyên có thu nhập 20 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc nên đóng thuế TNCN 445.000 đồng/tháng; chị Toàn có thu nhập 30 triệu đồng/tháng, có 2 người phụ thuộc là 2 con nhỏ nên sau khi trừ các khoản, số tiền chịu thuế còn lại nằm trong bậc 2 (từ 5-10 triệu đồng), chịu mức thuế TNCN 10%, số tiền phải đóng là 445.000 đồng.

Tuy nhiên, do 2 con đang đi học, trong đó có 1 bé bị tự kỷ, anh Nguyên cũng đang học thêm lớp nâng cao để đáp ứng yêu cầu đối với giảng viên nên anh chị tốn khoản chi phí hằng tháng khá cao. “Nếu mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên hoặc các khoản chi phí ăn học, trị bệnh của người phụ thuộc được khấu trừ vào thuế TNCN, may ra vợ chồng tôi mới có khoản tiền tích lũy hằng tháng”.

Cách tính thuế lạc hậu, bất hợp lý

Theo các chuyên gia, cũng như Pháp lệnh Thuế TNCN trước đó, Luật Thuế TNCN có nhiều điểm bất hợp lý, cần được sửa đổi. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh và biểu thuế là 2 vấn đề cần được xem xét trước tiên.
Theo luật này, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 20% so với khi luật có hiệu lực (năm 2013), Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Cán bộ Chi cục Thuế quận 6, TPHCM tư vấn thủ tục thuế cho người dân - ẢNH: HOA LÀI
Cán bộ Chi cục Thuế quận 6, TPHCM tư vấn thủ tục thuế cho người dân - Ảnh: Hoa Lài

Do từ năm 2013-2019, CPI tăng 23% nên Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Nhưng theo luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - sau 4 năm áp dụng, mức giảm trừ gia cảnh này đã quá lạc hậu so với điều kiện thực tế, nên việc chờ CPI tăng 20% mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là quá bất hợp lý, gây thiệt thòi cho người lao động.

Theo ông, nên điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh ngay khi chỉ số CPI tăng 10%. Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2020-2023, chỉ số CPI tăng 11,47%, nghĩa là giá rổ hàng hóa đã tăng 11,47%. Nhưng thực tế, giá cả trên thị trường đã tăng gấp mấy chục lần so với mức được thống kê, công bố. Chẳng hạn, tô phở có giá 40.000 đồng nay đã tăng lên 50.000-55.000 đồng (tăng 25 - 38%), giá 1 ổ bánh mì thịt từ mức 12.000 đồng đã tăng lên 15.000 đồng (tăng 25%).

Bên cạnh đó, trong 752 mặt hàng khiến CPI tăng, có những mặt hàng như sắt, thép, xi măng nhưng trên thực tế, người dân sử dụng thường xuyên khoảng 30 mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, thịt, rau củ quả, dịch vụ giáo dục, xăng dầu. Do đó, việc chờ CPI chung tăng 20% là không hợp lý bởi nó không đại diện cho đời sống của người lao động nói chung.

Theo anh Trần Văn Cường, nếu mức giảm trừ gia cảnh được nâng lên cao hơn, số thuế phải nộp ít hơn, số tiền dư ra mỗi tháng nhiều hơn thì anh mới có khả năng sở hữu căn hộ.

Luật sư Trần Xoa cho biết thêm, trong Nghị quyết 20 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2024, Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân mà không đợi CPI tăng 20%.

Ông nói: “Hiện có gần 10 nguồn thu nhập chịu thuế TNCN nhưng chủ yếu vẫn là tiền lương, tiền công. Do đó, mức giảm trừ gia cảnh cần được nghiên cứu sửa đổi sớm, áp dụng sớm để chia sẻ khó khăn với người làm công ăn lương”.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Minh Hiệp - giảng viên Khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TPHCM - cho rằng, cần sửa đổi toàn diện nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh theo hướng căn cứ vào mức tiêu dùng thực tế thay cho mức khoán như hiện nay. Trong thời gian chờ sửa luật (Bộ Tài chính dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2025 và thông qua vào tháng 5/2026), cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người nộp thuế và những người phụ thuộc. Sau dịch bệnh, sự biến động của kinh tế, chính trị cộng với thiên tai khắp nơi đã làm cho giá cả hàng hóa, dịch vụ đắt đỏ hơn. Đợi đến năm 2026 mới sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh là không bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.

Theo ông Trần Minh Hiệp, thuế TNCN là thuế trực thu; việc giảm nghĩa vụ thuế đối với nhóm cá nhân có thu nhập thấp, trung bình (nguồn thu nhập chỉ đủ duy trì cuộc sống) là công bằng, hợp lý. Bên cạnh mức khoán giảm trừ gia cảnh, có thể cho phép người nộp thuế kê khai giảm trừ đối với một số khoản chi phí chính, chiếm tỉ trọng lớn như học phí cho con, chi phí khám chữa bệnh, chi phí thuê nhà, chi phí điện, nước…

Theo ông, mức chi cho người phụ thuộc mắc các bệnh mạn tính, bẩm sinh sẽ nhiều hơn người phụ thuộc còn khỏe mạnh, nên chi phí khám chữa bệnh cần được khấu trừ vào thuế TNCN để hướng tới mục tiêu giảm trừ gia cảnh theo chi phí tiêu dùng thực tế. Ở nhiều nước, các chi phí này đều được khấu trừ nếu có hóa đơn, nhằm kích thích nền kinh tế phát triển.

Cần áp thuế thu nhập cá nhân đúng đối tượng, đúng bản chất

Thuế TNCN cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh. Hiện nay, tài xế lái xe cho công ty vận tải phải nộp thuế TNCN theo tiền lương, tiền công nhưng lái xe cho các hãng taxi công nghệ lại nộp thuế theo diện cá nhân kinh doanh. Điều này là chưa đúng bản chất và không nhất quán, có thể gây bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế và làm méo mó đi bản chất của giao dịch kinh tế.

Biểu thuế với người làm công ăn lương hiện hành có quá nhiều bậc và khoảng cách thu nhập tính thuế ở các bậc sau quá rộng so với các bậc trước, chưa phát huy được hết đạo lý của thuế TNCN. Thu nhập tính thuế của bậc thứ nhất từ 0 đến 5 triệu đồng trong khi chênh lệch thu nhập tính thuế từ bậc thứ tư trở đi là hàng chục triệu đồng (bậc 4 từ 18-32 triệu đồng, bậc 5 từ 32-52 triệu đồng, bậc 6 từ 52-80 triệu đồng). Điều này khiến áp lực thuế dồn vào nhóm thu nhập phía dưới.

Do đó, cần giãn khoảng cách các bậc thuế, đặc biệt là giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để những người có thu nhập trung bình được hưởng lợi; đồng thời thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc cao nhằm thu ngân sách nhiều hơn từ những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập. Nên rút số bậc thuế từ 7 xuống còn 4-5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế, từ đó giảm chi phí xã hội.

Bên cạnh đó, cần cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động có trình độ cao, đồng thời tăng nguồn thu khi thuế suất của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Chẳng hạn, một chuyên gia nước ngoài đi làm với cùng điều kiện lao động và mức thu nhập 10.000 USD nhưng thuế TNCN ở Singapore chỉ 22% còn ở Việt Nam 35% thì họ sẽ chọn làm ở Singapore thay vì Việt Nam. Với chuyên gia nước ngoài được trả thu nhập 2 nơi là Việt Nam và nước ngoài, nếu chúng ta giảm thuế suất TNCN xuống thấp hơn các nước trong khu vực thì họ sẽ có xu hướng chuyển thu nhập về Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, Trưởng ban Chính sách, Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM

Huyền Châu (ghi)

Nên tính mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) - cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh lâu nay bị cào bằng, không tính đến sự khác biệt giữa mức sống ở thành phố lớn với vùng nông thôn. Theo ông, mức giảm trừ gia cảnh nên cao gấp 4-5 lần tiền lương tối thiểu vùng. Trong thời gian chờ sửa Luật Thuế TNCN, có thể ban hành nghị quyết hoặc quyết định nâng mức giảm trừ gia cảnh.

Mức thu nhập chịu thuế TNCN hiện hành được chia làm 7 bậc: bậc 1 (5 triệu đồng/tháng) có mức thuế 5%, bậc 2 (5-10 triệu đồng/tháng) 10%, bậc 3 (10-18 triệu đồng/tháng) 15%, bậc 4 (từ 18-32 triệu đồng/tháng) 20%, bậc 5 (từ 32-52 triệu đồng/tháng) 25%, bậc 6 (từ 52-80 triệu đồng/tháng) 30% và bậc 7 (trên 80 triệu đồng/tháng) 35%.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM - cho rằng, đa số người làm công ăn lương có thu nhập chịu thuế từ bậc 1 đến bậc 4, mức lương không quá cao nhưng lại đóng thuế suất cao. Trong năm 2017, Bộ Tài chính có dự thảo tờ trình, trong đó kiến nghị giảm còn 5 bậc thuế TNCN nhưng không hiểu sao, đề xuất này không được áp dụng. “Nên bỏ 2 bậc thuế đầu hoặc gộp 3 bậc thuế đầu làm một, thu hẹp khoảng cách các bậc về sau để người có thu nhập trung bình khá không phải đóng quá nhiều thuế” - ông Nguyễn Thái Sơn đề xuất.

Hoa Lài

Cách tính chỉ số giá tiêu dùng rất bất cập

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, rổ hàng để tính CPI rất bất cập. Rổ hàng hóa này gồm hơn 700 mặt hàng nhưng chỉ khoảng trên 20 mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân.

Do đó, nếu chờ hơn 700 mặt hàng trong rổ tăng trung bình trên 20% thì người nộp thuế phải đợi 6-7 năm mới được điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, 5 năm vừa qua, các mặt hàng thiết yếu đã tăng giá mạnh, thậm chí có mặt hàng tăng nhanh hơn cả thu nhập.

“Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 7%, giá lương thực tăng 27%, giá xăng tăng 105%” - bà dẫn chứng.

Theo bà, mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng với 1 người phụ thuộc thực sự không còn phù hợp. Nhiều cử tri nói, nếu gia đình có con nhỏ thì lương trả cho người giúp việc (phụ chăm trẻ) không dưới 5 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác. Nếu gia đình có con cái đi học, chi phí học hành chiếm phần lớn chi phí chi tiêu. Nếu gia đình có cha mẹ già, chi phí không chỉ là tiền ăn uống, sinh hoạt mà còn bao gồm các dịch vụ y tế, thuốc men.

Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cũng đề nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN ngay khi lương tăng. Theo ông, hiện nay, chi phí đắt đỏ, lương tăng 30% thì ít nhất mức giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí 50% mới hợp lý.

Huyền Anh

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI