Mùa xuân từ những dòng sông băng

15/12/2020 - 06:46

PNO - "Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring" ("Xuân, hạ thu, đông rồi lại xuân") - kiệt tác của “quái nhân” xứ Hàn Kim Ki-duk được coi là một trong những bộ phim tiêu biểu nhất lấy đề tài Phật giáo.

Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân vừa là quy luật của đất trời, vừa tượng trưng cho vòng luân hồi của kiếp người và sự xoay vần của nhân tính. Dựa trên nền tảng này, đạo diễn Kim Ki-duk đã cho ra đời một tác phẩm điện ảnh đẹp đẽ, kỳ vĩ và phức tạp, chứa đựng góc nhìn về cái ác và sự từ bi thông qua lăng kính Phật giáo.

Bộ phim mở đầu bằng một khung cảnh mênh mang và thoát tục: Trên mặt hồ phẳng lặng mờ sương, khuất sau những nhánh cây là một chiếc am nhỏ, dường như biệt lập với thế giới bên ngoài. Đó là nơi tu tập của chú tiểu và vị sư thầy, cũng là nơi chứng kiến hành trình trưởng thành, vấp ngã và sám hối, phục thiện của chú tiểu trong suốt những năm về sau. Hành trình ấy được chia ra thành năm phần phim, tương ứng với vòng tuần hoàn vô tận của bốn mùa.

Trong tiểu thuyết Siddhartha (tiếng Việt: Câu chuyện dòng sông) của đại văn hào người Đức Herman Hesse, chàng thanh niên Siddhartha đã tìm đến sự giác ngộ bằng cách lắng nghe tiếng nói của dòng sông. Còn trong Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân nước lại giống như tấm màn ngăn cách nơi tu hành với cuộc đời trần tục. Tuy nhiên, nó cũng không thể che chắn cõi thiền khỏi dục vọng và cái ác.

Bộ phim chứa đựng những triết lý Phật giáo về nhân quả, căn nguyên cái khổ, sự sám hối và giải thoát
Bộ phim là góc nhìn minh triết về cái ác và lòng từ bi dựa trên triết lý Phật giáo

Mầm mống sơ khởi của cái ác nảy nở trong mùa Xuân. Ở đầu phim, chú tiểu – khi ấy còn là một đứa trẻ, đã buộc đá vào các con vật (cá, rắn, ếch) để mua vui. Khi chứng kiến chuyện đó, vị sư thầy đã quở phạt chú: “Nếu một trong những con vật ấy chết, con sẽ phải dằn vặt suốt đời”. Chú tiểu cũng bị thầy bắt mang hòn đá trên lưng để hiểu được cảm giác của những sinh linh vô tội kia. Hòn đá ấy chính là gánh nặng tội lỗi đầu đời của chú tiểu, và cũng là tội nặng nhất theo quan niệm Phật giáo: tội sát sinh.

Nếu như Xuân đánh dấu sự manh nha của cái ác, thì Hạ lại xoay quanh đam mê ái tình, dục lạc của chú tiểu khi trưởng thành. Lúc bấy giờ, anh đem lòng yêu cô gái xinh đẹp tìm đến ngôi chùa để chữa bệnh, bất chấp giới luật tu hành và sự nghiêm khắc của người thầy. Họ - một người cô đơn đến sinh bệnh, một người chưa từng biết cảm giác yêu đương, đã lao vào nhau trong một mối tình chóng vánh mà đắm say, khắc khoải.

Và rồi, khu rừng đằng sau ngôi chùa trở thành thế giới riêng tư của họ. Ở đó, chú tiểu nhận ra mình chỉ là chàng thanh niên mới lớn vẫn còn tha thiết với đời. Chàng thanh niên ấy nương nhờ dưới bóng Phật, nhưng trong lòng chỉ có dáng hình thanh mảnh của người con gái mặc váy trắng. 

Nhiều khoảnh khắc trong bộ phim là sự chênh vênh, giằng co giữa lý trí và bản năng, giữa giữ mình và buông thả, giữa đức tin thiêng liêng và những khao khát trần tục. Cuối cùng, sự gắn bó về tinh thần và thể xác với cô gái mặc váy trắng đã khiến chú tiểu bước chân ra khỏi cõi thiền. Tuy nhiên, sau nhiều năm tháng lặn ngụp giữa biển đời, chú tiểu không những không có được hạnh phúc, mà còn phạm tội giết vợ vì vợ đi theo người đàn ông khác.

Với nền tảng triết lý Phật giáo, Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring đã tỉ mẩn bóc tách căn nguyên của lỗi lầm ấy. Đó trước hết là cái Khổ, khi con người làm mọi cách để níu giữ những điều vô thường, phù du trong cuộc đời, mà ở đây là tình yêu. Mặt khác, dục vọng cũng khiến con người tự trói buộc bản thân, đồng thời đánh thức mầm ác từ bên trong. Đây chính là nguồn cơn dẫn đến sự sa ngã của chú tiểu, khiến anh phải dành nửa đời còn lại để sám hối và trả giá.

Phim chứa đựng những triết lý Phật giáo tiêu biểu về nhân-quả, căn nguyên cái khổ, sự sám hối và giải thoát
Phim chứa đựng những triết lý nhân-quả, căn nguyên cái khổ, sự sám hối và giải thoát

Trên hành trình sám hối đó, chú tiểu ngày nào luôn được dẫn dắt bởi lòng từ bi của sư thầy và Đức Phật. Cốt lõi của từ bi không phải tha thứ, mà là chỉ cho kẻ đang lạc lối một con đường để giác ngộ và tìm về với cái thiện. Với nhân vật chú tiểu, bước đầu tiên của sự phục thiện là đối diện với tội ác mình gây ra, đồng thời chấp nhận trả cái giá tương xứng. Chỉ có như vậy, anh ta mới có thể cho mình cơ hội để bắt đầu lại cuộc đời.

Tầm vóc của Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring nằm ở chỗ nó buộc con người phải hành động và vượt qua muôn vàn thử thách để chuộc tội, thay vì cầu xin sự tha thứ của bề trên.

Ở đầu phim, tảng đá là ẩn dụ của gánh nặng tội lỗi mà nhân vật phải đeo mang, nhưng đến cuối phim, nó lại tượng trưng cho sự giác ngộ, cứu rỗi và giải thoát. Lúc bấy giờ, hành động kéo tảng đá của chú tiểu không còn là sự trừng phạt hay đè nén, mà đem đến sự thanh thản, bình an cho cho tâm hồn. Nó ghi dấu một nỗ lực để hướng thiện, trong ánh sáng của đức tin và lòng từ bi.

Trailer phim Spring, Summer, Fall, Winter…and Spring:

 

 

Bộ phim khép lại khi một mùa xuân mới bắt đầu. Sự trở về của mùa xuân mang đến niềm hy vọng, khiến cho vạn vật sinh sôi nảy nở, báo hiệu một khởi đầu mới sau mùa đông khắc nghiệt. Dẫu rằng cái ác và sự vô minh chưa bao giờ mất đi nhưng ta vẫn được quyền tin tưởng vào con người.

Đó chính là lúc nhân tính được bảo toàn, và mùa xuân được phục sinh từ những dòng sông băng buốt giá. 

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI