|
Cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Nhung đang chạy thạn tại Bệnh viện An Sinh trong những ngày cuối năm |
Sáng 26 Tết, đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận tấp nập người trẻ hối hả qua lại. Họ đi sắm Tết. Ở đây gần chợ, nhiều cửa hàng thời trang và những con đường hoa vàng mọc lên bày bán Tết. Có một người trẻ cũng hòa vào dòng hối hả ấy, nhưng đến trước cổng Bệnh viện An Sinh là cô rẽ vào.
26 Tết – cũng là một ngày có trong lịch chạy thận của Nguyễn Thị Hồng Nhung (30 tuổi, ở Bình Chánh). Đây là lần thứ 7 Nhung liên tục “ăn Tết” trong bệnh viện, và hai năm nay là khoa Thận, Bệnh viện An Sinh. Và ngày chạy thận tiếp theo của Nhung là ngày 30 Tết. Cứ cách 2 ngày, Nhung lại đến bệnh viện lọc máu một lần cho căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối của mình.
Nhung nhanh chân bước qua cổng bệnh viện, băng qua khu phòng khám và vào thang máy lên lầu 3 – căn nhà thứ hai của cô – khoa Thận. Vừa vào khoa, Nhung cười tươi khi gặp tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Đức Lộc – Trưởng khoa Thận và các điều dưỡng. Thông thuộc như ngôi nhà của mình, Nhung tiến đến chiếc giường trống nằm, đôi mắt nhắm nghiền im lìm, bỏ hết sau lưng những huyên náo, hối hả của những ngày cận Tết.
7 năm trước, đang là một cô gái tràn đầy thanh xuân, Nhung tốt nghiệp trường Cao đằng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp với ăm ắp ước mơ, hoài bão. Nhung nộp đơn xin việc với hy vọng; đi làm để giúp gia đình đổi đời. Nhung luôn mong chờ đến ngày “đỗ trạng” để báo hiếu cho người mẹ làm giúp việc nhà, người cha làm thợ hàn đã tảo tần nuôi cô con gái duy nhất ăn học thành tài.
Trong khi chờ nhận việc, một buổi sáng bỗng dưng Nhung thấy khó thở, choáng váng và sau đó ăn gì cũng ói ra hết. Ra hiệu thuốc gần nhà, Nhung được bán cho thuốc đau bao tử, chướng bụng, khó tiêu. Nhưng uống gần cả tuần vẫn không đỡ. Nhung vào bệnh viện khám và kết quả khiến cô cùng gia đình bàng hoàng: Nhung bị suy thận mạn và muốn duy trì sự sống phải lọc máu thường xuyên.
|
Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn Đức Lộc - Trưởng khoa Thận đang khám cho Nhung |
Cô gái trẻ suy sụp, khủng hoảng và không chấp nhận được sự thật này. Mẹ Nhung ôm con gái vào lòng, những tiếng khóc uất nghẹn hòa lẫn vào nhau. Dù không ai nói ra – nhưng tiếng vọng “con còn quá trẻ” cứ nghẹt ở lồng ngực của hai mẹ con. Và mỗi bên đều cố kìm nén không bật thành lời để bớt bi thương cho cô gái trẻ.
Và trờ trêu thay, ngay ngày lẽ ra Nhung đi nhận việc làm thì cô khăn gói vào bệnh viện lọc máu. Kể từ đó, đời Nhung gắn chặt với bệnh viện và đành phải xếp lại ước mơ đi làm. “Lẽ ra, em đi làm để giúp gia đình, giờ ba mẹ lại phải tiếp tục còng lưng kiếm tiền cho em chữa bệnh. Em chỉ khát khao, ước mơ có một cuộc sống như người bình thường” – Nhung rơm rớm nói.
“Cuộc sống như người bình thường” – điều có lẽ ít người thấy quý giá khi cơ thể khỏe mạnh. Nhưng cụm từ này có giá trị vô vàn và mỗi người chỉ thấu cảm thật sự khi phải vào bệnh viện, nhất là khi phải mang căn bệnh mạn tính, cuộc đời phải gắn chặt với bệnh viện. Nhip sống, sinh hoạt, ăn uống… đều không còn bình thường.
Nhung tâm sự: “Bây giờ, chỉ mỗi việc được uống nước thoải mái đã quá xa vời với em. Hay những ngày nóng bức muốn uống nước dừa cũng không được, hoặc ăn trái chuối, trái cây sấy khô… cũng là ước mơ xa xỉ. Vì với người bệnh thận như em, uống nước nhiều sẽ làm cơ thể bị phù, vì thận không đào thải được. Còn những món ăn khoái khẩu đó của em cũng phải từ bỏ vì nó làm tăng kali, làm rối loạn nhịp tim có thể giết chết em bất cứ lúc nàò” . 7 năm gắn bó với căn bệnh này, tự bao giờ, Nhung và những bệnh nhân thận như trở thành bác sĩ, nắm vững kiến để bảo vệ sức khỏe.
|
Mâm bánh mứt Tết trông ngon lành, nhưng là những thực phẩm mà bệnh nhân chạy thận cần hạn chế |
Ở khoa Thận này, còn có một bệnh nhân đặc biệt khác là chàng trai Lê Đình Tâm, 31 tuổi, quê ở Bình Phước. Tâm có mẹ và dì đều mắc bệnh thận mạn, và lẽ ra cũng phải lọc máu nhưng bà nhường cơ hội này cho con trai vì gia đình quá nghèo, không thể cùng lúc chạy thận cả 3 người. Mẹ và dì đi mua gánh bán bưng ở vỉa hè để kiếm tiền cho Tâm điều trị bệnh.
Tâm là bệnh nhân có “thâm niên” chạy thân nhất ở khoa Thận: gần 14 năm. Và cũng ngần ấy thời gian, Bệnh viện An Sinh trở thành nhà của Tâm đúng cả nghĩa đen lẫn bóng. Chạy thận xong, Tâm tá túc luôn trong bệnh viện và chờ đến ngày lọc máu tiếp theo. Hầu như năm nào, Tâm cũng ăn Tết cùng với các bác sĩ và điều dưỡng ở đây.
|
Bất kể lễ Tết, các nhân viên y tế và bệnh nhân cũng phải chạy thận mỗi ngày |
Phố xá ngoài kia vẫn tấp nập, tiếng cười nói rộn ràng chuẩn bị cho cái Tết sum vầy, an vui, tài lộc tràn đầy. Nhưng ở khoa này, không chỉ bệnh nhân, mà ngay cả các bác sĩ và điều dưỡng, thì ở đây không có Tết – ngày nào cũng giống nhau.
Bác sĩ Nguyễn Đức Lộc cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi có 4 ca chạy thận với 35 giường/ca. Ngày nào cũng vậy, kể cả ngày cuối năm hay mùng 1 Tết. Năm nào cũng vậy, chạy xong ca thứ 4 của ngày cuối năm là đến Giao thừa. Khi đó, nhiều bệnh nhân ở xa không còn chuyến xe để về nên ở lại đây ăn Tết cùng với chúng tôi.
Khoa có chuẩn bị một bàn có bánh mứt, hoa quả nên giao thừa, thầy thuốc và bệnh nhân ngồi quay quần bên nhau nhâm nhi bánh mứt và chúc Tết nhau. Có lẽ không ở đâu như ở đây, bệnh nhân và nhân viên y tế không có giới hạn. Chúng tôi thân thuộc như người trong gia đình, và bác sĩ, điều dưỡng lì xì cho bệnh nhân; có bệnh nhân cũng lì xì cho nhân viên y tế”.
Bac sĩ Lộc cũng cho biết, trước đây, bệnh nhân chạy thận hầu hết là người cao tuổi. Còn hiện nay, bệnh thận ngày càng trẻ hóa và ngày càng nặng. Có nhiều bệnh nhân vào bệnh viện mới 17-18 tuổi. Tương lai còn dài ở phía trước, nhưng cuộc đời của các em đã gắn liền với bệnh viện, lọc máu để duy trì mạng sống.
|
Thạc sĩ bác sĩ Lê Đức Lộc hỏi thăm Nhung về chuẩn bị Tết nhứt |
Chia tay Nhung và các bệnh nhân khác tôi ra về. Bước ra khỏi cổng bệnh viện. Trời ươm nắng vàng. Trên đường, xe cộ vẫn tấp nập, hối hả dòng người chở hoa cúc, vạn thọ và hoa mai ngược xuôi. Tôi nhớ câu hỏi của điều dưỡng Nguyễn Hiệp Thành Nhân hỏi Nhung “Có sắm sửa Tết gì chưa em?”. Nhung cười buồn “Tết nhứt gì anh ơi, giờ em chỉ nghĩ đến ngày buổi chạy thận tiếp theo”.
Thùy Dương