Mùa xuân hẹn đưa má đi chơi

13/02/2021 - 06:00

PNO - Má tôi nói, những ngày du xuân nhìn ngắm đất trời là dành cho lúc chân mỏi, người đau...

Khuya mùng Hai tết năm ngoái, gia đình chị gái cùng má tôi ra sân bay, bắt đầu hành trình “Tây Bắc mùa xuân” - niềm mong đợi bao lâu của người già. Trong va-li khi ấy ngoài quần áo, đồ dùng cá nhân còn trang bị đầy đủ áo giữ nhiệt, miếng dán/túi giữ nhiệt, những đôi tất và găng tay thật dày.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Mùa xuân phương Bắc lạnh lẽo, trong nhà ai cũng lo sức khỏe người già không chịu nổi. Vậy mà từ chuyến bay hừng đông đến Hà Nội, rồi đi tiếp về Phú Thọ, ghé thăm Đền Hùng, tối mịt mới được về khách sạn nghỉ ngơi, người già nhất trong đoàn lại là người khỏe nhất. 

Bà thậm chí còn lên đến đỉnh Fansipan trong ngày sương giá. Nhìn những bức ảnh bà chụp từ Sa Pa, Điện Biên Phủ, Mai Châu, Mộc Châu… tôi như thấy một người-già-khác. Gương mặt hồng hào, rạng rỡ. Má thậm chí “chịu chơi” khi vào đồi chè Mộc Châu đã mặc trang phục đồng bào Mông, che dù chụp ảnh cùng con cháu. Cả đoàn ai cũng trêu vui “bà già xì-tin” quá. Tự nhiên tôi thấy má mình trẻ lại như ở thanh xuân nào đó đã lùi vào quá vãng. Rất lâu rồi, các con không thấy bà cười vui như vậy. 

Má tôi và bao nhiêu người già ở những miền quê khác đã dành cả đời làm lụng vất vả nuôi con, thanh xuân đâu có Facebook, smartphone, đâu có quần áo đẹp và thích “xách ba-lô lên và đi”, check-in khắp chốn. Những thế hệ chân lấm tay bùn, con đàn cháu đống, phải nai lưng chạy ăn ngày ba bữa, quẩn quanh với đất làng có bao giờ nghĩ đến chuyện đi du lịch xa xôi. 

Phải đến tuổi ngoài 60, má tôi mới có được chuyến đi chơi xa đầu tiên. Năm ấy, tôi đưa má đi Sa Pa. Trước chuyến đi, bà không ngủ được nhiều đêm liền. Bà sắm sửa giày dép, sơn móng tay móng chân sạch đẹp, cắt tóc ngắn cho gọn. Cái sự nôn nao, háo hức trước lúc lên đường ấy tôi nghĩ chỉ bọn trẻ con mới có. Sự hào hứng trông chờ của người già khiến tôi xúc động, tự vấn mình lẽ ra phải đưa má đi chơi sớm hơn.

Năm tháng trẻ trung có biết bao nhiêu chuyến đi với bạn bè, đồng nghiệp, tôi cứ nghĩ người già đâu thích đi đó đi đây như lũ trẻ. Nhưng mà không phải. Những chuyến đi cho người trẻ khám phá thế giới, tràn đầy năng lượng thì người già cũng vậy. Họ bảo không thích đi chỉ vì sợ con cái tốn tiền hoặc cảm thấy sự có mặt của mình trong một nhóm những người trẻ năng động biết đâu lại làm phiền cuộc vui của chúng. 

Chuyến đi đầu tiên trở về, bà có cơ man nào là chuyện để kể với bà con, chòm xóm. Còn các cháu trong nhà đứa nào cũng có quà phương Bắc. Khi ấy, tôi hiểu ra rằng với người già, những chuyến đi cũng có ý nghĩa biết bao nhiêu. 

Anh chị em tôi quanh năm bận rộn, ít khi nào có dịp đi chơi chung cả gia đình. Nhưng nếu nhà người này đi đâu thì đưa má đi theo. Cứ thế, bà đã cùng các con hết đi trong nước thì ngoài nước. 

Mùa xuân tự bao giờ đã trở thành mùa “hẹn”. Hẹn đưa má đi chơi. Nhà không còn đêm giao thừa nấu bánh chưng bánh tét, không có những ngày rộn ràng làm mứt tết. Má tôi hay nói vui, nhà chỉ ăn tết từ 23 tháng Chạp đến mùng Một tết. Đó là lúc gia đình các con về chơi, phụ giúp má dọn dẹp nhà cửa, đi chợ hoa, cúng ông Táo, làm mâm cúng ông bà, mùng Một đoàn viên lì xì, chúc tết…

Sau đó ai về quê chồng ai về quê vợ, ai đi chơi tết cứ thế mà chia nhau ra. Chuyến đi mùa xuân là dịp để mọi người trong nhà gắn kết hơn sau một năm quá bận rộn. Chuyến đi cũng là để tái tạo năng lượng sau một năm làm việc. Đặc biệt là cho má tôi, người già quanh năm chỉ ở trong nhà, được những ngày du xuân nhìn ngắm đất trời. Bà nói, đến lúc nào chân mỏi người đau đi không nổi nữa, lúc đó nằm nhà cũng còn có nhiều thứ để nhớ về. Nghe thương như chiếc lá trên cành cứ sợ ngày gió nổi…

Mùa xuân là để trở về nhà, nhưng cũng có thể là dịp để du xuân. Sự lựa chọn nào cũng ý nghĩa, hạnh phúc nếu cùng nhau. 

Lục Cầm Thi

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI