Dẫu khó khăn vẫn không lơ là nhiệm vụ
Trạm kiểm soát số 2 - Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ hiện ra giữa bốn bề sông nước. Từ xa, 2 quân nhân quân phục chỉnh tề đang hướng mắt về chiếc ca nô đang lướt tới. Ca nô cập bến, quân nhân chào khách rồi hỗ trợ khách rời ca nô.
Trạm kiểm soát số 2 rộng chừng 30m2, như một ngôi nhà nổi trên sông. Bên trong không có nội thất gì ngoài những chiếc giường tầng bằng sắt kê san sát nhau để tối ưu hóa không gian. Có lẽ, trang bị hiện đại nhất cho cuộc sống của các cán bộ, chiến sĩ là chiếc tủ lạnh lưu trữ thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Bếp ăn của trạm cũng đơn sơ, dã chiến, nhưng ngăn nắp, sạch sẽ.
Sự có mặt của các cán bộ Cụm thi đua III - Hội LHPN TPHCM đã phá tan không gian tĩnh lặng thường ngày của trạm. Hiếm khi trạm xôn xao tiếng cười nói. Thiếu tá Vũ Ngọc Núi - cán bộ của trạm - buột miệng: “Mùa xuân năm nay đến sớm với trạm”. Anh Núi chia sẻ về chức năng, nhiệm vụ công tác cũng như cuộc sống sinh hoạt thường ngày của các cán bộ ở trạm.
|
Thiếu tá Vũ Ngọc Núi (bìa trái) - cán bộ Trạm kiểm soát số 2 - chia sẻ về công việc và cuộc sống hằng ngày của các cán bộ chiến sĩ ở chốt |
Theo đó, Trạm kiểm soát Biên phòng số 2 là 1 trong 3 trạm nổi trực thuộc Biên phòng cảng cửa khẩu Phú Mỹ, được giao quản lý địa bàn rộng khoảng 5 cây số vuông từ ngã ba Giồng Ông Tố đến khu vực cảng hàng hải. Khu vực trong phạm vi trạm quản lý có 8 điểm neo trên sông và 2 cặp phao cho các loại tàu hàng neo đậu.
Nhiệm vụ của các trạm kiểm soát trực thuộc Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ là bảo vệ, quản lý chủ quyền an ninh biên giới biển và cửa khẩu cảng; tuần tra, kiểm soát, quản lý người và phương tiện hoạt động trong khu vực cửa khẩu cảng góp phần vào xu hướng hội nhập, phát triển của thành phố. Ngoài ra, các tổ chốt còn có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện việc cứu nạn, cứu hộ trên sông.
“Anh em phần lớn đã trải qua môi trường sông nước và có nhiều kinh nghiệm trong công tác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận được sự quan tâm, thống nhất từ cấp trên cũng như sự đồng lòng của anh em nên cơ bản hoàn thành nhiệm vụ, giữ an ninh chính trị khu vực thời gian qua đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, công tác hằng ngày vẫn đối mặt với một số khó khăn khách quan đến từ địa bàn sông nước. Mặc dù các trạm được trang bị phương tiện và thực hiện bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhưng khi thủy triều lên, địa bàn rộng ít nhiều khiến việc thực hiện nhiệm vụ khó khăn, hạn chế hơn trên bờ” - thiếu tá Núi nói.
Vì việc đi lại bất tiện nên 2-3 ngày, anh em ở trạm mới đi chợ 1 lần. Nước ngọt từ bờ cũng được đưa ra trạm trong những đợt đổi ca.
Nheo mắt nhìn về phía rạch sông cầu Phú Xuân, trung tá Phạm Văn Hoài - nhân viên hàng hải Trạm kiểm soát số 3 - kể, cách đây vài ngày, 5 giờ sáng anh em đi tuần phát hiện 1 sà lan chở container gặp nạn. Dòng nước chảy xiết khiến sà lan không ăn lái, va vào tàu chở dầu, làm các container hàng rơi xuống sông. Anh em đã thông tin với Công an đường thủy và Cảng vụ hàng hải để triển khai công tác cứu hộ song song với phân luồng cho phương tiện đi lại, đảm bảo an ninh trật tự.
Đã 30 năm công tác trong ngành, luân chuyển liên tục qua nhiều đơn vị nhưng trung tá Phạm Văn Hoài vẫn gắn bó với môi trường sông nước. Theo cảm nhận của anh, so với trên bộ thì điều kiện công tác ở môi trường sông nước lúc nào cũng khó khăn hơn, đặc biệt là việc đi lại vào mùa mưa bão, giông gió, rủi ro gấp bội phần. Nhưng không vì hiểm nguy mà anh em lơ là nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát.
Trân trọng và biết ơn sự hy sinh
Đang chuyện trò rôm rả thì toàn trạm rung lắc bởi sóng từ tàu cánh ngầm dội vào. Bà Chung Bích Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN quận 7, Cụm trưởng Cụm thi đua III - chia sẻ, lần đầu tiên đến thăm các trạm biên phòng trên sông, nhiều cán bộ hội ngạc nhiên khi biết TPHCM cũng có lực lượng biên phòng với nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Chia sẻ với đoàn cán bộ hội, trung tá Nguyễn Đức Thắng - Chính trị viên Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ - cho biết, mặc dù Biên phòng TPHCM đã có gần 50 năm hình thành, xây dựng và phát triển, nhưng ít ai hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Theo trung tá Thắng, người dân thường hiểu biên phòng là phòng thủ, bảo vệ biên giới.
Nhưng hiện nay, ý nghĩa của chữ “biên giới” đã mở rộng rất nhiều. Ngoài biên giới biển, thì trong thành phố vẫn có biên giới vì là nơi tàu các nước ra vào. Theo luật quốc tế thì đây là lãnh thổ quốc gia đặc biệt, cần có lực lượng để thể hiện chủ quyền quốc gia, làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát người và các phương tiện ra vào.
|
Đoàn tặng quà, chúc tết cán bộ chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ |
Biên phòng TPHCM có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự trên 2 tuyến. Tuyến biên giới biển gồm Hải đội 2 và 3, Đồn biên phòng Cần Thạnh, Thạnh An và Long Hòa (huyện Cần Giờ). Tuyến cửa khẩu cảng chạy dọc địa bàn quận 1, quận 4, quận 7, TP Thủ Đức và huyện Nhà Bè với 44 cảng lớn nhỏ, 87 cặp phao cho các loại tàu neo đậu làm hàng, trải dài hơn 70km trên sông Sài Gòn với 8 trạm trực thuộc.
Riêng Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ có 3 chốt nổi trên sông và 1 trạm trên bờ. Vì quản lý cảng biển lớn nhất cả nước với gần 65% container qua cảng nên tính chất công việc của Biên phòng TPHCM trên tuyến hành lang cửa khẩu cảng khá phức tạp.
Tham gia chuyến thăm, bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, Hội LHPN TPHCM trân trọng và biết ơn sự hy sinh, gian khổ của bộ đội nói chung và lực lượng biên phòng nói riêng. Cùng cả nước, thời gian qua, Hội LHPN TPHCM vẫn luôn đồng hành cùng cán bộ, chiến sĩ trong hành trình bảo vệ Tổ quốc với các chương trình “Nghĩa tình biên giới”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”…
Mỗi lần đến với vùng biên, Hội LHPN TPHCM đều vận động kinh phí để tặng quà, xây các giếng nước, nhà vệ sinh cộng đồng, nhà tình thương, tặng phương tiện sinh kế để đồng bào cải thiện điều kiện sống, tăng thu nhập. Những hoạt động này sẽ tiếp tục duy trì thực hiện trong tương lai.
Mùa xuân đang cận kề, bà Phương Hoa thay mặt đoàn chúc cán bộ chiến sĩ Biên phòng cửa khẩu cảng Phú Mỹ chuẩn bị đón một mùa xuân ấp áp, nhiều niềm vui, mạnh khỏe, công tác tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thu Lê