Mùa xuân đầu tiên

13/02/2024 - 06:54

PNO - Mùa xuân này, họ xa Sài Gòn, nhưng lại sum vầy bên cạnh người thân yêu. "Mùa bình thường, mùa vui nay đã về"...

Từ năm nay, tôi sẽ không còn được thấy gánh hàng rong quen thuộc mà tôi đã ăn nhiều năm qua. Vì dì Thơm, người chủ quán bé xíu này đã về sum họp cùng con, trong mùa xuân này.

Dì Thơm có gánh bán đồ ăn nhỏ xíu ngồi vỉa hè đường Tôn Đức Thắng. Tôi đã ăn sáng món của dì từ những ngày đầu mới ra trường, tìm được công việc ở đường Nguyễn Thị Minh Khai. Hồi ấy, tôi ở trọ đường Nguyễn Hữu Cảnh. Gần như hàng ngày, tôi đều đi ngang cái gánh bún nhỏ xíu đó của dì Thơm. Một chấm nhỏ xíu giữa đường to, người đông.

Dì bán đổi món mỗi ngày, hôm bún riêu, hôm bún bò, hôm bún cá. Hỏi thăm mới biết quê dì ở Hà Tĩnh. Kết hôn khi tuổi đã lớn, chồng cũng lớn hơn nhiều và khi sinh ra được cô con gái khi đã ngoài 40. Theo như dì Thơm nói, cháu bị chậm trí.

Vợ chồng ban đầu cũng gửi con cho bà con, vì ở quê không có công việc mưu sinh nếu không có đất. Nhưng dần dà thấy không an tâm vì con dì bị chậm phát triển nên chú về quê chăm con. Dì ở lại Sài Gòn tần tảo. Sáng bán đồ ăn sáng, trưa chiều thì nhận làm lao công mấy nhà nhận giúp việc theo giờ.

Mọi chuyện theo dì, có lẽ ổn. Rằng cố một tí thôi, để có tiền lo cho cô con gái, gom tí tiền nữa thôi có thể dẫn con gái lên thành phố chữa bệnh và biết đâu, sẽ khá hơn. Nhưng người tính trước không qua. COVID-19 đến mà không báo trước, chồng dì nhiễm bệnh, sức khoẻ yếu, còn dì không buôn bán được, không về quê được, phải ở phòng trọ dùng xén vào tiền tiết kiệm và sống nhờ vào thực phẩm được hỗ trợ.

Nhưng biến cố chưa dừng ở đó. Sau dịch, tiền tiết kiệm vơi đi nhiều, dì những tưởng chỉ cần cố gắng sẽ qua nhưng chồng dì sức khoẻ yếu dần và đột quỵ. Chồng mất, con khuyết tật trí tuệ, dì nói đó là những ngày tăm tối nhất đời dì. Nhưng rồi, dì phải bước tiếp vì con dì giờ chỉ còn có mẹ. Với số tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người khuyết tật, con gái dì hiện được nhà bà con nuôi dưỡng. Dì sốt ruột nhưng không biết làm sao, đành cố cầm lòng xa con. Cố đến nay được một năm.

Rồi dì Thơm sẽ được ở cùng con gái sau nhiều năm xa cách. Ảnh minh hoạ
Rồi dì Thơm sẽ được ở cùng con gái sau nhiều năm xa cách. Ảnh minh hoạ

"Làm ở đây thì có tiền nhưng con dì bơ vơ", dì nói. Thôi, có được mấy triệu đồng về quê, may dư ra ít vốn xem có buôn bán gì được không, dù sao mẹ con có nhau thì vui hơn. Dì khoe tôi mấy tấm hình cô bé ấy mặc áo mới mà dì mới gửi tiền nhờ mua.

Câu chuyện không mấy gì vui vào những ngày cuối năm, nhưng ánh lên trong mắt dì là một niềm vui sắp được sum họp cùng đứa con gái bé bỏng. Rồi sẽ chấm hết những ngày xa nhau, những ngày nhớ con mà chỉ nhẹ nước mắt để đổi lấy hi vọng.

Tôi không có gì hơn ngoài ít tiền lì xì bé và chúc dì nhiều sức khỏe, mọi sự suôn sẻ để mẹ con sum vầy.

Vẫn có những người chọn về quê không phải vì khó khăn. Cậu em họ tôi năm nay cũng về quê ở. Cậu bảo đã chán Sài Gòn. Dù rằng ở đây nó có công việc không đến nỗi, có bạn bè, nhưng không có gì để lưu luyến. Ở thành phố mà tuần nào cậu cũng về quê, vì ba bệnh, một mình mẹ phải chăm lo. 

Cậu còn bảo: "Còn bao nhiêu thời gian được ở bên người nhà đâu chị. Ba em bệnh rề rề, mẹ em chăm một mình cũng cực, rồi không ai chăm sóc vườn tược. Mỗi lần mẹ đưa ba đi bệnh viện lại giấu em vì sợ em lo".

Khác với dì Thơm về quê với nỗi lo trên vai, em trai tôi về với ba mẹ không vì trend “bỏ phố về rừng”, cũng không phải vì cuộc sống nơi đô thị quá khắc nghiệt, mà như em nói tết là lúc để trở về, về nơi mà em thấy mình thuộc về, nơi có tình thương, có người thân, có mọi thứ em cần.

Và mùa xuân xinh đẹp hơn bao giờ hết. Qua chúc tết nhà cô chú mới thấy có con trai ở nhà khác hẳn. Chú dù bệnh nhưng vẫn tươi vui, cô thì miệng lúc nào cũng cười cười nói nói, còn khoe: "Nó về sửa được cái bóng đèn nên nhà mới sáng choang thế này, rồi cả lau mạng nhện trên trần nhà, chứ nhà này đâu ai cao bằng nó".

Mùa xuân đẹp hơn khi sum vầy và mùa xuân này lại là mùa xuân đầu tiên của họ.

Ngọc Hà (Q.8)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI