Mùa xuân của bác sĩ "cựu F0" từng viết di thư cho mẹ

02/02/2022 - 06:52

PNO - Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, bác sĩ Diệu Vy bị nhiễm bệnh tưởng chừng không thể qua khỏi, chị còn viết di thư cho gia đình.

Sáng sớm, nhấp chén trà nóng trong không khí của mùa xuân, bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Vy - Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện điều trị COVID-19 Trưng Vương cười thật hiền, chị hít một hơi thật sâu để cảm nhận sự yên lành. Đây mới là mùi tết, mùi của bình yên, nhẹ nhàng khi được ngắm nhìn dòng người nhộn nhịp ngoài kia.

Bác sĩ Vy nói, thật ra, giữa tháng 8/2021, mùa xuân của các bác sĩ tại đây đã dần chớm nở, đó là thời khắc số ca chuyển nặng, tử vong tại khoa giảm dần. Từng bệnh nhân hồi sinh ngoạn mục, như những cánh mai nở rộ nơi đây. “Khoảnh khắc ấy với chúng tôi rất ý nghĩa, còn hơn những cái tết trước kia cộng lại. Mừng, rất mừng, cũng rất đặc biệt”, bác sĩ Vy hạnh phúc.

Giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19. Bệnh nhân tại đây không chỉ có người lớn, thai phụ mà còn trẻ em, người cao tuổi,... chuyển biến nặng
Giai đoạn đỉnh điểm của dịch COVID-19, Bệnh viện Trưng Vương được chuyển đổi công năng để điều trị COVID-19. Bệnh nhân tại đây không chỉ có người lớn, thai phụ mà còn trẻ em, người cao tuổi... 

Những chuyện đã qua để lại trong ký ức bác sĩ Vy như các vệt màu không thể nào quên. Khi Bệnh viện Trưng Vương chuyển đổi công năng điều trị COVID-19, nhận được lệnh điều động, bác sĩ Vy rối bời, mọi người chỉ có ba ngày để “ra trận”. Trong ba ngày đó, vừa phải chuyển bệnh nhân mắc bệnh thông thường đến nơi khác điều trị, vừa ngổn ngang với suy nghĩ mẹ già chưa biết nhờ ai chăm sóc.

“Thấy tôi khó xử, mẹ nói với tôi con ở nhà thì chỉ chăm sóc cho mẹ, nhưng con là bác sĩ nếu con thì đi sẽ cứu được nhiều người hơn, mẹ sẽ ổn thôi, đừng lo gì cả. Sợ mình chùn bước, tôi gọi điện thoại nhờ người bà con đến ở cùng mẹ, rồi soạn đồ đi”, chị Vy nói.

Giai đoạn khốc liệt, trước “kẻ thù vô hình”, với quyết tâm tìm cho được phương án điều trị, hơn một tháng liền, bác sĩ Diệu Vy cùng đồng nghiệp lao vào trận chiến. Một lần, trong lúc giằng co, giành giật sự sống cho cụ ông F0 đột nhiên suy hô hấp, ngưng tim, ông cụ có sinh hiệu trở lại, bác sĩ Vy cũng phát hiện đồ bảo hộ của mình chẳng may bị hở.

Vài ngày sau, tan ca trực, chị cảm thấy đôi chân lạnh run, yếu đi. Tối đó, kết quả dương tính, rồi các triệu chứng rầm rộ, chị nhập viện, mức độ 3, thở máy.

Đã có lúc tưởng chừng như phải đầu hàng, bác sĩ Vy từng viết lại đôi dòng cho người thân, chuẩn bị tình huống xấu nhất cho mình, nhưng hình ảnh của mẹ luôn thôi thúc chị phải chiến đấu.

“Nằm trên giường bệnh, tôi thật sự không cam tâm, mẹ tôi đã hy sinh ở lại một mình, bệnh nhân chưa qua nguy hiểm, đồng nghiệp gồng gánh phần việc của tôi, tôi bắt buộc mình phải thở, cố gắng thở, cố gắng nhớ, diễn tả các triệu chứng của mình và cùng đồng nghiệp hội chẩn, lên phác đồ điều trị”, bác sĩ Vy nhớ lại.

Với bác sĩ Diệu Vy, mỗi bệnh nhân khỏi bệnh là một mùa xuân
Với bác sĩ Diệu Vy, mỗi bệnh nhân vượt qua cửa tử đã là một mùa xuân

“Chính mình... trải nghiệm là F0 tôi mới nhận ra đây là một sự tranh đấu dữ dội không chỉ bằng y khoa mà còn bằng ý chí của chính bệnh nhân. Hơn bao giờ hết khi đến đỉnh điểm của sự chịu đựng, đồng nghiệp hết lòng chăm sóc, phác đồ, thuốc thang thì nghị lực của người bệnh cũng là yếu tố quyết định để chiến thắng. Bởi chỉ cần cố thêm chút nữa, vài ngày thôi, cơn bão COVID-19 này sẽ qua đi, tiếp theo đó là sự hồi phục rất ngoạn mục”, bác sĩ Vy nói.

Ý chí, nghị lực và sự tiếp lửa không ngừng của lãnh đạo, đồng nghiệp hơn 10 ngày liên tục đã giúp chị Vy trụ vững, dần lấy lại sức. Ngày 21/7/2021, chị khỏi bệnh. 

Bằng chính trải nghiệm của mình, bác sĩ Vy cùng đồng nghiệp vỡ òa khi đầu tháng 8/2021, mọi người tìm ra phương án điều trị. Cứ như thế, mỗi bệnh nhân vượt qua hiểm nghèo tiếp thêm tia hy vọng cho từng người “gác cửa”.

“Lúc đó, tôi thấy mùa xuân về, mùa xuân của tôi là từng nụ cười hạnh phúc khi người bệnh xuất viện, số người xuất viện ngày một nhiều. Bây giờ tôi cũng được trở về với mẹ, được trong vòng tay mẹ, ăn món ăn mẹ nấu, nhìn mẹ ngủ giấc sâu, tết của tôi chỉ cần như vậy là đủ”, chị Vy hạnh phúc.

Bức tranh chống dịch của bác sĩ Vy và đồng nghiệp đang dần được tô thêm màu tươi mới, đầy sức sống, tràn hy vọng chiến thắng dịch bệnh. Tin chắc rằng người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung vẫn cổ vũ cho các chiến sĩ áo trắng bằng sự tự giác tuân thủ quy tắc 5K trong phòng chống dịch. Để không chỉ mùa xuân năm nay mà tất cả chúng ta còn có thêm nhiều cái tết sum vầy, an vui và hạnh phúc bên người thương yêu nhất của mình.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI