“Mùa xin sách” cho học trò của giáo viên vùng cao

18/08/2023 - 06:32

PNO - Với nhiều giáo viên vùng cao, mùa hè còn là “mùa xin sách” để làm hành trang vào năm học mới cho học trò của mình. Chỉ cần nhận tin nhắn “có sách rồi” là cô giáo chạy xe mười mấy cây số giữa bóng tối đường rừng, thầy giáo vội gác bữa cơm bên gia đình để chạy ngược đường núi...

Thâm niên… đi xin sách

Giữa tháng Tám, chiếc xe khách xuyên qua ánh chiều tà cập bến xe thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Đã là mùa xin sách thứ bảy nhưng cô giáo Đào Thị Thu Thủy vẫn háo hức như những ngày đầu tiên. Nhà cô Thủy cách bến xe thị trấn gần 1km. Như thường lệ, hàng xóm lại í ới gọi nhau ra bến xe chở sách về nhà cho cô giáo. Hôm đó, có 2 túi ba lô, 2 túi quần áo đồng phục, 500 cây bút bi, 230 quyển vở chuyển lên từ Hà Nội; “vui nhất là có 11 túi sách giáo khoa (SGK) cũ” - cô Thủy hồ hởi khoe.

Cô giáo Đào Thị Thu Thủy trong 1 chuyến đi xin sách giáo khoa cũ - Ảnh: Đ.T.
Cô giáo Đào Thị Thu Thủy trong 1 chuyến đi xin sách giáo khoa cũ - Ảnh: Đ.T.

7 năm nay, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cô Thủy trở thành nơi tập kết, phân loại SGK, đồ dùng học tập, quần áo cũ. Nhận tin nhắn báo đã xin được SGK từ cô Thủy, một cô giáo của Trường tiểu học Phúc Khoa (huyện Tân Uyên) bỏ cả bữa tối, chạy xe mười mấy cây số giữa bóng tối đường rừng để xuống nhà cô Thủy. Một thầy giáo, là hiệu trưởng một trường tiểu học trong huyện Tân Uyên đang tiếp khách, cũng vội vàng xin lỗi khách, dắt xe máy chạy xuống thị trấn để “đi lấy SGK kẻo hết”… Các thầy, cô đến, ai phụ trách khối nào sẽ lựa SGK cũ của khối đó, nhận thêm vở, đồ dùng. Buộc túi lớn phía sau xe máy, thầy cô vội vàng chào cô Thủy và gia đình để đưa sách ngược đường núi.

Nhiều năm là giáo viên dạy môn giáo dục thể chất của Trường tiểu học Phúc Khoa, chứng kiến thiếu thốn mọi bề của học trò, cô Thủy đã đi xin sách cũ, đồ dùng học tập, quần áo cũ… cho các em của trường cũng như các trường trong huyện Tân Uyên.

Cô cho biết: “Những xã đặc biệt khó khăn mới được cấp kinh phí mua SGK. Nhưng kinh phí cũng không được duy trì hằng năm. Theo quy định, mỗi năm được hao phí 10% nhưng SGK mới rất dễ bong, rách nên sau 1 năm sử dụng, lượng sách “hao phí” lên đến 30%, sau 2-3 năm thì hư hỏng đến 40 - 50%. Chưa kể lượng học sinh tăng. Rồi những xã không thuộc vùng khó, học sinh phải tự túc hết sách vở, nhà nào có 3-4 đứa đi học là căng thẳng lắm”.

Cô Thủy cho biết những năm trước, việc xin SGK cũ thuận lợi hơn. Từ khi học chương trình 2018, SGK mới, việc đi xin sách càng khó, vì SGK cũ của các trường, các địa phương không giống nhau, sách xin được có khi lại không đủ bộ. Cô Thủy rà danh sách: “Hiện đã đủ SGK lớp Mười hai cho trường dân tộc nội trú; SGK lớp Sáu, Bảy của Trường THCS Nậm Cần, Trường THCS Hoàng Liên; SGK lớp Một, Hai, Ba, Năm cho điểm trường Hồ Bon - Nậm Bon (Trường tiểu học Phúc Khoa), điểm trường Hồ Be (Trường tiểu học số 2 thị trấn Tân Uyên). Năm nay, xin SGK cũ khó khăn nên danh sách các trường đã đăng ký mà vẫn chưa có SGK để nhận vẫn còn dài lắm”.

Chung tay gỡ khó

Ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Ủ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), cô Trần Thị Hằng cùng các giáo viên cũng phải tận dụng nhiều kênh để xin SGK cũ, xin bộ Kết nối tri thức với cuộc sống cho học sinh 2 khối Sáu, Bảy.

Học sinh Trường tiểu học Phúc Khoa nhận sách giáo khoa được gửi về từ khắp mọi miền - Ảnh: M.T.
Học sinh Trường tiểu học Phúc Khoa nhận sách giáo khoa được gửi về từ khắp mọi miền - Ảnh: M.T.

Khi thực hiện chương trình 2018, trường đã mua đủ sách cho học sinh mượn. Kết thúc năm học, trường thu sách lại để lớp sau sử dụng nhưng sách hoặc là cũ, mất, hoặc là thiếu; dùng cho năm sau nữa thì lại càng thiếu nữa, mất nữa. Các cô còn xin cả dép, thuốc tẩy giun, áo mưa cho học trò. 

Từ Sơn La, cô Hoàng Thị Nhinh giãi bày: “Những xã đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chính sách hỗ trợ chi phí học tập để mua sách vở, đồ dùng… nhưng phải đến cuối học kỳ I các em mới được nhận. Chúng tôi thường phải bỏ tiền túi, ứng trước để mua cho các em. Chưa kể có những gia đình nghèo đến độ không mua nổi SGK cho con; lại có năm không đủ sách để mua”. Ở miền núi, thầy cô còn phải đến từng nhà vận động quanh năm thì các em mới đến trường, nên trông đợi phụ huynh đi mua SGK cho con là điều quá khó. Cô Nhinh, cô Hằng… nói có rất nhiều vấn đề thực tiễn mà chỉ giáo viên vùng khó mới hiểu được.  

Những trăn trở, khó khăn trong chuẩn bị hành trang cho năm học mới của học trò ấy đã lan tỏa đến nhiều cá nhân, nhóm thiện nguyện. Cô giáo Thu Trang (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) tình nguyện làm đầu mối trao đổi. Cô đứng ra gom SGK cũ các bộ sách khác để bán lại cho những phụ huynh cần. Tiền bán những bộ SGK cũ đó, cô dùng để mua SGK bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và gửi lên Pa Ủ. 

Những yêu thương, san sẻ bằng hành động của cô Đào Thị Thu Thủy đã là động lực để cô giáo Nguyệt Nga (Trường THPT Quang Hà, huyện Bình Xuyên tỉnh Vĩnh Phúc) thành lập câu lạc bộ thiện nguyện, tập hợp giáo viên và học sinh của trường - những người có cùng nguyện vọng chung tay giúp đỡ vùng cao. 5 năm nay, cô Nga cùng giáo viên, học sinh của trường đã đều đặn - mùa hè SGK cũ, mùa đông xin áo ấm để gửi lên cho cô Thủy.

Ở Hà Nội, nhà văn Nguyễn Bích Lan đã thông báo xin SGK cũ giúp các cô Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Pa Ủ. Ngay sau đó, chị và một số người bạn đã gửi lên Pa Ủ 6 kiện gồm SGK mới, 500 bút bi và 500 vở mới. Cũng ở Hà Nội, chị Vũ Thị Hằng là 1 điểm kết nối gom SGK cũ để gửi cô Thủy ở Lai Châu. Chị Hằng xúc động: “Rất nhiều anh chị, các câu lạc bộ khắp mọi miền đã gửi sách về cho tôi. Năm nay, tôi có chị Thực Hương hỗ trợ rất nhiều trong việc lọc sách, giặt ba lô. Có các anh em của 1 doanh nghiệp giúp tôi chuyển 11 túi SGK, 2 túi ba lô, 2 túi quần áo đồng phục, 500 cây bút bi, 230 quyển vở ra bến xe. Rồi các bác bảo vệ và cư dân chung cư - nơi tôi ở đã giúp tôi nhận các đầu SGK cũ từ khắp mọi miền đất nước gửi về”.

 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI