Mùa… xin điểm

11/05/2022 - 06:33

PNO - Với những ai từng làm công tác chủ nhiệm thì có lẽ sẽ không lấy gì làm lạ nếu những ngày gần cuối năm học, bất chợt phụ huynh học trò liên hệ nói khéo để xin điểm cho con em.

Hoa phượng dần nở trên những ngả đường và các sân trường, báo hiệu một mùa hè đang đến rất gần. Theo kế hoạch của ngành giáo dục, các trường phổ thông sẽ kết thúc năm học vào giữa tháng Năm tới đây. Học sinh háo hức mùa hè, mùa nghỉ sau một năm dài miệt mài sách vở. Nhưng giáo viên chúng tôi thì đến hẹn lại lên, lại nhọc nhằn, lại ngán ngẩm với mùa… xin điểm.

Chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, kết thúc năm học, việc xin điểm thường diễn ra trong môi trường giáo dục
Chuẩn bị kết thúc học kỳ 1, kết thúc năm học, việc xin điểm thường diễn ra trong môi trường giáo dục

Với những ai từng làm công tác chủ nhiệm thì có lẽ sẽ không lấy gì làm lạ nếu những ngày gần cuối năm học, bất chợt phụ huynh học trò liên hệ nói khéo để xin điểm cho con em. “Học kỳ một cháu nó hơi ham chơi, học kỳ hai này mong thầy cô giúp đỡ cháu, chứ cháu nó ngoan lắm, chăm chỉ học lắm”.

Những tin nhắn thắm thiết, những cuộc gọi ân cần, thậm chí là những lần đến tận trường, tận lớp nhưng không báo trước chỉ để “thăm hỏi” giáo viên chủ nhiệm mùa cuối năm trong thế đã rồi. Khó xử, nhưng rồi cũng phải xử lý công việc cho êm xui. 

Nhưng mùa cuối năm như thế vẫn chưa phải là cảm giác khó xử nhất. Áp lực của mùa cuối năm đến từ chính lãnh đạo nhà trường. Trong các buổi họp hội đồng sư phạm cuối tháng, họp tổ chuyên môn mỗi tuần, ban giám hiệu và tổ trưởng chuyên môn đã nhiều lần nhấn mạnh đến chỉ tiêu học lực của học sinh với các giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn. Lãnh đạo đều nhắc nhở quý thầy cô lưu ý các trường hợp chưa tốt ở học kỳ một để “có biện pháp giúp đỡ các em” trong học kỳ hai.

Thành ra, nhiều khi chẳng cần phụ huynh lên tiếng, khi vừa có kết quả in bảng điểm của lớp từ bộ phận hành chính đào tạo, giáo viên chủ nhiệm đã phải muối mặt đi xin điểm của các giáo viên bộ môn. “Em này điểm tổng trung bình cao, do thiếu 0,1 điểm của môn này mà bị khống chế, học lực không thể xếp loại giỏi, thầy cô xem xét giúp em đó, cũng là giúp lớp mình nhé”.

Đó là những câu thoại quen thuộc mỗi mùa xét duyệt cuối năm, giáo viên chủ nhiệm phải thoại cho hay cho nhuần nhuyễn, nếu không muốn thành tích lớp mình bị ban giám hiệu nhắc nhở trong buổi họp hội đồng sư phạm xét duyệt. Việc gì lần đầu cũng có lần hai. Lần hai rồi thì nhiều lần sau đó, làm mãi thành quen. Lâu dần đôi khi chai sạn cảm xúc, không biết mình làm đúng làm sai thế nào, thiên hạ làm sao, mình làm vậy.

“Có qua có lại”, người này xin môn kia, người kia xin môn nọ. Đây là lúc tình đồng nghiệp càng thêm gắn bó, tất cả vì thành tích chung của tập thể nhà trường. Nghe thôi, cũng thấy “cảm động” biết nhường nào. Song, cũng có những thầy cô mong muốn giữ chút công bằng học tập, xin mãi chẳng cho lấy một điểm. Nhờ thầy này, cô kia “vận động” cũng không có tác dụng. Ban giám hiệu lên tiếng cũng không mảy may đổi sửa, điểm cứ sao để vậy. Sau một thời gian, thầy cô ấy được xem là khó tính. Mà người khó tính, thì hẳn là không thể hòa đồng như bao người dễ tính. Con đường đến trường cứ lẻ loi đơn độc…  

Chấn Hưng (một giáo viên tại TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI