Mùa vui

18/08/2013 - 07:52

PNO - PNCN - Chúng ta đang sống trong những ngày của mùa Vu lan, mà rằm tháng Bảy được coi là ngày xá tội vong nhân hay là lễ báo hiếu. Cố nhiên, đã báo hiếu đấng sinh thành thì không phải đợi đến ngày nào, mà mỗi ngày là một ngày báo...

Dù vậy, theo nghi lễ truyền thống, rằm tháng Bảy, mọi người lại đến chùa cúng Phật, sau đó cúng gia tiên (trong nhà) và cúng cô hồn (ngoài sân). Người Việt quan niệm, mục đích của việc cúng này là để an ủi những linh hồn không nơi nương tựa và cầu mong những hương hồn phù hộ cho người còn sống.

Dù có nhiều ý nghĩa như vậy, nhưng nói đến mùa Vu lan thì mọi người thường nghĩ đến mùa báo hiếu. Như những dòng sông đang cuộn chảy chợt tụ về một dòng trong xanh bình lặng. Như những mũi tên thời gian đang lao vút chợt biến thành những cành hoa thả cắm xuống mặt đất. Như những bụi bặm trên người được khỏa nước sông quê và uống những ngụm trong lành vào bụng.

Mùa Vu lan, trước hết là mùa của những nhịp khoan thai chậm rãi và thanh sạch. Mùa sạch. Mùa dọn dẹp lòng mình để khấn niệm cầu an cho mẹ cha.

Tôi không biết từ khi nào người Việt có nếp quen ăn chay vào mùa Vu lan, nhưng ngày càng có nhiều người ăn chay vào những ngày tháng Bảy. Cho dù họ không phải là phật tử, cho dù ngày thường do điều kiện sống và công việc, họ không chọn ăn chay như một nhu cầu ẩm thực. Thế nhưng, trong mùa Vu lan báo hiếu, rất nhiều người đã thu xếp cho mình những ngày ăn chay kéo dài. Vì sao? Vì một điều đơn giản là họ đang hành thiện, không tham gia sát sinh để làm nhẹ thể xác và cõi hồn mình. Nhưng ăn chay trong mùa Vu lan không chỉ là để tiết chế cho riêng bản thân mình mà còn hướng đến mạch nguồn. Cho nên đây là mùa sạch mà cũng là mùa vui là vậy.

Mua vui

Vui lắm. Trên những dòng người tấp nập ngược xuôi, trong mùa Vu lan này, nếu để ý bạn sẽ thấy những nhóm sinh viên thiện nguyện đang đạp xe đến các bệnh viện để phân phát những suất cơm chay cho bệnh nhân nghèo. Trong các sân chùa, có rất đông những bạn trẻ là phật tử và sinh viên cũng đang nấu những bữa cơm chay từ thiện. Và, bất kỳ ai là khách lỡ đường, cần một bữa cơm chay no bụng, cần một bát nước chè xanh, hay cần một đêm trú mưa… thì xin cứ ghé vào những mái chùa ấm cúng và rộn vang tiếng cười đó.

Ở đây không nói về ý nghĩa của việc ăn chay nữa, bởi tôi nghĩ những ai từng hay chưa từng ăn chay cũng đã hiểu vì sao sẽ ăn chay. Trong thế giới hôm nay, ăn chay không phải là… sự khác biệt, mà đó là điều giản dị bình thường. Mặc dù, cũng có những người ăn chay lại kiêu mạn cho rằng mình làm được điều mà kẻ “tầm thường” không làm được.

Ngược lại, người không ăn chay lại cười cợt rằng việc gì phải ép xác trong khi thế gian có biết bao sơn hào hải vị để thưởng thức. Và dù dân gian có câu “Ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối” nhưng ai cũng có một cuộc đời và ai cũng có quyền lựa chọn cách sống. Với riêng tôi, ăn chay, không chỉ là ăn như một hành động cơ học mà chủ yếu là hành vi vận hành tâm thức. Người ăn chay như đang nuốt những “mùa sạch mùa vui” vào trong cơ thể và trong giây phút quán tưởng đã khấn niệm, cầu mong những điều an lạc may mắn cho mọi người.

Nhớ mùa Vu lan năm ngoái, tôi không ở Sài Gòn mà có những ngày lang thang Quy Nhơn-Quảng Ngãi. Nhớ một bữa leo lên chùa Ông Núi, tức Linh Phong Thiền Tự (xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) tôi tình cờ gặp một cô gái trẻ. Trong bữa cơm chay dưới mái hiên chùa, cô gái trẻ cho tôi biết mình đang là du học sinh ở Nhật. Quê cô ở Quy Nhơn, cha mẹ cô đều là giáo viên, nay cả cha và mẹ đã già không thể leo lên chùa Ông Núi. Nhưng mùa Vu lan nào cô gái cũng về đây để leo núi thay cha mẹ, để cùng các sư thầy lo những bữa cơm chay cho khách thập phương. Cô gái trẻ nói điều mà tôi nhớ mãi: “Mỗi sớm mai leo lên chùa, em tưởng tượng đang cõng trên lưng mình cha mẹ già. Nhờ thế mà chân em bước khỏe hơn”.

Cũng mùa Vu lan năm ngoái, tôi về quê, tự tay hái trong vườn nhà nấu một nồi rau tập tàng. Một nồi cơm trắng, một bát canh rau. Chỉ vậy thôi mà cả nhà vui vẻ. Mùa Vu lan năm nay, tôi không về quê được. Những ngày mưa, chợt nhớ nồi canh rau tập tàng và thấy hiển hiện bóng dáng mẹ cha dưới bóng cây vườn nhà.

Trần Nhã Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI