Mùa Vu lan, ngẫm về 'Bông hồng cài áo'

10/08/2019 - 10:30

PNO - Những đứa con dù đã lớn khôn, đã trưởng thành, vẫn cứ ngơ ngác như trẻ thơ khi không còn mẹ.

Lóng ngóng chia nhau thỏi sô-cô-la mẹ mua để dành sẵn, để rồi một lần nữa nghẹn ngào nhận ra, mẹ đã đi xa, xa lắm… Tình thương của mẹ chỉ còn là khoảng trống mênh mông, là nỗi nhớ, nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi…

Lớp diễn khiến người xem nghẹn ngào, thổn thức - một dấu ấn rất riêng của Bông hồng cài áo (tác giả: Hoàng Khâm, chuyển thể thoại kịch: NSND Kim Cương), dưới cảm xúc, góc nhìn và cách kể của đạo diễn Ái Như. Vốn nổi tiếng với cách xử lý chi tiết tinh tế, mang đậm dấu ấn cá nhân khi dàn dựng những tác phẩm về tình mẫu tử, thông tin đạo diễn Ái Như sẽ tái dựng Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh khiến khán giả háo hức. Đêm ra mắt vở diễn, khán phòng chật kín. Bản dựng mới, sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày công diễn lần đầu, một lần nữa lại khiến người xem, dù đã thuộc lòng nội dung câu chuyện, vẫn cứ vỡ òa cảm xúc.

Mua Vu lan, ngam ve 'Bong hong cai ao'
Bông hồng cài áo là món quà đặc biệt của sân khấu Hoàng Thái Thanh dành cho khán giả mùa Vu lan năm nay

Tình mẫu tử là câu chuyện muôn thuở và luôn là đề tài dễ chạm vào cảm xúc khán giả, nhưng với người nổi tiếng kỹ lưỡng, khó tính như đạo diễn Ái Như, bản dựng mới cho thấy chị không chỉ dựa vào thế mạnh đó của kịch bản. Mang vở diễn được xem là tác phẩm kinh điển của kịch Sài Gòn trở lại sân khấu sau hơn 40 năm, chị đã phả vào đó hơi thở của cuộc sống hôm nay. Bông hồng cài áo trên sân khấu Hoàng Thái Thanh không chỉ có nỗi niềm của người mẹ yêu thương con vô bờ bến mà còn cả nỗi khắc khoải của những đứa con trong dòng chảy chung của xã hội, khi những giá trị vật chất đang trở nên vô cùng quan trọng với một bộ phận giới trẻ, đặt họ vào sự chông chênh giữa vật chất và tình cảm gia đình.

Hiếu, Thảo không hẳn là những đứa con bất hiếu, vô tâm. Chính những ánh mắt khinh rẻ của người đời dành cho những người thuộc tầng lớp “dưới đáy” xã hội đã khiến họ luôn khát khao có cơ hội đổi đời. Và khi cái cơ hội ấy đột ngột từ trên trời rơi xuống, họ không còn đủ tỉnh táo để suy nghĩ, chọn lựa thiệt hơn. Họ nghĩ đơn giản: sự giàu sang sẽ giúp họ chăm sóc mẹ tốt hơn, sẽ kéo được bà mẹ nghèo khỏi ngôi nhà ở nhờ cũ kỹ và gánh tàu hũ làm mẹ oằn vai mỗi ngày.

Nhưng khi đã có tất cả, Hiếu, Thảo vẫn không tìm được hạnh phúc và càng chông chênh với lựa chọn của mình. Câu hỏi thảng thốt trong tiếng khóc tức tưởi: “Tôi biết phải làm sao bây giờ?” của Thảo khi đang sống trong nhung lụa, giàu sang, như tiếng lòng của không ít đứa con xa nhà, bận bịu mưu sinh, làm giàu mà quên ánh mắt trông chờ của mẹ già ở quê.

Có lẽ không ít người xem tác phẩm đã chợt nhận ra những cảm xúc, suy nghĩ của mình, của người thân, bạn bè… qua hình ảnh, tâm trạng của Hiếu, Thảo. Vật lộn với cuộc mưu sinh, với những nhu cầu vật chất, họ mang theo cả ước mơ: có đủ điều kiện kinh tế để phụng dưỡng, báo hiếu cha mẹ. Hạnh phúc của những đứa con đi làm ăn xa là xây được cho cha mẹ ngôi nhà mới, mua được những món ăn, sản vật đắt tiền làm quà cho cha mẹ, hay là những khoản tiền gửi về để cha mẹ tiêu xài, mua sắm tùy thích. Dù đã trở thành cha mẹ, có bao nhiêu ông bố, bà mẹ trẻ hiểu rằng, cha mẹ ở quê chỉ thèm khát tình cảm của những đứa con?

Khi không có các con bên cạnh, những lúc nhớ con, bà Tư trong Bông hồng cài áo chỉ biết lần giở, sắp xếp những vật dụng của các con - từ con búp bê nhựa cũ đã gãy rời một tay của Thảo đến tất cả giấy tờ, hình ảnh, hồ sơ xin việc của Hiếu… Dường như tâm trạng đó không phải của riêng bà Tư mà của mọi bà mẹ đang ngày đêm mong ngóng bóng dáng con. “Mẹ già như chuối chín cây”, đừng để  “gió lay mẹ rụng” mới giật mình nhận ra, mẹ đã bao tháng ngày chỉ được sống với kỷ vật, để nguôi ngoai nỗi nhớ mong con.

Câu chuyện kịch không mới, không có quá nhiều cao trào hay nút thắt, đã được đạo diễn Ái Như chọn cách kể nhẹ nhàng, nhưng khai thác sâu từng chi tiết - từ phục trang, cảnh trí đến diễn xuất, cảm xúc của diễn viên… Cái gác-măng-giê cũ kỹ, chai thủy tinh đựng nước có cái nắp làm bằng giấy cuốn tròn, bộ trang phục hippie, đôi xăng-đan cao gót, mái tóc uốn phồng, lời thoại mộc mạc, ca khúc Lời mẹ ru… tất cả được kết nối để thành bản tổng phổ tuyệt vời, đưa khán giả trở lại Sài Gòn những năm 1970 và dẫn dắt họ đi qua những cung bậc cảm xúc khác biệt. Vở diễn càng có nhiều ý nghĩa hơn khi được chọn là vở ra mắt mùa Vu lan báo hiếu năm nay.

Bông hồng cài áo có sự tham gia của các diễn viên: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Xuân Hương, Bích Ngọc, Hoàng Vân Anh, Võ Tấn Phát, Phương Trâm… Suất diễn tiếp theo lúc 16g ngày 11/8, tại Nhà Thiếu nhi quận 10 - 139 Bắc Hải, Q.10, TP.HCM. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI