Mua vịt lậu, nguy cơ nhiễm độc nhựa thông

03/06/2016 - 07:19

PNO - Từ 1/7 tới đây, nếu dùng nhựa thông nhổ lông vịt sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự, việc tăng mức phạt này nhắm đến những lò mổ gia cầm lậu.

Trước đây, tại TP.HCM đã có nhiều vụ phát giác các lò giết mổ gia cầm sử dụng nhựa thông để làm lông vịt. Chủ những lò mổ lậu đa phần từ các địa phương khác đến thuê đất tại những khu vực dân cư thưa thớt ở ngoại thành như Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh, Q.12. Gia cầm sau khi được giết mổ, làm sạch sẽ phân phối cho tiểu thương các chợ lẻ. Trước đoàn kiểm tra, nhiều chủ lò mổ không chứng minh được nguồn gốc gà, vịt. Họ chỉ biết thu mua từ các tỉnh, hoàn toàn không nắm thông tin dịch bệnh của gia cầm.

Những lò mổ này hoạt động trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, trang thiết bị tạm bợ, tự chế. Tại hiện trường, các đoàn kiểm tra phát hiện những xoong, chậu, thùng phuy lớn nấu hỗn hợp nhựa thông và sáp thành một dung dịch đen kịt, đặc sánh và có mùi hắc.

Mua vit lau, nguy co nhiem doc nhua thong
Vịt được nhúng vào những xoong nhựa thông đen kịt, đặc sánh, mùi hắc để có thể vặt lông nhanh chóng

Vịt sau khi cắt tiết được nhúng vào dung dịch này, khi lớp nhựa đã dính vào lông, người ta chỉ cần nhấc vịt khỏi xoong là có thể sạch lông tới 90%, kể cả loại lông tơ vốn rất mất thời gian làm sạch theo cách thông thường. Nếu lớp keo trong xoong nguội, đông cứng lại, chỉ cần nấu chảy là có thể tái sử dụng. Một con vịt làm sạch bằng nhựa thông chỉ mất chừng năm phút, trong khi sử dụng nước nóng, vặt tay theo cách thông thường, thời gian lâu gấp ba. Chính vì thế, nhiều lò giết mổ gia cầm sử dụng cách này.

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Phụ Nữ, vịt tại những lò mổ lậu thường được phân phối cho tiểu thương các chợ nhỏ, đặc biệt tại các chợ tự phát. Không ít người tiêu dùng chuộng mua vịt làm sẵn tại những điểm bán như vậy vì nghĩ rằng vịt tươi, thịt còn “nóng”.

Hợp chất dùng để nhổ lông vịt mà các chủ lò lậu sử dụng là nhựa thông và sáp, đây đều là những chất cấm sử dụng trong danh mục các chất Bộ Y tế không cho phép đưa vào chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Trong nhựa thông có đến 70% là chất colofan, chủ yếu dùng trong công nghiệp như giấy, xà bông hay làm keo trong và trong công nghiệp chế tạo vi mạch điện tử hoặc chất đốt. Đây là chất độc hại, gây bệnh cho người dùng. Loại sáp được nấu cùng nhựa thông có thành phần chính là paraffin, là chất phụ gia thực phẩm, dùng để tăng độ bóng trong sản xuất một số loại kẹo, có loại có thể ăn, nhưng không tiêu hóa được.

Mua vit lau, nguy co nhiem doc nhua thong

Theo một số chuyên gia về thực phẩm, nhổ lông gia cầm theo cách này có thể khiến lớp dầu trong nhựa thông thấm vào da, thịt của gia cầm, người ăn vào có thể bị kích thích da và các màng nhầy, dẫn đến các vấn đề về hô hấp, nếu hấp thụ lượng nhiều có thể gây suy nhược hệ thần kinh. Với sáp paraffin, dù là phụ gia thực phẩm nhưng khi trộn với nhựa thông để nhúng gia cầm, dầu và các loại tạp chất sẽ gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người nuốt phải.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) khẳng định, theo quy định, không cho phép sử dụng nhựa thông trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Cơ quan này yêu cầu các sở NNPTNT tăng cường thanh, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm đối với cơ sở chế biến mỡ động vật. Trường hợp phát hiện, cơ sở vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định và truy cứu hình sự theo điều 190, 191 và 317 Bộ luật Hình sự có hiệu lực ngày 1/7/2016.

Hiện rất khó để nhận biết thịt gia cầm được làm sạch “siêu tốc” bằng nhựa thông được bày bán tại các chợ. Để tránh mua phải gà vịt giết mổ bằng hình thức độc hại này, người tiêu dùng nên hạn chế mua những sản phẩm trôi nổi, không có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Gà, vịt mua về cần rửa sạch trước khi chế biến…

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI