Mùa vất vả kiếm tiền của mẹ

16/02/2021 - 13:14

PNO - Từ lúc sinh tôi ra, đến nay đã 33 năm, tôi chưa từng thấy mẹ có cái tết đúng nghĩa. Thay vào đó, tết nào bà cũng kiếm tiền và kiếm tiền.

Có bao giờ bạn để ý, những người phục vụ hàng quán ngày tết? Mẹ tôi có quán ăn nhỏ, và bao năm qua, cứ đến tết là bà tất tả, cực nhọc. 

Mẹ phải tranh thủ lắm với bao nhiêu truyền thống ngày tết như cúng cơm ông bà, dọn dẹp nhà cửa, mua hoa mua quả…Tất cả đều phải thu xếp để làm xen kẽ với những giờ khách vắng. Đến ngày mùng Một thì bước vào cao điểm, nhà tôi gần như không có bữa cơm tử tế, đừng nói gì đến bánh mứt dưa hành…

Một trong những tấm hình xuân hiếm hoi của gia đình.
Một trong những tấm hình xuân hiếm hoi của gia đình tôi.

Mẹ tôi sinh ra tôi vào những năm cuối của thập kỷ 1980. Nhà bà tôi rất nghèo, mẹ tôi lại thất học nên chỉ đi làm mướn cho mấy hãng kẹo dừa ở Bến Tre. Ba tôi cũng nghèo, ông bà nội mất khi ba tôi còn quá nhỏ. Ba mẹ tôi lấy nhau với hai bàn tay trắng.

Rồi mùa xuân đầu tiên sinh tôi, ba tôi đi bán hàng hội chợ. Mẹ tôi vừa trông đứa con tròn tháng vừa bán tiệm ăn. Ba tôi có cái hình trắng đen ở hội chợ Tiểu Cần – Trà Vinh mà ông giữ rất kỹ. Chắc đó cũng là những năm tháng đáng nhớ với ông vì Tết phải xa vợ mới cưới, con mới ra đời, để mưu sinh ở vùng quê khác.

Một năm nào đó, gần tết, cha tôi theo dượng tôi đi buôn dưa hấu, nhưng không may thuyền bị lật. Tất nhiên là dưa cũng trôi theo sông. Sau lần ấy, ông ở nhà hẳn vào dịp tết, nhưng không phải để ăn tết, mà là cùng mẹ tôi bán tết.

Cũng có lúc, tôi thấy mình thiệt thòi so với chúng bạn vì tôi không được đi chơi nhiều, không được nghỉ ngơi, hay nằm ườn ra xem tivi như chúng bạn. Thay vào đó, tôi chạy bàn, rửa chén… từ sáng đến tối mịt. Đó là cái tết “truyền thống” của nhà tôi.

Sau này, khi bắt đầu học đại học, năm đầu tôi quyết định ở lại Sài Gòn để làm thêm. Nghe rất buồn cười nhưng không hiểu sao năm đó tôi lại quyết thế. Mẹ tôi rất buồn, nhưng tiền lương và tiền khách bo cho tôi những ngày tết, đủ để tôi đóng tiền học kỳ kế tiếp. Tôi càng thấm thía vì sao mẹ không nghỉ tết, dù rằng, chắc bà cũng rất  mệt, cũng muốn nghỉ ngơi.

Ba tôi mất, một mình mẹ đã đi qua qua hơn 20 mùa xuân như thế. Cứ từ đầu tháng Chạp đến hết tháng Giêng âm lịch là tháng cao điểm của quán ăn nhỏ. Bán hai tháng này tiền thu về phải bằng mấy tháng thấp điểm. Qua tết, mẹ tôi có thể đóng tiền học cho con, trang trải nhiều thứ chuẩn bị cho mùa mưa sắp tới.

Tết năm nào mẹ tôi cũng sụt cân, không chỉ vậy, đôi mắt bà cũng trũng sâu vì thức đêm dậy sớm. Bây giờ, hai chị em tôi đã lớn, có gia đình riêng, nhưng mẹ vẫn chưa chịu nghỉ tết, vì bà vẫn còn nhiều nỗi lo.

Bà lo tuổi già của mình trở thành gánh nặng cho con cháu. Cả đời mẹ là những lo toan, bà chăm sóc ngoại tôi suốt trong những năm cuối đời với rất nhiều cực nhọc. Ba tôi mất sớm, một mình mẹ tôi nuôi mẹ già và hai con còn nhỏ ăn học.

Đây là hình ảnh tôi bắt gặp những ngày giáp tết. Ai cũng vất vả mưu sinh, nhất là những người mẹ.
Đây là hình ảnh tôi bắt gặp những ngày giáp tết. Ai cũng vất vả mưu sinh, nhất là những người mẹ.

Mùa xuân của mẹ tôi khác với rất nhiều người, nhưng lại giống với không ít bà mẹ vất vả mưu sinh khác. Vẫn lo lắng cho các con, vẫn vun vén nhà cửa dù công việc rất bận rộn. Đôi lúc nghĩ đến những nhà được nghỉ ngơi, ăn uống, sum họp gia đình, bạn bè mà tôi chạnh lòng. Nhưng nghĩ đến những gánh nặng cơm áo gạo tiền, chưa làm cho mẹ được thong dong, tôi càng thương mẹ hơn.

Tôi nhớ một năm nào đó, bạn bè rủ đi chơi, đi chúc tết thầy cô, tôi cũng được mẹ cho đi chơi nhưng mẹ dặn về sớm phụ mẹ vì trưa nhà vắng khách. Thế nhưng, tôi đi đến tận tối. Lý do đơn giản là ham vui và cũng cảm thấy ngán, lười với việc bạn bè đi chơi mà mình tết phải chạy bàn, bán buôn....

Lúc tôi về thì thấy mẹ chưa ăn cơm, bà đang tất bật chuẩn bị thêm đồ để bán cho buổi tối. Niềm vui của tôi đổi lại là sự vất vả của mẹ.

Tôi mong rằng, đến một lúc nào đó, mùa xuân thực sự sẽ đến với mẹ. Những nếp nhăn không còn hằn những nỗi lo. Bà có thể nghỉ ngơi, vui vẻ với con cháu, ăn những bữa ăn tất niên, tân niên một cách đàng hoàng hơn.

Như hai bạn con trai của tôi, bây giờ nói đến tết là biết đến lì xì, chúc tết, được đi đường hoa, được đi chơi, ăn uống... coi như những vất vả ngày xưa của mẹ là hành trang để chúng tôi lớn lên, biết yêu thương và quý trọng những giá trị mà mình đang có.

Sẽ sớm thôi, rồi mùa xuân sẽ đến với mẹ.

Kim Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI