Mưa vài cơn, nhiều trẻ đã viêm phổi

12/06/2023 - 06:29

PNO - Tuy mới bước vào mùa mưa nhưng nhiều trẻ đã bị nhiễm siêu vi, viêm tiểu phế cầu, viêm phổi… Trong đó, không ít trẻ viêm phổi tái đi, tái lại.

“Do mỗi lần chuyển mùa, mưa xuống là con hay nóng sốt, khò khè nên tôi cứ nghĩ cháu bệnh thông thường, mình đã có nhiều kinh nghiệm chăm sóc. Không ngờ lần này con tôi bị viêm phổi nặng” - chị Nguyễn Thị Trang Đào mệt mỏi nói về bệnh tình của con gái 14 tháng tuổi. Đây là lần thứ hai con chị viêm phổi và đang điều trị tại Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2. 

Chị Đào cho biết, ở lần viêm phổi đầu, bé nóng sốt, thở mệt, nhập viện điều trị 4 ngày là khỏi. Lần này, nghĩ con bị cảm sổ mũi nên chị ra tiệm thuốc mua thuốc cho bé uống nhưng mấy ngày sau, bé sốt cao, thở nhanh, quấy khóc. Đưa con đến BV ở Đồng Nai khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm phổi nặng nên chuyển đến BV Nhi Đồng 2. Chị kể: “Con bị viêm phổi quá nặng, trào ngược dạ dày… phải truyền kháng sinh, thuốc. Hôm nay là ngày thứ tư nhập viện, con đã bớt sốt, hơi thở nhẹ hơn”. 
 

Bệnh nhi mắc viêm phổi đang được bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám - ẢNH: PHẠM AN
Bệnh nhi mắc viêm phổi đang được bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hô hấp 1 Bệnh viện Nhi Đồng 2 thăm khám - Ảnh: Phạm An

Còn bé trai 9 tháng tuổi, con của chị Nguyễn Thị Hương (ở Bình Phước) cũng viêm phổi nặng, nhập viện lần hai. Vợ chồng chị làm công nhân, ở trọ tại TPHCM. Trong một lần về quê, vợ chồng chị chở con bằng xe máy thì gặp mưa. “Chúng tôi đã vào quán nước chờ mưa tạnh. Tôi còn mặc thêm quần, áo, quấn khăn cho bé. Vậy mà về tới nhà, bé đã chảy nước mũi. Tôi mua thuốc cảm cho bé uống ngay. Nhưng con cứ sổ mũi, khò khè gần 1 tuần, sau đó thì ho, khó thở rồi li bì. Chồng tôi quyết định thuê xe đưa con đi BV Nhi Đồng 2. Bác sĩ nói con bị viêm phổi nặng, phải thở máy” - chị Hương chia sẻ. 

Vỗ nhẹ lưng con gái 11 tháng tuổi, chị Trần Thị Minh Trang (ở Vũng Tàu) cứ xuýt xoa mỗi khi con gồng người, húng hắng ho. Trước khi nhập viện 3 ngày, bé N.T.Y.N. bị nóng sốt, khò khè, ho nhiều. Chị Trang cho bé uống si rô ho không đỡ nên đưa đến bác sĩ khám bệnh. Bác sĩ chẩn đoán N. bị viêm họng cho thuốc về uống nhưng không bớt. Thấy vậy, vợ chồng chị đưa bé đến BV Nhi Đồng 1 và được cho nhập viện ngay vì bị viêm phổi. “Đến nay, con đã đỡ ho. Nhưng cứ ho xong, bé lại thở hổn hển, khó chịu. Tôi cứ phải ẵm trên tay bé mới ngủ được” - chị Trang cho hay.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hoàng Phong - Trưởng khoa Hô hấp 1 BV Nhi Đồng 2 - cho biết, thông thường bệnh hô hấp rơi vào quý III và IV của năm. Khi mùa mưa bắt đầu, đặc biệt vào giai đoạn có những cơn mưa bất chợt, đường hô hấp của trẻ sẽ dễ bị kích ứng. Vì vậy, trẻ dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, nhất là nhiễm siêu vi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản… thậm chí viêm phổi. Tới thời điểm này, có khoảng 200 bệnh nhân nội trú, mỗi ngày tầm 30-40 bệnh nhân nhập viện. 

Dự kiến sắp tới, số lượng bệnh cao hơn, kéo theo trẻ mắc bệnh nặng cũng nhiều hơn. Bác sĩ Phong lưu ý, khi trẻ có dấu hiệu mắc bệnh lý đường hô hấp như sổ mũi, khò khè, ho, thở nhanh… cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc, dùng thuốc còn dư ở kỳ khám trước, hay cho trẻ sử dụng toa thuốc của trẻ khác. Bởi qua từng giai đoạn bệnh, sức khỏe của trẻ có những chuyển biến, hoặc có thể mắc bệnh khác, phải được bác sĩ khám, cho thuốc phù hợp. 

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng 1 - đa số trẻ bị bệnh hô hấp sẽ dễ dàng vượt qua nếu không có các yếu tố nguy cơ như: dưới 3 tháng tuổi, mắc một số bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch… Với bệnh về hô hấp, biểu hiện thường gặp nhất là ho. Tuy nhiên, cha mẹ không nên căn cứ vào mức độ ho của trẻ để kết luận bệnh nặng hay nhẹ mà cần theo dõi thêm các triệu chứng khác như khó thở, thở rít, thở nhanh… để phát hiện sớm bệnh viêm phổi.

Tiếp theo, cần lưu ý dấu hiệu thở co lõm lồng ngực để nhận biết mức độ viêm phổi của trẻ. Cho bé nằm trên giường (hoặc nằm trong lòng cha, mẹ), vén cao áo của bé lên rồi quan sát ngực, bụng. Khi trẻ hít thở, phần dưới lồng ngực sẽ nở ra để tiếp nhận ô xy. Trường hợp bị nặng, trẻ phải ráng thở, hóp lồng ngực vào khi hít thở. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần đưa đến BV ngay.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI