Mưa từ xanh thẳm

19/03/2017 - 16:00

PNO - Mặt xanh lè, mắt trắng dã, dì Hai khó nhọc đưa lưỡi thấm những giọt nước mưa đậu vào đôi môi khô khốc. Khát. Đói. Trần nhà như xoay tít!

- Thanh ơi, dậy đi con, mưa ướt hết cả rồi.
Dì Hai từ từ tỉnh giấc. Đôi mắt yếu ớt đảo một vòng quanh căn nhà âm u, chẳng thấy hơi người. Đến khi điểm nhìn cuối cùng tập trung vào bức chân dung trắng đen trên chiếc bàn thờ đầy mạng nhện đặt giữa nhà, dì Hai nhận ra là dì vừa qua một giấc mơ. Cơn gió trái chiều quăng bao hạt mưa nặng trĩu qua song cửa sổ. Hai ống quần bê bết nước, dán chặt vào đôi chân khẳng khiu.

Đôi mắt trắng dã của dì, sau một lúc tập trung vào người mẹ quá cố, lại nhìn xuống đôi bàn chân trắng xanh như của người đã chết. Nhìn để biết vậy thôi. Trong dì lúc này không chút cảm giác lạnh lẽo nào. Nửa phần thân dưới của dì đã bị liệt, sau một tai nạn giao thông khi dì băng qua đường mua cho đứa cháu ngoại tô hủ tíu hồi mấy tháng trước.    

Mua tu xanh tham
 


“Không biết lúc này mẹ con nó đang ở đâu?”, ý nghĩ về người con gái độc nhất và đứa cháu ngoại nặng nhọc chạy qua đầu. Từ ngày nằm một chỗ, dì Hai luôn ám ảnh về những biến cố bất thường, về cái chết. Dì lo cho con gái và cháu. Bản thân dì thì mưa bom lửa đạn những năm gần kết thúc cuộc chiến tranh còn không đủ sức làm dì khiếp sợ thì những đau đớn nhỏ mọn này làm dì bận tâm sao được. Mặc dù vậy, dì vẫn không muốn chết. Không phải dì sợ chết. Dì chết rồi, số tiền chính sách hơn một triệu đồng hàng tháng sẽ bị cắt. Con dì sẽ cực khổ nhiều hơn. Nhưng con dì thì không hay được ý nghĩ của dì.

Cho nên cái ngày rằm vừa rồi, cái ngày dì nằm mê man sau cơn sốt lúc nửa đêm về sáng, thay vì mang dì lên bệnh viện hoặc mời bác sĩ về tận nhà mong níu kéo lại làn hơi của người mẹ sắp tắt. Con gái dì, đôi mắt ráo hoảnh, rước thầy tụng về tụng cho dì đi nhanh. Người thân duy nhất của đời dì tranh thủ nhét bông vạn thọ vào miệng dì, nhét tiền âm phủ vào túi áo, túi quần dì, đè lên cả cái khuôn ngực gầy tóp, nơi có quả tim đau yếu đang cố níu dì ở lại. Người ta nói hôm nay là ngày tốt. Dì mà chết vào ngày này sẽ đi theo Phật, sẽ linh thiêng và phù hộ độ trì cho con cháu ăn nên làm ra.   

Ai cũng đinh ninh với sự trợ giúp của mấy ông thầy tụng, dì sẽ ra đi vào đúng ngày của Phật, nhất là con gái của dì. “Nga ơi cứu mẹ đi con, mẹ khó thở lắm, đừng chất giấy tiền vàng bạc lên mình mẹ nữa con ơi”, dì vô vọng kêu lên trong suy nghĩ. Con dì không nghe thấy. Những người hàng xóm tạo thành một vòng tròn, vô tình tranh với hơi thở ngắn ngủn của dì từng chút khí trời… cũng không nghe thấy gì. Họ chỉ thấy nước mắt yếu ớt đang rịn ra từng chút một nơi hai hố mắt trũng sâu của dì. “Bả đang tiếc nuối đó, chút nữa thấy được mặt người cần thấy là bả đi hà”, mọi người đều tỏ ra hài lòng với câu giải thích của ai đó. 

Mặc những tiếng người chói lói, mặc những bóng người cứ nhòe dần nhòe dần trước mặt, dì Hai từ từ khép đôi mắt mỏi mệt. “Bả đi rồi kìa”. “Tôi nói bữa nay bả đi mà”. Mọi người nhốn nháo. Dì Hai cố hít một hơi  sâu nhất có thể, dồn hết sức vào cánh tay phải, vung nó qua khỏi người như một tín hiệu với mọi người rằng tôi còn sống, tôi muốn sống, hãy cứu lấy tôi, đừng nhét những thứ vớ vẩn này vào người vào miệng tôi nữa. Giấy tiền vàng bạc từ ống tay áo rộng thùng thình văng ra đầy đất. Mọi người hoảng sợ, bỏ chạy tán loạn. Ai cũng đinh ninh rằng dì đã chết, trước đó vài phút.

Dì Hai thích bộ đội, rất muốn trở thành bộ đội. Năm năm trước ngày giải phóng dì theo một người bà con trốn nhà lên rừng làm chị nuôi bộ đội. Đó là những năm tháng tươi đẹp nhất của đời dì. Cũng chính nơi đó dì đã gặp và đem lòng yêu anh chỉ huy. “Ông ấy là người Hải Phòng, cao to đẹp trai, nước da trắng như bông bưởi, đôi môi hồng hơn môi con gái”. Một người gần 60 tuổi, đã lên chức bà ngoại, mà khi hồi tưởng về người yêu cũng có nhiều nét bẽn lẽn không thua gì đám con gái mới lớn. Gần như không ai biết về tình yêu của dì, trừ tôi.

Không phải tôi hay ho gì lắm mà moi được chuyện sống để dạ chết mang theo của dì. Hồi năm chín mươi mấy, xóm tôi còn nghèo lắm. Chỉ có nhà tôi và một vài nhà nữa có ti vi, chứ không phải ai cũng có như bây giờ. Dì Hai gần nhà nên hay qua nhà tôi xem ké. Còn nhớ bữa đó, ti vi diễn vở kịch Thời con gái đã xa, dì Hai vừa coi vừa khóc ngon lành, nhất là cái màn nghệ sĩ Kim Xuân bị vợ của anh đồng đội cũ đến đánh ghen thì phải. Tôi thấy dì khóc, cười ngất: “Trời đất, ai đời thời buổi này có người coi kịch mà cũng khóc”. Dì nói: “Kệ tao, kịch làm tao nhớ ngày xưa lắm, nhớ bố chị Nga mày lắm”. 

Dì và dượng Hai là người miền Bắc cả. Giải phóng xong, họ chọn Long An làm quê hương thứ hai của mình. Không bao lâu sau ngày chị Nga ra đời, dượng Hai mất vì những di chứng nặng nề hồi chiến tranh. Bao nhiêu tình thương dì dành hết cho người con gái.

Được nuông chiều từ nhỏ, chị Nga trở nên hư hỏng. Mười sáu tuổi chị Nga phải bỏ học để ở nhà sinh con, đứa con không ai chịu nhận. Dì chắt chiu từng đồng lương chính sách ít ỏi lo cho mẹ con chị Nga. Đứa nhỏ chưa dứt sữa chị Nga đã thải cho dì để lao vào những cuộc vui chơi mới. Dì Hai phải làm “tất tần tật” những công việc của người có con nhỏ. Mỗi lần nghĩ đến chị Nga, dì chỉ biết thở dài: “Cũng tại mình không biết dạy nó từ nhỏ”.

Mua tu xanh tham
 

Trời xui đất khiến thế nào, đứa nhỏ gần ba năm tuổi thì chị Nga không còn tụ tập chơi bời với đám bạn đầu xanh đầu vàng nữa. Có lẽ nhìn đứa con giống mình như đúc trọ trẹ kêu “mẹ, mẹ” thì lòng dạ đàn bà dù có lạc lõng thế nào cũng có lúc “quay đầu”. Chị Nga xin làm công nhân cho một công ty gần nhà, kiếm tiền mua sữa ngoại, mua bánh trái, mua đồ đẹp cho con. Đi làm thì thôi, về đến nhà là chị Nga ôm miết lấy con.

Đứa bé như cũng biết thân phận của mình hay sao ấy, ở nhà với dì Hai thì không sao, chị Nga ló mặt về là khóc đòi mẹ bằng được, như sợ mẹ bỏ đi lần nữa! 
Dì Hai mừng lắm. Dù cái chân dì Hai mỏi. Dù cái lưng dì Hai đau. Dù con mắt dì Hai không còn thấy rõ. Nhưng mọi việc trong nhà, từ quét dọn nhà cửa, đi chợ nấu cơm đến giặt giũ quần áo cho mấy mẹ con bà cháu, một tay dì Hai làm hết. Như từ xưa tới giờ. Làm mà rất vui trong bụng. Miễn sao con cháu vui vẻ, thảnh thơi. 

Từ ngày dì Hai bị xe đụng, nằm một chỗ, chị Nga bận “bù đầu bù cổ” nên luôn gắt gỏng, coi dì như cục nợ đời. Có hôm tôi sang thăm nghe chị Nga nạt nộ dì mà thấy bực! Dì Hai cười gượng: “Tội nghiệp, chị Nga mày nào giờ có biết làm gì đâu, thế nên đụng đâu hỏng đó cả, nó nói vậy chứ thương tao lắm, mày đừng nói với ai, người ta đồn nó, tội nghiệp!”. Tôi cúi người ẵm dì đặt vào xe lăn, thầm cay đắng: cả xóm này ai mà không rủa chị Nga; cái chuyện chị Nga bỏ đói, không tắm rửa, chỉ đỡ cho dì đi vệ sinh mỗi ngày một lần, cả xóm này ai mà không biết, mà dì còn đỡ lời 
cho chỉ!…

Mưa mỗi lúc một to. Mưa ầm ầm trên mái nhà tôn. Mưa luồn qua song cửa. Mưa bắn xối xả vào chỗ dì Hai đang nằm.  

Mặt xanh lè, mắt trắng dã, dì Hai khó nhọc đưa lưỡi thấm những giọt nước mưa đậu vào đôi môi khô khốc. Khát. Đói. Trần nhà như xoay tít! Khung trời mưa trắng xóa bên ngoài cửa sổ như xoay tít! Rồi mọi thứ nhòe đi. 

Dì Hai lại thấy mẹ. Mẹ đỡ dì Hai ra khỏi chỗ ướt. Mẹ đòi dẫn dì Hai đi. “Con phải chờ con gái với cháu ngoại con về đã mẹ ơi. Hôm nay con gái của con đưa con gái của nó đi chơi Suối Tiên hay gì đó mẹ ạ! Bây giờ chúng nó có bị mưa không hở mẹ?”, dì Hai thều thào. Rồi lịm dần.

Ngoài trời thì vẫn cứ mưa. Như ngàn đời nay: Mưa thì vẫn cứ rơi từ xanh thẳm!    

 Lê Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI