|
Niềm vui mùa Trung thu của nhiều gia đình là được cùng nhau dạo phố lồng đèn - Ảnh: Hồng Lam |
Nhớ tiếng trống lân rộn ràng, nhớ dáng gây cười của ông Địa ỏn ẻn bụng phệ, nhớ cả những rị mọ lồng đèn tay nhuộm màu giấy kính, nhớ miếng bánh nướng sẻ chia của đám nhóc xóm nhà, ngon đến độ mỗi miếng cắn chỉ dám nhín tí hin vì sợ hết…
Một Trung thu bình dị, đơn sơ, và thân quen như thế, đã xa, rất xa.
Tui có bà thím người Tiều, họ Diệp, định cư ở Việt Nam đến đời thứ năm, ngay gần chân cầu Hậu Giang bên quận 6, TP.HCM.
Hồi nhỏ, có hai cái tết khiến tôi tỉ tê khoái, thứ nhứt là Trung thu, cái còn lại không gì hơn là tết Nguyên đán. Hỏi nhớ gì về tết, Trung thu bao giờ cũng có lắm thứ để hồi tưởng.
Số là mỗi năm, cỡ đầu tháng Tám âm lịch - thực ra hồi nhỏ chẳng biết âm dương chi ráo - đó là khi ông anh hai của thím từ quận 6 sang Gò Vấp, ghé nhà bà nội, mở tay nải ra tặng cho 4 cái bánh Trung thu. Đây là bánh của bà sui và gia đình làm, chỉ để tặng họ hàng thân thuộc.
Nít nhỏ như tui ngấp nghé cánh cửa, mắt hau háu nhìn mấy cái bánh đang ngự chễm chệ trên bàn, tai như ù đặc vì không còn biết mô tê xung quanh, mắt chớp chớp - mồm đớp đớp với lim dim hồi tưởng chờ cho quan khách người lớn giải tán, sẽ vận dụng những ngôn từ bao la da diết nhất để xin nội thương thằng cháu đói, khỉa cho phần tư cái bánh nướng con con, hoặc chí ít cũng được một góc tám.
|
Phố lồng đèn ngày xưa bày bán rất nhiều lồng đèn giấy kiếng - Ảnh: Nguyễn Đình |
Thói quen tặng bánh Trung thu đến với gia đình tôi và khiến mọi người - ngay cả với ông bà cha mẹ - đều mong đợi, bởi vì nó quá ngon.
Cái ngon không hẳn đang ở thời đói kém, mà kỳ thực, từ cái bột bánh, vàng nâu đều nườm nượp, thơm mà lại mềm vừa, cắn đâu dính đó, không nát tơi, rơi lả tả như bánh chợ.
Đến phần nhân thì ôi thôi, có hạt dưa, mứt bí, lạp xưởng, thịt quay, nhưng phê tê mê nhứt là lòng đỏ quả trứng muối nằm giữa cái bánh.
Nít nhỏ như tui bao giờ cũng được nhường cho phần trứng “hên” nhứt bánh, bự hơn các phần khác nhờ cú lạng dao xẻ tư trúng tâm bánh, nhưng trứng lại nằm trật.
Miếng trứng thơm, ngậy bột, mềm vừa phải, mặn cũng vừa tới, cắn vào miệng, lấy cái lưỡi miết qua vòm họng, vậy là trứng tan, kéo theo đủ thứ vị ngọt, mặn, bùi… bá cháy tới độ cả nhà mỗi lần xẻ bánh sau bữa cơm tối đầu tiên của ngày được tặng, bao giờ cũng là những xuýt xoa, khen bánh ngon hoài không chán.
Hôm nào khui bánh, có thím ở đó, cả nhà lại được “giải ngố” bằng những câu từ lơ lớ về kỹ thuật mần bánh Trung thu kiểu Tiều: “Ây da, cái lòng trứng á, khó làm lắm, trứng muối ngâm từ năm nay á, để năm tới mới làm. Phải chọn dza cái nào muối, không bị chai á, mới đem bỏ dzô nhưn bánh”.
|
Lồng đèn ngày xưa đơn giản với đèn dầu thắp chứ không phải đèn điện chớp nháy |
Ăn được miếng bánh ngon đã đành, nhưng cái khiến tui nhớ Trung thu miệt mài hơn, là bởi từ khi ăn bánh, biết ngay sắp đến tết Trung thu, và kiểu tới trước ngày rằm, cũng được theo ba hay chú làm một chuyến chu du vào Chợ Lớn trên con xe đam cùi (Honda Dame) đời ơ kìa nó gỉ (1967) của ông nội để lại, cốt xem cho được một đội lân đi múa rong ở các khu chợ mua bán nhộn nhịp.
Mỗi lần thấy đoàn lân, tui có cái ấn tượng riêng với ông Địa. Lân thì nhảy múa, nhìn hung quá, trẻ ranh không dám bén mảng gần.
Chỉ có ông Địa là ngon cơm, bụng phệ, tay cầm quạt, thấy con nít là xáp dzô, ẻo ẻo dáng Trư Bát Giới, đám nít đứng ngồi quanh, cười ngặt nghẽo, lại được sờ bụng, xoa mông, vỗ đùi, ôm cứng chân giỡn ông Địa thoải mái mà không sợ thất lễ.
Hết trò xem lân hí Địa, Địa hí đồng tử là đám nít quỷ bu quanh, một niềm mơ thầm kín khác là được lạng sang khu Phú Bình, Q.11. Nhà gốc Bắc 54, ở làng Phú Gia, Từ Liêm, Hà Nội, có tí dây mơ rễ má với bà con ở Phú Bình.
Đây là miền thiên đường tuổi thơ của tui hồi nhỏ, còn nhớ khi vào đó, nhà nhà nối nhau làm lồng đèn, đẹp như một miền cổ tích. Và khi màn chào hỏi, trà nước của người lớn bắt đầu, nít tui có cơ hội lọ mọ từ nhà này sang nhà khác xem làm lồng đèn Trung thu.
Còn nhớ cái lồng đèn đầu tiên trong đời, được dạy theo kỹ thuật của xóm lồng đèn Phú Bình, chính là ngôi sao mà bây giờ nhắm mắt cũng hình dung lại cách làm, dễ như… ăn bánh Trung thu vậy.
Đầu tiên là bẻ nan tre đều nhau, lấy cọng thun, buộc nối các đầu thành hình ngôi sao năm cánh, chập hai ngôi sao vào nhau, bẻ nan tre chêm vào giữa là thành cái khung đèn, dán chút giấy bóng kiếng, vậy là có đồ chơi về khoe cả xóm.
|
Niềm vui Trung thu của trẻ thơ với lồng đèn giấy |
Làm ra cái lồng đèn, sướng đã đành, khi rời khỏi xóm Phú Bình, kiểu gì cũng được tặng thêm cái lồng đèn con con, năm là con bướm, năm con ngựa, con dê… chung quy là con nào cũng thích.
Về tới xóm, tối đó là cả niềm hãnh diện vô bờ khi lấy cây đèn cầy nhỏ như ngón út, gắn vào ống đế xoắn như lò xo, châm lửa, đi rong vào xóm trong rước đèn, với phong thái trịnh trọng - vì sợ gió thổi tắt, tai giỏng lên chờ đợi vô số lời khen: ôi lồng đèn đâu đẹp thế!
Chỉ vậy là lại cười tủm, sướng đê mê không tả. Rước đèn quanh, nến cháy tạo hơi nóng, khiến cho lớp giấy kiếng căng bóng lưỡng, lồng đèn càng thêm đẹp.
Qua thời gian, bà sui của nội cùng gia đình thím đi nước ngoài định cư, Trung thu đến thiếu vị bánh nhà làm. Thay vào đó là những hộp to hộp nhỏ, diêm dúa vẻ ngoài, được biếu tặng khi tui đã trưởng thành, có việc làm ổn định.
Cũng gọi là bánh Trung thu, nhưng người ta cố khoác lên cho nó những gì sang trọng, mỹ miều nhất khi phải chứa đựng bao thứ sơn hào hải vị, kiêu sa đài các, thành thứ quà đáp lễ, hơn là miếng ngon dành cho tết riêng của đám nít nhỏ một thời.
Sự ê hề, ngập tràn của bánh mỗi mùa Trung thu về, bóp nghẹt luôn cảm xúc háo hức, đợi chờ, mong có ngày tay vê bánh dẻo - miệng nhồm nhoàm bánh nướng, thay vào đó là cảm giác sợ.
Một nỗi sợ bánh Trung thu, thậm chí bắt đầu ghét, mà thực tình, ngày xa xưa chưa bao giờ dám nghĩ.
Lân với Địa giờ cũng no đủ, Trung thu cũng ít xuất động như ngày xưa, xóm lồng đèn Phú Bình chế tác theo lối cổ truyền cũng teo tóp dần, thay vào đó là những phố lồng đèn nườm nượp trai thanh gái lịch, chụp choẹt “chéc in” (check-in), “cúng phây” tanh tách với hậu cảnh hiếm hoi mới thấy cái lồng đèn cổ truyền, còn lại tuyền là đồ anh bạn hàng xóm nhập sang, đổ khuôn từ nhựa, đỏ đỏ vàng vàng, đóm đèn nhoay nhoáy, lại có cả âm thanh í a í ồ.
Đẹp thì có đẹp, an toàn cũng nhứt, lại bền bỉ nhờ pin, nhưng vẫn thấy xa lạ, như chẳng có xúc cảm yêu thương.
Tiệm bánh Trung thu hà rầm khuyến mãi, giảm giá. Các phố lồng đèn khu Lương Nhữ Học, Phú Định… rộn ràng, lung linh ngày đêm, Trung thu đấy, vẫn một cái tết quen, nhưng mà sao thật lạ.
Khải An