Mùa Trung thu ấm áp sẻ chia

16/09/2024 - 08:56

PNO - Mùa trăng vẫn đến, nhưng rất nhiều sự kiện mừng Trung thu đã tạm dừng. Lễ rước đèn được thay bằng chương trình quyên góp ủng hộ đồng bào. Trẻ nhỏ vắng các hoạt động vui chơi nhưng được bồi đắp giá trị sẻ chia, yêu thương, lòng trắc ẩn…

“Cháu xin góp một phần sức nhỏ”…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản về việc tạm hoãn nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật để tập trung nguồn lực vào công tác phòng, chống lụt bão. Bên cạnh các chương trình giải trí khác, nhiều sự kiện vui Trung thu dự kiến tổ chức cho các em thiếu nhi năm nay cũng đã được dừng ở nhiều tỉnh, thành. Chương trình Vui tết Trung thu 2024 (dự kiến tổ chức vào 2 ngày 14 - 15/9) đã không diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội. Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng cho dừng tất cả hoạt động trưng bày, trải nghiệm vui chơi rước đèn ở phố cổ (dự kiến tổ chức trong tuần lễ từ ngày 4 - 14/8 âm lịch).

2 học sinh lớp Tám Trường THCS Kiến Thiết (quận 3) là Từ Đăng Nguyên (bìa phải) và Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi đem heo đất, sách vở mới quyên góp cho đồng bào miền Bắc tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ảnh: T.T.
2 học sinh lớp Tám Trường THCS Kiến Thiết (quận 3) là Từ Đăng Nguyên (bìa phải) và Nguyễn Huỳnh Bảo Nhi đem heo đất, sách vở mới quyên góp cho đồng bào miền Bắc tại Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM - Ảnh: T.T.

Tại Huế, tất cả lễ hội/sự kiện được tạm hoãn trong thời gian cả nước chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đồng bào. Hội đèn lồng quốc tế Huế 2024, lễ hội Rước đèn lồng đường phố, lễ hội Áo dài “Linh Phụng” cũng như chương trình nghệ thuật Mùa thu cho em (do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 16 - 19/9) tạm hoãn. Rất nhiều trường học ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đã không tổ chức “đêm hội trăng rằm”, thay vào đó là hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào và cho các em thiếu nhi viết thư tay động viên bạn bè cùng trang lứa ở vùng bão lũ.

“Trong suốt mùa hè qua, con đã gom lon bia để bán và phần thưởng con thi bơi thành phố, con dùng số tiền này để ủng hộ các bạn nhỏ ở miền Bắc. Con mong các bạn sẽ thật hạnh phúc” - thư đề tên em Võ Xuân Nghi - lớp 4/2, Trường tiểu học Lê Lai - với số tiền trao tặng là 360.000 đồng. “Cháu là học sinh, không có nhiều tiền nhưng vẫn ủng hộ cho mọi người ở miền Bắc qua khỏi thiên tai”, “Cháu xin góp một phần sức nhỏ của mình”… Đó là những lời bày tỏ thật lòng ghi trong nội dung chuyển khoản gửi đến Ủy ban MTTQ Việt Nam khiến lòng người thật ấm áp và cảm động.

Sân trường trở thành nơi trao gửi yêu thương. Các em nhỏ mang cặp sách, quần áo ấm, giày dép, sách giáo khoa, đồng phục học sinh… để góp tặng các bạn đang gặp khó khăn. Những đôi tay bé thơ đi học mang theo ống heo tiết kiệm, mì gói, bánh, sữa, tập vở…; cùng nhau làm bánh trung thu và viết hàng ngàn bức thư tay gửi bạn miền bão. Tấm lòng, tình yêu thương và sự san sẻ mà các em đã cùng trao gửi cộng hưởng nên sức mạnh tinh thần lớn lao, xoa dịu và an ủi trái tim của bao người.

Mùa trăng ở lại

Tết Trung thu trong những trang sách dành cho trẻ thơ rất giàu hình ảnh, rộn ràng với lễ hội rước đèn từ thành phố đến vùng nông thôn: Đủng đỉnh trăng đi, Kể chuyện tết Trung thu, Cổ tích Trung thu, Chuyện mùa trăng, Ai chờ trăng tới?… Nhà xuất bản Kim Đồng cũng vừa cho ra mắt cuốn Ngôi làng Trăng Méo (lời: May, tranh: Cao Thư), với câu chuyện dành cho trẻ thơ vô tình lại rất phù hợp trong mùa trăng này. Chuyện kể về một đêm Trung thu diễn ra khi “bầu trời sợ hãi giấu đi tất cả mây trắng, mây vàng, sao lấp lánh và cầu vồng 7 sắc”. Nhân vật Trăng Còi sẽ làm gì để thắp sáng bầu trời?

Ngôi làng Trăng Méo – sách mới cho trẻ em dịp Tết Trung thu vừa được phát hành. Nguồn ảnh: nhà xuất bản Kim Đồng
Ngôi làng Trăng Méo – sách mới cho trẻ em dịp Tết Trung thu vừa được phát hành. Nguồn ảnh: nhà xuất bản Kim Đồng

Mùa trăng năm nay, hội rước đèn với những trò chơi dân gian, những mâm cỗ hay múa lân sôi động chỉ xuất hiện trong những trang sách đầy màu sắc. Nhưng đêm trăng được thắp sáng bởi tình yêu thương và lòng nhân ái của con người. Các em nhỏ đã được cùng nhau trải qua một mùa trăng kỳ lạ và ấm áp. Đó là mùa trăng của hội ngộ và sẻ chia, trao gửi và được thấu hiểu giá trị của yêu thương, đoàn kết, “lá lành đùm lá rách”…

Tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” đã được thiếu nhi khắp mọi miền đất nước cùng nhau hưởng ứng, thực hiện. Tiền giải thưởng, tiền mừng sinh nhật, tiền ăn sáng tiết kiệm, tiền bán đồ chơi/đồ dùng học tập… đều là những món quà quý từ tấm lòng trẻ thơ khắp mọi miền. Trước mọi tai ương, thảm họa của đất nước, các em nhỏ đều được người lớn dẫn dắt, hướng đến những giá trị tốt đẹp và tích cực. Bằng nhiều cách, các bé đã được học cách trao đi. Đó cũng là bài học giáo dục thiết thực, có ý nghĩa nhất cho trẻ thơ về tình yêu nước, lòng nhân ái, yêu thương và trắc ẩn.

“Trong thời gian qua, con đã được xem những bài viết, trang báo, được nhìn những hình ảnh của đồng bào miền Bắc trong và sau đợt bão số 3. Con cảm nhận được những đau thương, mất mát cùng với những khó khăn và những giọt nước mắt. Con lại càng thêm yêu mảnh đất nơi mình sinh ra, con lại thấy được tình yêu thương, sự đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ… Dù số tiền không lớn, nhưng con mong có thể giúp được nhiều người. Vì chúng ta là người Việt Nam” - trích thư của một em nhỏ.

Rất nhiều hình ảnh đẹp và những trang viết ấm lòng từ trẻ thơ đã được lan tỏa trong những ngày qua. Các em đã cùng người lớn góp nên sức mạnh lớn lao, tôn vinh ý nghĩa sâu sắc của 2 chữ “đồng bào”. Mai này, trong những trang sách mới viết về tết Trung thu, có lẽ sẽ còn vọng mãi dư âm của mùa trăng đặc biệt này.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI