Mùa trứng kiến thân thương

27/04/2023 - 06:53

PNO - Trứng kiến có màu trắng ngần, nhìn rất ngon mắt, được dùng làm món ăn với cơm hay làm bánh.

 

Nhiều loài kiến có trứng trắng ngần như hạt gạo nếp (Ảnh của Gobson)
Nhiều loài kiến có trứng trắng ngần như hạt gạo nếp (Ảnh minh họa: Gobson)

Quê tôi ở Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, nhà nào cũng có ít nhất vài sào đất đồi, nhiều thì vài quả đồi và đất vườn để trồng cây ăn quả. Cây cối rất nhiều, quanh năm xum xuê, rì rào tươi mát. Có lẽ vì vậy mà có khá nhiều… tổ kiến. Có một loại kiến, tôi không biết tên chúng là gì, màu đen, răng rất sắc, tính cách hung hăng, làm tổ và đẻ trứng trên các cành cây cao, chủ yếu là cây xoan, dã hương hay bụi tre, bụi hóp. Sau tết Nguyên đán, người ta thường hái tổ kiến để lấy trứng, nên người quê tôi gọi tháng Ba âm lịch là mùa trứng kiến.

Trứng kiến có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon, như xôi trứng kiến, bánh trứng kiến, trứng kiến trộn trứng gà, trứng vịt, sau đó chiên hoặc hấp. Đôi khi đơn giản chỉ là món trứng kiến dầm mắm ớt chưng mỡ heo.

Vào mùa đông, khi lá cây vàng, rụng hết, cây chỉ trơ lại cành khẳng khiu, ấy là lúc những cái tổ kiến bị “phơi” ra giữa trời. Từ xa, những cái tổ kiến đen thui, to chừng quả dưa hấu, trông như cái tổ của một con chim khổng lồ mắc giữa những cành cây, đó là lúc các thợ săn trứng kiến nhắm nhe cho mùa hái trứng kiến tháng Ba.

Hái tổ kiến không phải là việc dễ dàng, tách tổ lấy trứng càng là việc khó khăn, nhưng chị em tôi lại luôn háo hức. Đầu tiên, là hái tổ kiến. Kiến làm tổ ở trên cành cây cao, đôi khi là một cành cây nhỏ, rất cao, nên người hái thường phải leo lên cây, dùng dao chặt cành cây có tổ kiến.

Tổ kiến được đặt dưới gốc cây, kiến sẽ bò trở lại cái cây chúng từng làm tổ, để chúng tiếp tục tìm nguyên vật liệu để xây tổ mới.

Khi kiến bò ra khỏi tổ đã vãn, chúng tôi đặt tổ kiến lên cái mẹt và dùng dao sắc bổ đôi tổ kiến. Việc dùng dao bổ tổ kiến phải dứt khoát, nếu phải dùng nhiều nhát dao thì sẽ khiến tổ bị dập, ảnh hưởng đến chất lượng trứng kiến.

Khi tổ bị bổ đôi, kiến bảo vệ tổ và trứng tóa ra rất nhanh, nhiều con kiến, theo bản năng sẽ cắp theo trứng và kiến non di tản, lúc này chúng tôi đặt lên mặt tổ kiến những tàu lá dương xỉ để kiến bám vào. Khoảng 10 phút kiến sẽ bám vào lá và tổ không còn kiến trưởng thành nữa. Kiến trưởng thành đốt rất đau, và chúng rất quyết liệt tấn công những kẻ xâm hại tổ của chúng. Lúc này chúng tôi vệ sinh cái mẹt, rồi gõ nhẹ lên thân tổ, trứng kiến như những hạt nếp cái màu trắng ngần sẽ theo các đường hầm trong tổ tuôn ào ào ra mẹt.

Trứng kiến có màu trắng ngần, nhìn rất ngon mắt, và mềm, dễ bị dập nát, nên quá trình sàng lọc trứng khỏi tạp chất, vỏ tổ và xác kiến trưởng thành đều cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn.

Mỗi năm chị em tôi lại thu hoạch trứng kiến 1 lần, và lần đó chỉ lấy chừng 3 tổ kiến trong phạm vi vườn cây nhà mình. Lần nào cũng phải mất cả buổi chiều mới thu được chừng 2 chén ăn cơm đầy trứng kiến. Sau đó, mẹ chế biến một đôi món ăn ngon mà chúng tôi đều yêu thích.

Đơn giản nhất là món trứng kiến trộn trứng gà, hay trứng vịt chiên. Nguyên liệu gồm nửa chén con trứng kiến (đã nhặt sạch tạp chất, rửa sạch và để ráo), 4 quả trứng gà, hoặc trứng vịt, 5-7 lá lốt xắt sợi, 1 muỗng cà phê nước mắm ngon, bột nêm, bột ngọt (nhưng thường thì mẹ tôi sẽ không nêm bột ngọt). Mẹ trộn đều hỗn hợp trên, rồi chiên vàng. Trứng kiến chiên ăn với cơm nóng, canh rau ngót thì thật tuyệt vời.

Món bánh trứng kiến người quê tôi học được từ người dân tỉnh Cao Bằng, nơi có món đặc sản bánh trứng kiến nổi tiếng, nhưng có chút biến tấu. Nguyên liệu làm bánh trứng kiến gồm bột gạo nếp, trứng kiến, gia vị mặn (hoặc ngọt). Ở Cao Bằng, người ta dùng lá vả, ngõa mật để gói bánh, quê tôi dùng lá sau sau hoặc lá mít bánh tẻ.

Với chúng tôi, bánh trứng kiến nhắc nhớ tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo (Ảnh của ngocanhngxx)
Với chúng tôi, bánh trứng kiến nhắc nhớ tuổi thơ hồn nhiên trong trẻo (Ảnh minh họa: ngocanhngxx)

Để có bột nếp dẻo, mịn, dai ngon, mẹ tôi chọn loại nếp cái hoa vàng, vo sạch, ngâm qua đêm rồi đem ra cối đá "gia truyền" xay thành bột nước, rồi lọc lấy phần bột mịn. Khi bột nếp đã đủ độ, không quá nhão, không quá khô, mẹ tôi đổ khối bột ra mâm nhôm sạch rồi ngào đi ngào lại thật nhiều lần cho bột "ngấu, quánh". 

Nhân bánh là trứng kiến mẹ tôi xào với gia vị vừa ăn, nếu không thích nhân mặn thì có thể nêm đường, mật để làm nhân ngọt, sau đó trộn với đậu xanh đồ chín, nặn thành những chiếc nhân bánh to như quả trứng gà ta.

Lá sau sau hoặc lá mít bánh tẻ rửa sạch, lau khô. Mỗi miếng bột được dàn đều hình tròn, cho nhân bánh vào giữa rồi cuộn vỏ bánh lại, ép dẹt, dùng lá sau sau hay lá mít ép hai bên mặt bánh. Lưu ý là mặt lá ép vào vỏ bánh phải được quết dầu ăn để khi chín, vỏ bột nếp không dính chặt vào lá.

Sau khi đã xong công đoạn gói bánh, mẹ tôi xếp bánh vào khay và cho vào nồi hấp. Bánh trứng kiến không cần phải hấp quá lâu, vỏ bánh trong là được.

Đã mấy năm rồi chúng tôi không về hái trứng kiến làm bánh, vì bận công việc và tổ kiến do bị người ta khai thác quá nhiều, chỉ còn rất ít. Người ta bảo bánh trứng kiến rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là đàn ông và trẻ em suy nhược cơ thể. Với chúng tôi, món bánh trứng kiến dẻo mịn, thơm bùi luôn nhắc nhớ thời ấu thơ hồn nhiên, trong sự bao bọc thương yêu của mẹ cha và xóm làng thân thuộc.

Ngân Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI