Mùa "trẩy hội" sách

25/03/2016 - 08:52

PNO - Mạng xã hội tràn ngập thông tin, hình ảnh về hội sách. Sự phấn khởi hiện rõ trên gương mặt những nhà làm sách và công chúng.

Mua
Mỗi ngày, độc giả “trẩy” hội sách có thể hòa mình vào rất nhiều hoạt động giao lưu, xếp dày đặc từ sáng đến chiều

Hội sách TP. HCM lần IX đã trở thành sự kiện “đinh” của không gian văn hóa tháng ba. Mạng xã hội tràn ngập thông tin, hình ảnh về hội sách. Sự phấn khởi hiện rõ trên gương mặt những nhà làm sách và công chúng.

Ban tổ chức hội sách đã rất chú trọng giải quyết khâu giữ xe, mọi không gian có thể tận dụng đều được làm bãi đỗ, nhưng vào buổi tối vẫn bị quá tải. Hội sách có số lượng gian hàng nhiều nhất từ trướ  tới nay, với hàng trăm ngàn đầu sách, hàng chục triệu bản in. Không gian hội sách thoáng đãng, các gian hàng được thiết kế đẹp mắt. Diện tích được bố trí phù hợp không chỉ có sách mà còn có tiểu cảnh, tượng trang trí…

Mỗi đơn vị một biểu tượng, thông điệp: Huy Hoàng Bookstore gây chú ý với hình ảnh những con thuyền ra khơi và dòng chữ Như tuổi trẻ phải hướng ra biển rộng, First News với biểu tượng hạt giống tâm hồn, Tiki tưng bừng cùng thông điệp “vì một hội sách xanh”, NXB Trẻ với Hành trình sách Trẻ, “khu vườn bí mật” trong trẻo và bình yên cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…

Mỗi ngày, độc giả “trẩy” hội sách có thể hòa mình vào rất nhiều hoạt động giao lưu, xếp dày đặc từ sáng đến chiều. Tuy nhiên, chính vì chồng lấn lên nhau nên không phải chương trình nào cũng tốt. Chưa kể khu vực giao lưu khá chật, chỉ cần vài mươi người dừng lại xem là đã gây ùn tắc. Âm thanh gian hàng này và gian hàng kia lấn át nhau. Chỉ những hoạt động được tổ chức ở hai nhà chuyên đề là được tách biệt hẳn.

Nhưng cũng vì vậy mà bất tiện, nhân vật, diễn giả thường bị lọt thỏm giữa không gian quá rộng so với số lượng khán giả bên dưới. Trong buổi khai mạc, ông Nguyễn Minh Nhựt - Giám đốc NXB Trẻ phải nhắc nhở MC không được giới thiệu là “hội chợ sách”. Từ “chợ” không phù hợp với hoạt động văn hóa này.

Thế nhưng, bất kể quy định không giảm giá sách quá 20% trong những ngày đầu tiên, rất nhiều đơn vị đã “vượt rào” mở bán sách đồng giá từ 5.000đ, giảm đến 40%, có cả nhân viên đứng phát loa mời gọi liên tục “từ điển 5.000đ, từ điển 10.000đ xin mời xin mời…”. Một số đơn vị thừa nhận “cố gắng tranh thủ chừng nào tốt chừng đó” vì chuyện bán được sách là hành trình vất vả, nhất là đối với các đơn vị ít tiềm lực.

Bên cạnh sức hút của những hoạt động giao lưu, ký tặng của các tên tuổi best-seller hoặc những cây bút trẻ có hàng ngàn khán giả hâm mộ, còn có nhiều chương trình không ồn ào song để lại nhiều ý nghĩa. Tác giả Thu Hà có đến ba buổi giao lưu tại hội sách. Dù tác giả rất lạ nhưng cuốn sách Con nghĩ đi, mẹ không biết! (Minh Châu Books và NXB Văn học) thu hút rất đông người đọc, đặc biệt là giới nữ. Đó không phải là buổi ra mắt sách đình đám mà là sự sẻ chia gần gũi, bổ ích. Người viết và người đọc tìm thấy sợi dây đồng cảm xung quanh việc giáo dục con trẻ, những vấn đề bà mẹ quan tâm…

Buổi giao lưu của tác giả Phan Sắc Cẩm Ly (tác giả cuốn Con thích nhất Bento mẹ làm) tại gian hàng Thái Hà Books hay workshop Bé tập kể chuyện cùng tác giả Thu Hằng (tác giả cuốn Giờ chơi đến rồi) tại gian hàng Nhã Nam; Để con được ốm với BS Trí Đoàn cũng hướng đến đối tượng đặc thù: phụ nữ và trẻ nhỏ. Nữ họa sĩ trẻ Lê Thị Bích Khoa (Khoa Lê), tác giả của cả trăm đầu sách tranh thiếu nhi in ở NXB Kim Đồng đến hội sách này mới có được buổi offline gặp gỡ các bạn nhỏ trong không khí thân tình… Ở những hoạt động không đì nh đá m này, không có “tiết mục” xin chữ ký kéo dài, chỉ có những câu chuyện và giá trị ở lại trong những trải nghiệm và san sẻ cùng nhau.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI