Mua tin để phòng, chống tham nhũng - một cách làm hay!

03/11/2023 - 06:20

PNO - Ngoài việc xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ người cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực, cần nghiên cứu tăng giá trị tiền thưởng cao hơn so với quy định đối với thông tin cung cấp có giá trị.

Mới đây, Thành ủy TPHCM ban hành quy định mua tin để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thông tin này được dư luận hết sức quan tâm.

Theo đó, giá trị, mức chi trả cho thông tin sẽ được xem xét, xác định toàn diện theo kết luận, kết quả giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo mức độ, tính chất hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người dân cung cấp thông tin được nhận tối đa 10 triệu đồng/tin (vụ việc). Ngoài chi trả tiền mua tin, nếu nguồn tin cung cấp có giá trị cũng sẽ được khen thưởng phù hợp. 

Theo Thường trực Thành ủy TPHCM, quy định mua tin là một bước kế thừa, phát huy Quy định 1374 năm 2017 của Thành ủy TPHCM về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan các tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Minh họa: tuyengiao.vn
Minh họa: tuyengiao.vn

Không chỉ TPHCM, tháng 6/2014, Ban Nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã công bố các quy định mua tin từ các cá nhân, tổ chức và người dân nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, công chức. Khi bán tin liên quan tới các hành vi tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, công chức, người dân được quyền yêu cầu giữ bí mật thông tin cá nhân. Thông qua kiểm tra, xác minh các nguồn tin có mức độ quan trọng khác nhau, tin được mua với giá tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là 10 triệu đồng.

Tham nhũng được xem là "quốc nạn". Các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng biến tướng hết sức tinh vi với nhiều thủ đoạn khó lường trong một bộ phận cán bộ, công chức có chức vụ, quyền hạn. Trong nhiều năm qua, đặc biệt thời gian gần đây, các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của các quan chức cấp cao có tính chất đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra; số tài sản, số tiền của nhiều “đại án” bị phát hiện, truy tố, xét xử lên đến hàng ngàn tỉ đồng, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận xã hội.

Hành vi tham nhũng, đục khoét của một bộ phận quan chức tha hóa, biến chất, của cán bộ, công chức cấp cao từ trung ương đến địa phương không chỉ làm suy kiệt ngân sách, làm nghèo và suy yếu đất nước mà còn gây xói mòn niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ. Do vậy, việc Thành ủy TPHCM ban hành quy định mua tin từ người dân là một quy định kịp thời, cần được nhiều người biết đến và nhân rộng ra khắp cả nước, để việc mua thông tin chống tham nhũng, tiêu cực trở thành một trong những quy định pháp lý cụ thể, rõ ràng. 

Thực tế đã cho thấy, có rất nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, có tổ chức, móc nối của một bộ phận cán bộ, công chức đã được phát hiện từ sự tố giác, cung cấp thông tin của người dân. Cho nên, ngoài việc xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ người cung cấp thông tin về tham nhũng, tiêu cực, cần nghiên cứu tăng giá trị tiền thưởng cao hơn so với quy định đối với thông tin cung cấp có giá trị.

Đây cũng là cách để người dân thực hiện quyền giám sát tuyệt đối của mình theo quan điểm mà Đảng, Nhà nước đã đề ra là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Khi tiếng nói tố giác của người dân được trân trọng, được xem là một trong những cơ sở quan trọng để đấu tranh chống tham nhũng, sẽ khiến những cán bộ, công chức “nhăm nhe” tham nhũng, tiêu cực phải “chùn tay” khi đứng trước hàng loạt “tai mắt” từ  nhân dân. 

Minh Vũ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI