Mua thuốc bình ổn khó như… hái sao

27/05/2016 - 13:48

PNO - Sau 5 năm TP. HCM triển khai, đã có 563 loại thuốc với hơn 3.850 nhà thuốc tham gia bình ổn. Nhưng người dân vẫn khó tiếp cận thuốc giá rẻ.

Mua thuoc binh on kho nhu… hai sao
Ảnh: Phùng Huy

TP. HCM là địa phương duy nhất cả nước thực hiện được “chương trình bình ổn giá thuốc” ở các nhà thuốc bán lẻ cho người bệnh. Sau 5 năm triển khai, đã có 563 loại thuốc với hơn 3.850 nhà thuốc tham gia bình ổn. Nhưng người dân vẫn khó tiếp cận thuốc giá rẻ.

Nhà thuốc nắm quyền sát phạt

Sáng 26/5, Sở Y tế cùng 14 doanh nghiệp (DN) dược công bố mục tiêu năm 2016-2017 sẽ có 563 loại thuốc tham gia bình ổn, với doanh thu bán ra đạt trên 100 tỷ đồng. Con số này cho thấy, tỷ trọng và giá trị thuốc tham gia bình ổn còn quá khiêm tốn. Tổng giá trị tiêu thụ thuốc của Việt Nam ước đạt 3,3 tỷ USD (khoảng 6.600 tỷ đồng)/ năm. TP.HCM có 28 nhà máy sản xuất thuốc đạt chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới và chiếm 50-70% lượng thuốc sản xuất và nhập khẩu của cả nước. Thế nhưng, thuốc tham gia bình ổn mới chỉ chiếm 10-15% mặt hàng so với tổng số hơn 10.000 loại thuốc sản xuất trong nước, đó là chưa kể thuốc nhập khẩu không tham gia bình ổn. Chiều cùng ngày, phóng viên báo Phụ Nữ đến nhiều nhà thuốc (NT) để tìm hiểu vì sao mới chỉ có 65% NT tham gia và sức tiêu thụ thuốc bình ổn còn thấp.

Khi chúng tôi hỏi mua thuốc xổ giun Benca (hoạt chất Mebendazol 500mg) do Công ty Imexpharm sản xuất với giá 5.250 đồng/viên, nhân viên NT Đ. (đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Thuốc này không có hàng anh ơi! Sao anh không dùng thuốc Fu. của Thái Lan tốt hơn nhiều, giá 18.000 đồng/viên. Em bán lúc nào cũng tư vấn thật lòng cho khách hàng. Đây là thuốc ngoại nên hoạt chất sẽ tốt hơn thuốc trong nước. Còn nếu anh không có tiền, muốn mua thuốc rẻ của chương trình bình ổn thì có thể chọn loại khác như thuốc Mebendazol của Agimexpharm hay SaVi Albendazol 200 của Savi Pharm đều 3.000 đồng/ viên”. Nhân viên nà y thú nhận: “Nói thiệt với anh, thuốc này bọn em thường bán cho khách đến mua về xổ giun cho chó, mèo; còn mua cho trẻ em nên dùng thuốc ngoại”. So với giá bình ổn, thuốc xổ giun SaVi Albendazol 200 bị đội lên 750đ.

Tương tự một loạt NT đối diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Ung Bướu (đường Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh) dù tham gia chương trình bình ổn nhưng bảng hiệu bình ổn thuốc bị che hoặc đặt nơi khó thấy. Ngay cả bảng giá cũng để bên trong góc nhà, người mua không thể mở ra kiểm tra giá thuốc bình ổn bán ra có đúng với giá Sở Y tế công bố hay không. Khi PV hỏi mua thuốc nhỏ mắt Efticol 0,9% (dạng chai tròn) do Công ty CPDP 3/2 sản xuất, nhân viên ở NT số 1X báo 3.500 đồng/ chai, trong khi giá thuốc bình ổn là 2.850 đồng/chai. Vài mặt hàng dù có dán giá trên vỏ hộp nhưng vẫn bán cao hơn.

Tại NT N.L. (đường Lê Quang Định, Q.Gò Vấp), PV hỏi về bảng bán thuốc của chương trình bình ổn, một nhân viên cho biết: “Chúng tôi có tham gia mà bảng vừa bị hư nên chờ làm bảng mới”. Các loại thuốc kháng viêm, giảm đau, hạ sốt bán quá cao so với giá bình ổn. Mặt hàng Acetab 325 (hoạt chất paracetamol 325mg) do Agimexpharm sản xuất và bán ra thị trường có 250 đồng nhưng nhân viên ở đây bán 500 đồng/viên, lời 100%. Còn thuốc Mefennamic do Domesco được bán 1.000 đồng/viên dù chỉ có 390đ. Meloxicam của Tipharco giá 540 đồng/viên nhưng lấy giá 1.100 đồng/viên.

Mua thuoc binh on kho nhu… hai sao
Ảnh minh họa

Dược sĩ L., chủ một NT không tham gia chương trình bình ổn cho rằng: “Thuốc tham gia bình ổn toàn thuốc có tên thương mại lạ nên khó bán. Mặt khác, những loại thuốc tham gia bình ổn phần lớn chỉ là thuốc nhức đầu, sổ mũi, cảm ho, kháng viêm, dị ứng… nên có hàng trăm mặt hàng cạnh tranh giá rẻ. Ngược lại, thuốc đặc trị chữa các bệnh gan, tim mạch, thận, ung thư thì không có hoặc quá ít. Có lẽ vì các thuốc này độc quyền nên chẳng sợ cạnh tranh. Chưa kể, hiện nay có bán thuốc bình ổn mà bác sĩ (BS) kê toa thuốc khác cho bệnh nhân (BN) thì người bán cũng chịu thua. Ở đây không loại trừ yếu tố hoa hồng có ảnh hưởng đến loại thuốc mà BS kê cho BN. Ngoài ra, mỗi khi có biến động về giá cả do nguyên liệu tăng thì không điều chỉnh giá lên được. Do đó, NT phải lo cho mình trước, vì còn phải thuê nhân viên, mặt bằng… Hoa hồng từ các công ty nước ngoài dành cho NT cũng cao hơn”.

Sẽ kiểm tra giá bán ra

Dược sĩ Đỗ Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết: quyền lợi của NT tham gia bình ổn là được Sở ưu tiên trong việc quảng bá miễn phí địa chỉ, tên tuổi NT cho người dân. Ngoài mặt hàng bình ổn, người dân còn đến mua những mặt hàng khác, giúp NT tăng doanh thu. Tuy nhiên việc bán cao giá hơn so với thuốc công bố bình ổn là sai phạm. Vì khi nhà sản xuất cung ứng cho nhà bán lẻ, họ đã giảm giá rất nhiều, thậm chí lời rất ít.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI