Mua thực phẩm ngoài chợ, người Việt chỉ dựa vào kinh nghiệm, niềm tin?

06/07/2024 - 18:40

PNO - Trong chương trình điểm hẹn kiều bào với chủ đề “Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TPHCM tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc”, tổ chức sáng 7/6, bà Vũ Thị Huỳnh Mai – Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - cho rằng, có sự khác biệt khá lớn về quản lý thực phẩm bán tại chợ giữa Việt Nam và các nước.

Theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, tại Thái Lan, mua bất kỳ thực phẩm nào tại chợ, người dùng có thể biết được toàn bộ quy trình từ nguồn nguyên liệu được trồng trọt chăn nuôi thế nào, có sử dụng phân bón hóa học hay chất kháng sinh không, liều lượng sử dụng ra sao, thời gian thu hoạch, điều kiện bảo quản, dây chuyền sản xuất, khâu kiểm định chất lượng.

Trong khi đó tại Việt Nam, bà ra chợ mua miếng thịt, con cá hay ký rau chỉ dựa theo kinh nghiệm và niềm tin là chính, vì không có cách nào để truy xuất nguồn gốc. Ngay cả hiện nay, khi xu hướng mua hàng trực tuyến (online) nở rộ, nhưng người tiêu dùng đều không thể nào truy xuất nguồn gốc được.

Ông John Châu – Giám đốc Công ty TNHH CQD AG – cho biết, tại Nhật Bản, một số loại phân hữu cơ dùng để bón cho cây lành tính đến mức có thể uống được. Còn tại các cửa hàng siêu thị, một vỉ nho 350 gram nhưng có đến 10 cái tem. Có lần thắc mắc, ông John Châu được nhân viên bán hàng giải thích, 10 con tem này là đại diện cho 10 doanh nghiệp gồm cung cấp giống, phân bón, sản xuất, kiểm định, phân phối… nếu người dùng ăn vỉ nho này gặp vấn đề về sức khỏe thì tất cả 10 đơn vị này đều phải chịu trách nhiệm.

“Tại sao người Việt Nam khi mua hàng hóa tại các cửa hàng, siêu thị vẫn quan trọng giá, vẫn thích chọn giá rẻ để mua? Không phải người Việt Nam ham sản phẩm rẻ, mà giữa một bó rau hữu cơ với một bó rau bình thường có hình thức bên ngoài giống nhau. Họ không đảm bảo số tiền bỏ ra đúng với chất lượng sản phẩm nên họ mới không chọn” – ông John Châu nói.

Mua miếng thịt heo ngoài chợ, an toàn hay không là hên xui - Ảnh: Thanh Hoa
Người dùng mua thịt heo ngoài chợ chỉ dựa vào kinh nghiệm, niềm tin là chính - Ảnh: Thanh Hoa

Bà Võ Đình Liên Ngọc - Phó chi cục trưởng, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TPHCM (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) – thông tin, Việt Nam đã xây dựng được Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia, nhưng hiện Cổng thông tin này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, kết nối với hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc ở địa phương.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chúng ta vẫn chưa có hướng dẫn về việc lựa chọn các giải pháp công nghệ, chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, chuẩn mực cần thiết để xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc ở địa phương.

Cán bộ quản lý ngành, lĩnh vực vẫn chưa công bố sản phẩm hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quy định. Dẫn đến hoạt động truy xuất nguồn gốc tại địa phương đang thực hiện chỉ mang tính khuyến khích, chưa có cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc trên địa bàn. Nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện triển khai đều chưa được đào tạo, tập huấn về các nội dung liên quan truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là xây dựng mô hình chuẩn áp dụng cho từng lĩnh vực sản phẩm, hàng hóa.

“Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp ngày hôm nay và trình các kiến nghị này lên UBND TPHCM. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao tuyên truyền cho người tiêu dùng nâng cao ý thức lựa chọn sản phẩm an toàn.

Sở Khoa học Công nghệ TPHCM đang tiếp tục rà soát các văn bản về triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc, xử lý các vi phạm về truy xuất. Rà soát, sửa đổi và bổ sung danh mục sản phẩm, hàng hóa truy xuất nguồn gốc trên địa bàn TPHCM. Tổ chức đặt hàng xây dựng tài liệu hướng dẫn về mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc để triển khai truy xuất nguồn gốc ngày càng sâu rộng trên địa bàn TPHCM” - Bà Võ Đình Liên Ngọc thông tin.

Thanh Hoa – Mỹ Duyên – Mỹ Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI